Tại sao Trung Quốc phát triển hệ thống định vị riêng

Thứ tư, 23/09/2020 15:25

Trung Quốc mất gần 20 năm để triển khai hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu nhằm phô diễn năng lực và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

20200307-attt-ta4.jpg

Tên lửa đẩy đưa vệ tinh Bắc Đẩu cuối cùng lên quỹ đạo hôm 23/6. Ảnh: Xinhua.

Ngày 23/6, Trung Quốc phóng vệ tinh cuối cùng trong hệ thống Bắc Đẩu, hoàn tất mạng lưới được coi là đối thủ của GPS và đưa nước này vào nhóm quốc gia sở hữu hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS). People's Daily mô tả hệ thống này là "tài sản của toàn thế giới và nhân loại".

Đến nay thế giới có bốn mạng lưới GNSS đáng chú ý: GPS của Mỹ, Glonass của Nga, Galileo của Liên minh châu Âu và Bắc Đẩu của Trung Quốc. Ấn Độ và Nhật Bản cũng có hệ thống định vị vệ tinh, nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều.
 
Mỹ và Liên Xô bắt đầu xây dựng mạng lưới GNSS vào giai đoạn cao điểm của Chiến tranh Lạnh. GPS được Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất lần đầu năm 1973, trong khi dự án Glonass bắt đầu năm 1979. Cả hai đạt khả năng vận hành đầy đủ năm 1995.
 
Trung Quốc bắt đầu phát triển Bắc Đẩu từ năm 1994, vệ tinh đầu tiên được đưa lên quỹ đạo sau 6 năm. Trong khi đó, vệ tinh Galileo đầu tiên được phóng vào năm 2011 và dự án này có thể sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm nay.
 
Nguyên lý hoạt động của chúng khá tương đồng: Dùng 4 vệ tinh cùng lúc để tính toán khoảng cách đến một thiết bị bất kỳ, từ đó xác định vị trí chính xác của nó trên bản đồ. "Mỗi hệ thống đều gồm ít nhất 20 vệ tinh. GPS, Glonass và Bắc Đẩu được điều hành hoặc có phần quản lý của quân đội. Chỉ có Galileo là hệ thống dân sự thuần túy", chuyên gia quân sự Song Zhongping tại Thượng Hải nhận xét.
 
Phần lớn mọi người đều biết đến GPS, hệ thống được dùng trong mọi ứng dụng từ định vị trên smartphone đến theo dõi hành trình của máy bay và tàu biển. Bắc Đẩu là phương án của Trung Quốc nhằm thay thế sản phẩm do Mỹ phát triển, nhưng nó sẽ cần thêm nhiều thời gian để giành chỗ đứng trên thị trường.
 
"Trung Quốc đang hi vọng Bắc Đẩu sẽ trở thành đối thủ tầm cỡ thế giới của GPS, nhưng hệ thống của Mỹ vẫn chiếm thị phần tuyệt đối", Song nói.
 
Andrew Dempster, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Không gian Australia (ACSER) thuộc Đại học New South Wales, cho rằng: "Bắc Đẩu thực sự không có gì đặc biệt. Đơn giản nó là vấn đề danh tiếng và vị thế, Trung Quốc có thể cho thấy rằng họ đang sở hữu hệ thống định vị vệ tinh riêng. Cũng giống việc lên Mặt Trăng và cắm cờ nhằm thể hiện năng lực".
 
Một số chuyên gia cho rằng hiệu quả và tầm phủ sóng của những hệ thống GNSS hiện nay khiến các nước không có lý do để sở hữu mạng lưới riêng. Tuy nhiên, Suelynn Choy, Phó giáo sư ở Trường Khoa học thuộc Đại học RMIT ở Australia, nhận định những phương án thay thế như Bắc Đẩu sẽ có tác dụng khi một mạng GNSS bất ngờ ngừng hoạt động, như Galileo hồi tháng 7/2019.
 
"Từ góc độ dân sự, điều này rất tốt vì chúng ta sẽ không phải dựa quá nhiều vào một hệ thống đơn lẻ, vốn có nguy cơ gây hại cho nền kinh tế thế giới", Choy nêu quan điểm.
Giới chuyên gia cũng cho rằng Trung Quốc quyết theo đuổi hệ thống GNSS riêng biệt nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, đặc biệt là với lực lượng vũ trang. "Nếu đối phương định vị bằng mạng lưới GNSS của bạn, họ sẽ đối mặt với nguy cơ lạc hướng và đình trệ mọi hoạt động nếu bạn tắt, hoặc thậm chí chỉ cần làm sai lệch tín hiệu GNSS", Dempster nói.
 
Dù vẫn có nhiều tranh luận về nguy cơ khi dùng cơ sở hạ tầng Internet của Trung Quốc, như mạng 5G của Huawei, những lo ngại tương tự không có tác dụng với GNSS. "Vệ tinh phát tín hiệu, bạn có bộ thu. Trừ khi có kênh liên lạc khác, bạn không phát tín hiệu ngược trở lại GPS hay Bắc Đẩu được", Dempster cho hay.
 
Cựu sĩ quan tình báo Mỹ Kevin McCauley cho biết, quân đội Trung Quốc đã phải dựa vào GPS để định vị suốt nhiều năm. Giả sử có xung đột, Mỹ có thể vô hiệu hóa tín hiệu GPS cho Trung Quốc, trong khi quân đội Mỹ vẫn có hệ thống định vị quân sự với độ chính xác cao", Dempster cho hay.
 
Trung Quốc không chỉ muốn tạo ra đối thủ cạnh tranh với GPS, mà còn có thể tận dụng Bắc Đẩu để mở rộng tầm ảnh hưởng. Pakistan, đồng minh thân cận của nước này, đã được tiếp cận mạng lưới Bắc Đẩu và đang dần tách rời khỏi GPS. Trung Quốc cũng có thể chia sẻ Bắc Đẩu với những nước tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường.
Điệp Anh (theo CNN)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top