Bắt nạt trên mạng - mối lo ngại hàng đầu về an toàn trực tuyến của trẻ em

Thứ hai, 01/08/2022 18:28

Trong một thế giới mà Internet tràn ngập hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống, việc giữ cho trẻ em và thanh thiếu niên được an toàn trên mạng ngày càng trở nên cấp thiết đối với các bậc phụ huynh, giáo viên và người chăm sóc trẻ.

20220827-t19.jpg

3 mối đe dọa trực tuyến hàng đầu đối với trẻ em

Ngày An toàn Internet (Safer Internet Day - SID) năm 2022 với chủ đề "Vì một môi trường Internet tốt hơn" được tổ chức vào ngày 8/2, kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng tham gia để biến Internet trở thành một nơi an toàn hơn và tốt hơn cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên.

Trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay dành nhiều thời gian hơn trên mạng. Việc được kết nối giúp giảm bớt tác động của COVID-19 lên trẻ và khuyến khích trẻ tiếp tục nhịp sống quen thuộc. Trong năm 2020, năm đầu tiên của cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, trẻ em tham gia kết nối Internet cao hơn 24% so với phần còn lại của dân số. Theo số liệu của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), ước tính có khoảng 71% những người trong độ tuổi từ 15 - 24 sử dụng Internet, trong khi con số này ở các nhóm tuổi khác chỉ khoảng 57%.

Bên cạnh những lợi ích mang lại, Internet cũng mang đến các mối đe dọa mới có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của trẻ em và thanh niên. Theo trang mạng saferInternetday.org, hiện giới trẻ đang đối mặt với các thách thức lớn và cần được giải quyết triệt để trên toàn thế giới như nghiện chơi game; hiểu biết về phương tiện truyền thông; cách xử lý thông tin sai lệch; nội dung lạm dụng trẻ em…

Nâng cao nhận thức về một Internet an toàn hơn là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng hàng đầu. Các số liệu thống kê cho thấy mỗi năm, những lo ngại về an ninh mạng ngày càng gia tăng và điều đó có thể khiến trẻ em, thanh thiếu niên gặp nhiều rủi ro hơn. Mặc dù các nước, các tổ chức và các tập đoàn công nghệ đã đưa ra nhiều biện pháp tăng cường an toàn Internet, bao gồm cả chống vấn nạn tin giả, tăng cường tính bảo mật, bên cạnh việc xử lý nghiêm những hành vi sai phạm,… nhưng những hành vi tội phạm mạng vẫn tiếp diễn với quy mô và mức độ tinh vi tăng cao, cho thấy cuộc chiến để bảo đảm an toàn trên không gian mạng vẫn còn cam go.

Trong thời gian diễn ra Ngày An toàn Internet 8/2 năm nay, những người theo dõi ITU trên Twitter và LinkedIn đã được hỏi điều gì khiến họ lo lắng nhất về việc trẻ em hoạt động trực tuyến. Kết quả cho thấy 3 nỗi sợ hãi trực tuyến phổ biến là bắt nạt trên mạng (cyberbullying), mất khả năng bảo vệ dữ liệu (data protection breach) và chăn dắt trẻ em (threat of grooming), theo đó những kẻ lạm dụng cố tình lợi dụng trẻ em trực tuyến.

Trong đó, bắt nạt trên mạng đang trở thành mối quan tâm hàng đầu, với khoảng 40% số lượt bình chọn trên cả hai kênh truyền thông xã hội. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), bắt nạt trên mạng là hình thức bắt nạt bằng việc sử dụng công nghệ số trên mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, game... khiến đối tượng mục tiêu sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ.

Dữ liệu từ Viện Thống kê của UNESCO cho thấy 1/3 số thanh niên trên thế giới từng bị bắt nạt dưới một số hình thức. Khi trẻ em ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với môi trường số, bắt nạt trên mạng ngày càng được quan tâm.

Vấn đề này đã truyền cảm hứng cho Gitanjali Rao, chủ nhân đầu tiên của danh hiệu "nhân vật nhí của năm" do Tạp chí Time bình chọn, lên ý tưởng về Kindly, một giải pháp số sử dụng giao diện lập trình ứng dụng (API) mã nguồn mở và máy học để phát hiện hành vi bắt nạt trên mạng trong tin nhắn. Ứng dụng có thể lần ra những ngôn từ gây tổn thương hoặc có hại trước khi người soạn thảo gửi đi thông điệp ác ý.

