Diễn đàn Chủ nhật
Trách nhiệm của nhà xuất bản
Thứ bảy, 11/01/2014 - 08:54 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định

Công tác xuất bản đã có nhiều đóng góp trong thời gian qua, đáp ứng phần nào nhu cầu về đời sống tinh thần của đông đảo nhân dân và công chúng yêu văn học, nghệ thuật, góp phần nâng cao dân trí, phục vụ công tác nghiên cứu, học tập và các nhiệm vụ chính trị tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước.

Những thành tích nêu trên trong năm 2013 là đáng ghi nhận, nhưng công tác xuất bản cũng còn tồn tại các mặt tiêu cực, chưa được giải quyết triệt để, nhiều lần bị các cơ quan quản lý nhắc nhở, xử lý. Năm qua vẫn tiếp diễn tình trạng một số nhà xuất bản (NXB) thực hiện quy trình biên tập thiếu khoa học, dẫn đến sai phạm nội dung, nhất là những sai phạm đối với loại sách liên quan đến lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, trong đó có nhiều sai sót về sự kiện lịch sử, thể hiện không rõ ràng và đầy đủ chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia. Những sai sót này còn có cả trong sách dạy học dành cho trẻ em. Xu hướng gia tăng các sai phạm là đáng báo động bởi chỉ riêng trong sáu tháng đầu năm 2013, Cục Xuất bản đã phải kiểm tra và phát hiện xử lý 56 xuất bản phẩm của 23 NXB vi phạm về nội dung. Thị trường xuất bản cũng chưa có nhiều sản phẩm hay. Mảng sách văn hóa - văn nghệ quá nghèo nàn, trong khi sách dịch không có định hướng rõ ràng, các đối tác vẫn tự chọn lựa là chính. Nhiều biên tập viên thiếu kiến thức chuyên ngành và cẩu thả, dẫn đến tình trạng biên tập hoặc dịch sai, chỉ đến khi bị phát hiện và xử lý kỷ luật mới biết đến.

Mặc dù công tác xuất bản đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, sức mua của thị trường giảm sút, đó là điều ai cũng biết, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là không phải vì thế mà phải chấp nhận tình trạng vi phạm do làm ẩu, kém chất lượng, làm mất uy tín và danh tiếng của ngành xuất bản. Thực tế đã có nhiều sai phạm trong việc xuất bản buộc phải xử lý, thu hồi và đình bản thời gian qua. Ðiều này cho thấy sự yếu kém về ý thức chính trị cũng như sự tắc trách, vô trách nhiệm của một bộ phận cán bộ làm công tác xuất bản, NXB và các cơ quan quản lý trong lĩnh vực này.

Các ấn phẩm văn hóa tuy cũng là một loại hàng hóa, nhưng có những đặc thù riêng, không giống với các loại hàng hóa tiêu dùng khác, cho nên cần có cách ứng xử mang tính đặc thù, đòi hỏi cần áp dụng nghiêm ngặt hơn nữa khâu tiền kiểm, song lâu nay, dường như ngành xuất bản quên bẵng quy trình này. Ðã có không ít NXB chỉ bán giấy phép cho đơn vị liên kết mà không hề kiểm định bản thảo trước khi đưa in cho nên mới để xảy ra sự lộn xộn, vi phạm quy định xuất bản. Mặc dù, chúng ta mong muốn tạo dựng một thị trường xuất bản cởi mở với sự đa dạng của các ấn phẩm văn hóa, song không thể để tự do một cách vô trách nhiệm hoặc cố tình vi phạm, lách luật cho ra các ấn phẩm xấu vì lợi nhuận kinh tế, gây tác động tiêu cực đến xã hội, lối sống và sự hình thành nhân cách của thế hệ trẻ.

Ðể giảm đến mức thấp nhất những tiêu cực và bất cập trong công tác xuất bản, trước hết cần đề cao trách nhiệm của các đơn vị xuất bản, những người làm việc trong lĩnh vực xuất bản và các nhà quản lý. Hoạt động xuất bản cần bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, phù hợp thuần phong, mỹ tục và văn hóa dân tộc bên cạnh việc tiếp thu các yếu tố tốt đẹp của văn hóa nhân loại trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay. Mặt khác không ngừng hoàn thiện, đồng bộ hóa hệ thống pháp luật liên quan đến công tác xuất bản, phát hành và kinh doanh ấn phẩm cùng các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động này. Cơ quan chủ quản của các NXB cần quan tâm đúng mức trong quản lý, hỗ trợ đầu tư và điều chỉnh, thẩm định hoạt động của các NXB trong quá trình phát triển; xây dựng cơ chế phối hợp chỉ đạo hiệu quả giữa cơ quan chủ quản với các cơ quan chỉ đạo, quản lý ngành và với NXB.

Bên cạnh sự lên án của dư luận, đấu tranh vạch rõ những điểm đen, khuất tất của hoạt động xuất bản, giúp các cơ quan chức năng vào cuộc, cũng cần có những hình thức xử lý nghiêm minh theo luật định, tăng mức độ chế tài, xử phạt với các vi phạm xuất bản cả cá nhân và đơn vị, tuyệt đối không giải quyết theo kiểu kiểm điểm, phê bình và phạt hành chính là xong. Có như vậy thị trường xuất bản mới bớt được phần nào sự lộn xộn và từng bước đi vào nền nếp, quy củ.

TRẦN NGUYỄN
FacebookChia sẻ qua google plusChia sẻ qua TwitterlinkedInDiggemailprint


border=