
Đưa công nghệ thông tin thiết thực phục vụ đời sống Thứ bảy, 01/11/2014 - 02:55 PM (GMT+7) NDĐT - Hàng loạt vấn đề được đề cập, trao đổi và thảo luận. Từ các khía cạnh mang tính lý thuyết như: hệ thống thông minh, thực tại ảo, điện toán đám mây đến những ứng dụng cụ thể vào thực tế đời sống sản xuất nông – lâm nghiệp, quản lý trật tự an toàn giao thông, kịch bản nước biển dâng do biến đổi khí hậu, phương pháp dạy học mới... được phản ánh qua Hội thảo khoa học quy mô toàn quốc về “Một số vấn đề chọn lọc của Công nghê thông tin và Truyền thông” lần thứ 17 vừa qua tại Buôn Ma Thuột (Đác Lắc). Hiếm có một hoạt động khoa học nào được duy trì và phát triển như Hội thảo quốc gia về “Một số vấn đề chọn lọc của Công nghê thông tin và Truyền thông” do Viện Công nghệ thông tin (CNTT) thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam chủ trì. Bởi năm nay đã là năm thứ 17, Hội thảo quốc gia với chủ đề “Công nghệ mạng và mạng không dây” được tổ chức vào cuối tháng 10, tại TP TP Buôn Ma Thuột, trung tâm của các tỉnh Tây Nguyên. CNTT đã và đang len lỏi vào mọi lĩnh vực, ngóc ngách của đời sống xã hội; từ việc chế tạo một con tàu vũ trụ, điều khiển quỹ đạo vệ tinh bay trong không gian, đến các trò chơi được cài đặt trong điện thoại di động... Mỗi năm một chủ đề, và được tổ chức tại các địa điểm khác nhau trong cả nước. Năm nay với chủ đề chính “Công nghệ mạng và mạng không dây” đã thu hút hơn 200 nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy tại các Viện, trường Đại học trong nước và nước ngoài. Khoảng 150 báo cáo tham luận đã được trình bày ở 10 tiểu bang, đề cập tới những vấn đề như: mã nguồn mở, an toàn và bảo mật thông tin, các hệ thống tích hợp, công nghệ phần mềm, các công nghệ tính toán hiện đại, thực tại ảo, công nghệ Wimax phục vụ giám sát môi trường sản xuất ở Tây Nguyên... Nhóm tác giả Đào Vĩnh Khiêm, Hoàng Tiến Trung, Nguyễn Như Sơn trong đề tài “Mô hình xây dựng mạng xã hội Video ở Việt Nam” đã cho rằng, trong các mạng xã hội thì mạng xã hội cung cấp, chia sẻ nội dung thuần túy Video được xem là phức tạp nhất do đặc thù của nội dung Video. Đây là kiểu dữ liệu dùng để truyền tải nội dung đến người dùng bằng các hình ảnh và âm thanh. Việc xử lý, truyền tải Video rất phức tạp vì trước hết cần phải bảo đảm chất lượng hình ảnh và âm thanh, mặt khác phải bảo đảm tốc độ truyền dữ liệu cả trong mạng internet và cả mạng viễn thông. Từ file video gốc, tùy thuộc vào thiết bị đầu cuối là máy tính (desktop), máy tính bảng (tablet), điện thoại thông minh, điện thoại thông thường mà kích thước hiển thị, định dạng của video cũng khác nhau. Với mỗi màn hình máy tính, màn hình điện thoại khác nhau, cũng như các đường truyền tốc độ không giống nhau, thì hệ thống cần cung cấp file video hiển thị tương ứng với các tham số phù hợp. Với đặc điểm của Việt Nam, nhóm tác giả đã đề xuất xây dựng mạng xã hội video cung cấp nội dung đáp ứng trên máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh và điện thoại thông thường. Theo đó hệ thống sẽ được thiết kế thành nhiều cụm triển khai tại nhiều vị trí nhằm tăng tốc độ truy cập cho người dùng. Nghĩa là xây dựng mô hình mạng xã hội video ở Việt Nam phù hợp với cơ sở