Đối với UNICEF, giải pháp này mang lại tiềm năng to lớn để khuyến khích hành vi trực tuyến tích cực hơn. Cơ quan của Liên Hợp Quốc đặt mục tiêu phát triển Kindly hơn nữa như một hàng hóa công cộng kỹ thuật số (Digital Public Good).

Mặc dù bắt nạt trên mạng là nỗi lo hàng đầu, nhưng đây không phải là vấn đề duy nhất đối với những người được hỏi. Một số lo ngại khác về bảo vệ trẻ em trực tuyến không được nêu ra trong cuộc thăm dò bao gồm dành quá nhiều thời gian trên các thiết bị số hoặc trên chính Internet, hay trẻ em có biết về cơ chế báo cáo các mối đe dọa trực tuyến hay không.

Một người bình luận cho biết: "Trẻ em và cha mẹ có thể không nhận thức được rằng trẻ em có thể phải đối mặt với các mối đe dọa, hay cần biết cách phòng tránh các mối đe dọa. Họ nên biết họ có thể báo cáo các hoạt động đáng ngờ và cách thức báo cáo. Cần liên tục xây dựng năng lực để hành động thông minh trong cách phản ứng cũng như những gì họ đăng tải".

Một người khác thì bày tỏ lo ngại: "Cha mẹ không biết hoặc không kiểm soát được nội dung mà con trẻ đang đọc, điều này có thể là một thách thức và phá hỏng các lựa chọn của cha mẹ trong việc phát triển và nuôi dạy con dựa trên các chuẩn mực và niềm tin văn hóa".

Trong khi một số các bình luận khác quan tâm tới việc trẻ em có được trang bị để bảo vệ quyền riêng tư của mình không hay việc trẻ có thể truy cập vào các nội dung có thể giúp chúng tự chế tạo vũ khí.

Vì một Internet tốt hơn và an toàn hơn

Một mạng Internet tốt hơn đồng nghĩa với một "không gian ảo" hoạt động an toàn, lành mạnh và tin cậy hơn. Những mối đe dọa thực tế trên thế giới ảo hiện nay đòi hỏi những biện pháp đồng bộ và kiên quyết hơn nữa từ các chính phủ và các công ty công nghệ trong việc ngăn chặn và kiểm soát, đến người dùng trong việc sàng lọc và chia sẻ thông tin để Internet là một môi trường an toàn cho tất cả mọi người nói chung, thế hệ trẻ nói riêng.

Sáng kiến Bảo vệ trẻ em trực tuyến (COP) là một sáng kiến toàn cầu do ITU khởi xướng. Mục tiêu chính của COP là phân tích nhận diện các nguy cơ mà trẻ vị thành niên phải đối mặt khi tham gia vào không gian mạng toàn cầu; tăng cường nhận thức của cộng đồng về những nguy cơ này; phát triển các công cụ giúp giảm thiểu nguy cơ; và chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

COP bao gồm các trò chơi dành cho trẻ nhỏ, ứng dụng dành cho thanh thiếu niên và đào tạo cần thiết cho trẻ em, thanh niên, cha mẹ, người chăm sóc và các nhà giáo dục. Các tài nguyên này nhằm mục đích giúp nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực và kỹ năng cho trẻ em và những người thân của trẻ để ngăn ngừa, báo cáo và ứng phó với các nguy cơ gây hại trực tuyến.

Trẻ em là tương lai của chúng ta. Song trẻ em lại là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia vào môi trường không gian mạng trực tuyến. Chính vì thế việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là một điều cần thiết. Hãy biến Internet trở thành một nơi an toàn hơn cho trẻ em trong cuộc sống của bạn bằng việc thực hiện 5 hành động sau ngay từ hôm nay:

- Đọc Hướng dẫn bảo vệ trẻ em trực tuyến của ITU và chia sẻ chúng với các phụ huynh, giáo viên và những người chăm sóc khác.

- Xem loạt video hoạt hình an toàn trực tuyến với Sango cùng với con của bạn.

- Lấy cảm hứng từ những câu chuyện của Hanna, Katalin và Éva, mỗi người đều cần nỗ lực để giữ an toàn cho trẻ em

- Có một cuộc trò chuyện cởi mở và chân thật với những trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên về những sở thích và thách thức mà các em phải đối mặt trên mạng.

- Kiểm tra bản đồ Ngày An toàn Internet để tìm hiểu những gì đang diễn ra gần bạn./.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top