Hàng trăm lán trại dã chiến được dựng tại khu vực biên giới.
Xóm Lũng Lầu, xã Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) có 2 tổ chốt chặn nơi biên giới thuộc các mốc 800, 801. Trong lán trại rộng khoảng 10 m2 mới được dựng lại sau những trận mưa to tốc cả mái, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Côn cùng lực lượng dân quân, công an xã đang túc trực 24/24 giờ để ngăn chặn những người vượt biên trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam. Đồng chí Hoàng Văn Kiệt, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Ngọc Khê cho biết: Tại tổ chốt chặn có 3 anh em dân quân phối hợp với lực lượng Đồn Biên phòng Ngọc Côn tham gia chốt chặn chống dịch. Mấy hôm mưa lớn, lán bị tốc mái, quần áo, đồ dùng ướt hết. Hôm sau, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã hỗ trợ bạt kịp thời để lợp lại mái. Trước đây, nấu ăn bằng bếp củi ngoài trời, những hôm mưa gió không nấu được phải vào lán đun nước nấu mì tôm. Thấy khó khăn, xã hỗ trợ cho chiếc bếp ga để tiện sinh hoạt; điện được người dân địa phương gần lán cho kéo nhờ. Mỗi ngày vài lần đi xin nước tại nhà dân. Cứ 2 - 3 ngày, mấy anh em thay nhau về nhà tranh thủ tắm giặt, lấy quần áo, đồ dùng mới. Khó khăn nhưng chúng tôi kiên trì, nỗ lực thay nhau trực 24/24 giờ để đảm bảo không có người nhập cảnh trái phép qua địa bàn tổ phụ trách.
Vất vả nhất trong hai tháng chống dịch Covid-19 vừa qua là lực lượng biên phòng. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng tại các địa phương là lực lượng chính chốt trực nơi biên giới đều “ăn lán, ngủ rừng”. Nhiều đồng chí từ trước Tết Nguyên đán đến nay chưa một lần về nhà; có đồng chí quê ở các tỉnh, thành xa dù có việc quan trọng cũng không thể rời vị trí trực tại biên giới. Thiếu tá Tô Văn Hạnh, cán bộ Đội Phòng chống ma túy, tội phạm thuộc Đồn Biên phòng Cô Ba, một cán bộ có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn đang ngày đêm tham gia trực chốt tại các tổ, trạm kiểm soát nơi biên giới chia sẻ: Tôi quê ở tỉnh Thái Bình, bố bị tai nạn chùn 4 đốt xương sống, mọi sinh hoạt hằng ngày rất khó khăn, mẹ mắc nhiều bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, hai ông bà đều đã cao tuổi. Cuối năm 2019, mẹ tôi nhập viện do bị thoái hóa não, sau đó được chuyển lên điều trị dài ngày tại Bệnh viện Bạch Mai.
Trước Tết, anh Hạnh được lãnh đạo đồn tạo điều kiện cho về thăm gia đình vài hôm rồi trở lại đơn vị trực Tết. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh được cử tham gia trực tại các trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 đến nay không có thời gian về gia đình thăm mẹ ốm nặng. Vợ anh Hạnh làm công nhân phải nghỉ làm để chăm mẹ nên mất thu nhập, cuộc sống càng khó khăn hơn. Nhiều khi tham gia trực ở những chốt không có sóng điện thoại, muốn gọi điện về hỏi thăm gia đình cũng rất khó khăn với anh Hạnh. Nhiều thời điểm có 3 - 4 ngày, anh Hạnh phải đi tuần xuyên đêm, không có thời gian gọi điện về hỏi thăm gia đình. Dù vậy, bản thân anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia phối hợp cùng các đồng chí khác tại chốt túc trực 24/24 giờ ngăn chặn những trường hợp đi lao động làm thuê trở về trái phép. Từ tháng 2 đến nay, anh Hạnh trực tiếp tham gia 1 vụ bắt pháo lậu, 1 vụ vận chuyển gần 12.000 chiếc khẩu trang trái phép. Phối hợp với Công an huyện Bảo Lạc bắt 1 đối tượng mua bán 14 tép hêrôin.
Bữa cơm đạm bạc của cán bộ, chiến sĩ nơi vùng cao biên giới.