hạ tầng CNTT và viễn thông nước ta. Bảo đảm tính an toàn trong quá trình trao đổi thông tin là mục tiêu luôn được các cá nhân và tổ chức xã hội quan tâm. Người tham gia trao đổi thông tin mong muốn những thông điệp gửi đi được giữ bí mật và không bị sai lệch bởi các đối tượng bên ngoài. Phía nhận thông tin, bao giờ cũng muốn nhận được các thông điệp trung thực, chính xác và không nguy hiểm. Các giao thức bảo mật thông tin được thiết kế với mục tiêu trên. Tuy nhiên, bản thân các giao thức bảo mật vẫn có thể chứa các “kẽ hở” tiềm ẩn. Kiểm chứng mô hình là một phương pháp nhằm xem xét, bảo đảm hệ thống có đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Nhóm nghiên cứu của tác giả Đinh Quang Đạt, với “Kiểm chứng mô hình cho các giao thức bảo mật” đã đề xuất biện pháp bảo đảm tính đúng đắn, chặt chẽ của các giao thức bảo mật thông tin... Tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là nguy cơ nước biển dâng gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và dân sinh vùng đồng bằng sông Cửu Long, lâu nay đang là nỗi lo lắng của các ngành, các cấp. Các tác giả Hoàng Ngọc Hiển, Phan Văn Sa, Huỳnh Xuân Hiệp đưa ra mô hình mô phỏng hiện trạng ngập địa hình do nước biển dâng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong vài chục năm tới. Trên cơ sở khảo sát thí điểm tại Bạc Liêu, chạy trên nền công cụ mô phỏng GAMA, kết quả mô phỏng cho ra các bản đồ ngập và bản đồ nguy cơ ngập, thống kê diện tích ngập thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long trong quá khứ. Mô phỏng quá trình ngập địa hình do nước biển dâng qua các giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2012, nhóm tác giả nghiên cứu đưa ra kịch bản mô phỏng nguy cơ ngập địa hình vùng đồng bằng sông Cửu Long trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2050; góp phần cảnh báo thảm họa thiên tai để chúng ta có chiến lược và kế hoạch phòng tránh... Gần 30 năm của công cuộc đổi mới, Tây Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến nay hạ tầng kỹ thuật CNTT địa bàn này vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trong các nhiệm vụ, đề tài thuộc chương trình Tây Nguyên 3 (giai đoạn 2011-2015), Viện CNTT triển khai, thực hiện đề tài “Ứng dụng mạng Wimax phát triển dịch vụ đa phương tiện và giám sát môi trường phục vụ sản xuất tại khu vực Tây Nguyên” (do PGS, TS Thái Quang Vinh làm chủ nhiệm). Đây là công trình ứng dụng mạng băng thông rộng tốc độ cao dựa trên công nghệ Wimax nhằm xây dựng các dịch vụ đa phương tiện và theo dõi, giám sát môi trường sản xuất đối với các loại cây công nghiệp cao-su, cà-phê. Hệ thống mạng Wimax được triển khai trong phạm vi khoảng 30 km tại TP Buôn Ma Thuột đã thử nghiệm mức độ phủ sóng hơn một năm nay. Bước đầu cho thấy khả năng đâm xuyên của tín hiệu không dây Wimax/Wifi ở các khu vực đông dân cư tại trung tâm thành phố cũng như vùng ngoại ô, nơi tiến hành giám sát các thông số môi trường đất, nước và không khí phục vụ sản xuất của nhân dân. Đồng thời, công nghệ Wimax này còn được sử dụng giám sát an toàn giao thông qua các camera được lắp đặt theo ý muốn; hay tìm kiếm địa điểm du lịch, khu vui chơi theo yêu cầu của du khách... Các tin bài khác: |