Làn sóng tấn công chuỗi cung ứng ICT và cách ứng phó

Thứ hai, 01/08/2022 20:35

Tội phạm mạng đang ngày càng lợi dụng tính liên kết của chuỗi cung ứng ICT trên toàn cầu tổ chức nhiều cuộc tấn công quy mô lớn, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

20220827-t31.jpg

Làn sóng các cuộc tấn công khai thác lỗ hổng chuỗi cung ứng ICT

Trong hai năm vừa qua, đại dịch đã đẩy mạnh các lĩnh vực hoạt động mạnh mẽ trên môi trường trực tuyến. Trong khi đó, các biện pháp an toàn thông tin mạng (an ninh mạng) đã lùi bước nhường cho sự cấp bách của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, dẫn đến một số cuộc tấn công vào chuỗi cung ứng ICT nổi tiếng vào năm 2021.

Trong các cuộc tấn công đó, tội phạm mạng lợi dụng điểm yếu của các nhà cung cấp ICT và sử dụng chúng làm bệ phóng tấn công. Công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky nhận định xu hướng này sẽ tiếp tục khi tội phạm mạng cố gắng trục lợi hơn nữa từ mối đe dọa này.

Tại Diễn đàn Chính sách trực tuyến châu Á - Thái Bình Dương (APAC) lần thứ tư, với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành an ninh mạng và chuyên gia về chính sách, ông Eugene Kaspersky, Giám đốc điều hành Kaspersky chia sẻ những tác động của COVID-19 tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều cuộc tấn công cũng như phải đối diện với nhiều mối đe doạ khác. Có nhiều điều kiện đang kích thích các cuộc tấn công này trở nên phức tạp hơn, diễn ra ở một quy mô lớn hơn khi ngày càng có nhiều người làm việc tại nhà và cần phải bảo đảm an ninh mạng ở một cấp độ cao hơn trong bối cảnh hiện nay.

Ông khẳng định: "Hai năm vừa qua chúng ta đã thấy một làn sóng các cuộc tấn công khai thác các lỗ hổng nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng ICT. Khi tội phạm mạng tăng cường phát triển cách tấn công, loại hình này sẽ trở thành xu hướng trong năm 2022 và hơn thế nữa".

Chia sẻ thêm về nhận định từ phía Kaspersky, TS. Amirudin Abdul Wahab, Tổng giám đốc, Cơ quan An ninh mạng Malaysia (CyberSecurity Malaysia) cho biết: "Số lượng các cuộc tấn công vào những người làm việc trong chuỗi cung ứng đã tăng lên, với mục tiêu được chọn lọc, dễ bị tổn thương và nhiều nguy cơ hơn bao giờ hết. Tấn công chuỗi cung ứng rất khó xử lý do phần mềm độc hại được thiết kế luôn ẩn trong hệ thống bị nhiễm và thiết bị của người dùng. Đặc biệt là trong môi trường ngày nay, các quốc gia đang dần phục hồi sau đại dịch và tiến tới chuyển đổi số".

Hợp tác xuyên biên giới

Diễn giả tại sự kiện đồng tình về nhu cầu chia sẻ thông tin thám báo an ninh mạng và hợp tác quốc tế để đảm bảo an toàn cho các quốc gia, tổ chức và cá nhân trong khu vực và hơn thế nữa.

TS. Pratama Persadha, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu bảo mật hệ thống thông tin và truyền thông (CISSReC), Indonesia cho rằng: "Khả năng phục hồi phụ thuộc khả năng phản ứng và phục hồi. Một cách để các bên liên quan bao gồm cả chính phủ và phi chính phủ giảm thiểu những rủi ro này là cải thiện năng lực an ninh mạng, sau đó sẽ cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng ICT".

Tuy nhiên, TS. Pratama Persadha cho rằng điều này sẽ bị hạn chế nếu tất cả các bên liên quan không cải thiện an ninh mạng cho hệ thống của họ. Trở ngại chính là sự thiếu hiểu biết xung quanh tầm quan trọng của an ninh mạng để tăng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng ICT. Cuối cùng, các bên liên quan phải xem xét đầu tư đáng kể để tăng tiêu chuẩn chung về an ninh mạng nhằm cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng ICT.

Bộ trưởng Bộ Điện tử và CNTT và Bộ Phát triển kỹ năng và Doanh nhân, Ấn Độ Shri Rajeev Chandrasekhar chia sẻ: "Trách nhiệm đảm bảo chuỗi cung ứng ICT và đảm bảo không gian Internet an toàn và đáng tin cậy là điều mà chính phủ Ấn Độ dành ưu tiên hàng đầu. Phần cốt lõi của chiến lược là hợp tác xuyên biên giới với tất cả các bên liên quan để đảm bảo sự bảo vệ và khả năng phục hồi của không gian công nghệ và chuỗi cung ứng ICT."