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, hơn 2 tháng căng mình phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, dân quân các lực lượng đã rời đơn vị, nhà riêng để cùng nhau “ăn lán, ngủ rừng”, phối hợp trực 24/24 giờ tại các tổ, chốt. Đồn Biên phòng Cô Ba hiện được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 19 km đường biên, 30 cột mốc trên địa bàn 2 xã Thượng Hà, Cô Ba. Khu vực đồn quản lý có nhiều đường mòn, thường xuyên có người dân địa phương sang Trung Quốc làm việc, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.
Theo chân cán bộ đồn, chúng tôi đến với tổ chốt chặn tại xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba. Tổ có nhiệm vụ ngăn chặn các đối tượng vượt biên trái phép trở về Việt Nam. Nhiều đối tượng được cán bộ, chiến sĩ của chốt phát hiện đã được thực hiện các biện pháp kiểm tra y tế và bàn giao thực hiện cách ly theo quy định. Anh Hoàng Văn Đeng, xóm Phiêng Mòn cho biết: Hằng ngày tôi thường xuyên đi làm nương qua địa bàn của tổ kiểm soát. Cán bộ của chốt tuyên truyền để tôi cùng bà con trong xóm về tình hình dịch bệnh Covid-19; cách phòng, chống dịch bệnh cơ bản. Nhắc nhở mọi người hạn chế ra ngoài, khi đi ra ngoài cần đeo khẩu trang để phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là tuyên truyền người dân không vượt biên trái phép để đi làm thuê vì rất dễ lây nhiễm bệnh trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp.
Thiếu tá Trần Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cô Ba cho biết: Từ đầu tháng Hai, khi dịch bệnh bước vào giai đoạn căng thẳng, tập thể cán bộ, chiến sĩ của Đồn xác định mục tiêu bảo vệ biên giới, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Đồn huy động 100% lực lượng tham gia chống dịch; lập 7 tổ và 1 trạm kiểm soát kiểm dịch; mỗi tổ, trạm có từ 2 - 3 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với lực lượng công an xã, dân quân tự vệ, y tế ngày đêm thay nhau trực chốt. Tại các thôn bản giáp biên, đơn vị còn khảo sát, nắm số người dân trên địa bàn sang Trung Quốc làm việc đã về trước Tết Nguyên đán và số người chưa về để phân loại, phối hợp y tế địa phương có biện pháp theo dõi, cách ly tại cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền cho từng thôn xóm, từng hộ dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn. Tuyên truyền cho người dân hạn chế đi lại, không sang Trung Quốc thăm thân hay làm việc trái phép…
Cán bộ chốt kiểm soát dịch bệnh xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba (Bảo Lạc, Cao Bằng) tặng khẩu trang cho người dân.
Từ tháng 2/2020 đến nay, đơn vị phát hiện, ngăn chặn 25 trường hợp công dân từ Trung Quốc trở về, phối hợp với lực lượng y tế làm các thủ tục và đưa đi cách ly theo quy định. Phát hiện, ngăn chặn 11 công dân có ý định vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm việc, có ý định trở về Việt Nam thăm thân. Đơn vị còn tặng hàng trăm chiếc khẩu trang cho người dân thường xuyên đi lại, làm nương qua khu vực các tổ chốt. Khó khăn nhất đối với đơn vị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiều địa điểm chốt chặn không có sóng điện thoại, nếu có những trường hợp khẩn cấp phải đi xe máy vài km đến nơi có sóng để báo cáo sớm nhất tình hình. Có những chốt cách trung tâm xã hơn 20 km, đường xấu đi xe máy mất gần 2 giờ đồng hồ. Nếu trời mưa, nhiều chốt phải đi bộ mới vào được tổ chốt. Dù khó khăn, gian khổ như vậy nhưng lực lượng cán bộ, chiến sĩ của đồn luôn nêu cao tinh thần người lính, ứng trực 24/24 giờ tại các chốt, sẵn sàng “ăn lán, ngủ rừng” để đóng góp chung vào nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid 19.
Trước những khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng trên địa bàn tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành mọi nhiệm được giao; ngày đêm căng mình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19, đem lại bình yên cho tất cả mọi người; góp phần ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng, để người dân sớm trở lại với cuộc sống bình thường, trẻ em hân hoan cắp sách đến trường, bà con yên tâm lao động sản xuất./.