Mobifone chính thức được tách khỏi VNPT
Quyết định phê duyệt đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014-2015 vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký và có hiệu lực từ ngày 10/6/2014.
![]() | |
Ảnh minh họa |
Theo đó, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dựa trên mục tiêu cụ thể: Tiếp tục phát triển Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; giữ vai trò chủ lực trong ngành viễn thông Việt Nam; để hình thành thị trường viễn thông bền vững, cạnh tranh lành mạnh; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo nội dung của Đề án, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam có tên giao dịch: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tên giao dịch quốc tế: Vietnam Posts and Telecommunications Group; Tên viết tắt: VNPT.
Đề án nêu cụ thể ngành, nghề kinh doanh chính của Tập đoàn là: Kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện; tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin; nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin; thương mại, phân phối các sản phẩm thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin.
Ngành, nghề kinh doanh có liên quan trực tiếp đến ngành, nghề kinh doanh chính bao gồm: Đầu tư tài chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện; quảng cáo, nghiên cứa thị trường, tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính; kinh doanh dịch vụ cho thuê văn phòng đối với trụ sở đã có của VNPT.
Theo Đề án, vốn điều lệ của VNPT do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông và thẩm định của Bộ Tài chính.
Đề án nêu cụ thể về tổ chức, sắp xếp VNPT và các đơn vị thành viên. Theo đó, VNPT có trách nhiệm điều chuyển nguyên trạng: Công ty TNHH một thành viên Thông tin động VMS (Mobifone); Bưu điện Trung ương; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý;
Bên cạnh đó, theo quyết định vừa được công bố, VNPT sẽ phải tổ chức lại các đơn vị đang kinh doanh dịch vụ viễn thông còn lại thành Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone). Nhà mạng này cũng trở thành doanh nghiệp hạch toán độc lập thay vì phụ thuộc như trước đây.
Ngoài ra tập đoàn còn thành lập các đơn vị con khác như VNPT-Media (kinh doanh dịch vụ truyền thông đa phương tiện), VNPT-Net (chuyên hạ tầng mạng), VNPT-Technology (phụ trách nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm bưu chính, công nghệ và viễn thông)...
Thủ tướng cũng yêu cầu VNPT, với tư cách là DN 100% vốn Nhà nước, thoái hết vốn khỏi 63 công ty mà đơn vị này đang nắm cổ phần và chỉ được giữ dưới 50% vốn điều lệ của 18 DN khác.
P.Linh