Chia sẻ thực tiễn tại Malaysia, TS. Pratama Persadha cho hay sự phục hồi của chuỗi CNTT-TT là một mối quan tâm ở thời điểm hiện tại và có liên quan trực tiếp tới sự tự tin đầu tư của các nhà đầu tư vào Malaysia.

Các cuộc tấn công mạng thường được cho là chỉ xảy ra đối với công ty lớn, tập đoàn nhưng thực tế có nhiều đối tượng khác bị nhắm tới. Các tin tặc đang nhắm tới phạm vi tấn công rộng hơn và bị tổn thương nhiều hơn trong giai đoạn này. Chính phủ thường có hỗ trợ nhiều hơn cho các công ty lớn nhưng trong toàn chuỗi các đối tượng khác cũng dễ bị ảnh hưởng, nhất là các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME).

Tại Malaysia, theo TS Pratama Persadha, có hai gói hỗ trợ cho các SME và đảm bảo các nguồn lực này dành cho SME đạt được khả năng phục hồi ở mức độ cơ bản, hay có thể nói xây dựng rào cản ở bước đầu tiên. "Chúng tôi đã nhận ra được tầm quan trọng của SME khi dựa vào khả năng bảo mật CNTT. Chính phủ cần bảo vệ ở mức an ninh trên toàn chuỗi để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư hơn".

Ông cũng lưu ý rằng cần phải nâng cao nhận thức và giáo dục cho tất cả các thành phần tham gia vào chuỗi cung ứng ICT, bao gồm cả các SME không có ngân sách để đầu tư vào việc cải thiện khả năng phòng thủ an ninh mạng của họ.

Tích cực ủng hộ cho sự hợp tác xuyên biên giới và xây dựng năng lực an ninh mạng, Kaspersky đã và đang làm việc nhất quán với các đối tác của mình để nâng cao nhận thức và đề xuất các bước hành động cho cộng đồng toàn cầu, được thực hiện trong các diễn đàn như Paris Call for Trust gần đây.

Kaspersky cũng xây dựng tiêu chuẩn cơ bản về an ninh mạng thông qua Sáng kiến minh bạch toàn cầu, bao gồm một số biện pháp cụ thể mà công ty thực hiện để chào đón các bên xác thực và xác minh mức độ đáng tin cậy của các sản phẩm, quy trình nội bộ và hoạt động kinh doanh của công ty và bảo mật trong không gian mạng.

Khi nói về các giải pháp, Kaspersky cho rằng chiến lược ngắn hạn và dài hạn đều cần các bên tham gia, bao gồm chính phủ và tổ chức không thuộc chính phủ.

Giải pháp ngắn hạn bao gồm cải thiện các thủ tục và quy định về cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng ICT. Kaspersky dẫn chứng về các công ty công nhận các đối tác chuỗi cung ứng để giảm số lượng các cuộc tấn công về mức gần bằng không. Các quy định của chính phủ cũng đóng một vai trò quan trọng tương tự như cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Ông Eugene Kaspersky nói thêm: "Giải pháp lâu dài là làm cho các hệ thống trở nên "miễn dịch". Điều này có nghĩa là hệ thống được thiết kế theo cách mà ngay cả khi một thành phần chuỗi cung ứng ICT có thể bị tổn thương thì phần còn lại của hệ thống cũng không bị ảnh hưởng. Ngay cả khi có zero-day hoặc bất kỳ lỗ hổng nào khác ở đâu đó trong chuỗi cung ứng thì cũng sẽ không "lây lan" ra các thành phần khác trong chuỗi".

Thời điểm hiện tại có nhiều thứ phải thông minh hơn, nên phải có giải pháp để đảm bảo hoạt động hiệu quả của DN thông minh, hiệu quả và an toàn hơn và có một số dự báo cho thấy các cuộc tấn công mạng đang trở nên nguy hiểm hơn và có xu hướng diễn ra ở mức độ rộng hơn. An ninh mạng là chủ đề quan trọng nhất hiện nay và trong tương lai và cần phải bảo vệ người tiêu dùng, DN, tài sản khác, kinh doanh hoạt động. Và có nhiều biện pháp hơn để bảo vệ sự an toàn của chuỗi ICT.

Ông Eugene Kaspersky khuyến nghị: "Một trong những cách quan trọng nhất để đối phó với các nguy cơ là sự hợp tác giữa các bên khác nhau".

"Bảo vệ sự an toàn của chuỗi cung ứng ICT và an ninh mạng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang ngày càng trở nên quan trọng hơn và sẽ là chủ đề nóng hổi và cần tăng cường. Sự phục hồi của nền kinh tế có sự liên quan mật thiết tới khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, đặc biệt là chuỗi cung ứng ICT", ông Eugene Kaspersky nhấn mạnh./.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top