V/v trả lời kiến nghị của UBND TP⋅ Hải Phòng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương

Thứ sáu, 18/09/2020 10:50

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được công văn số 5606/VPCP-QHĐP ngày 10/7/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của các địa phương trong đó có 01 kiến nghị của Thành phố Hải Phòng liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, nội dung kiến nghị như sau:
 
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông:
 
+ Hướng dẫn lộ trình xây dựng Hồ sơ đề xuất các cấp độ an toàn hệ thống thông tin và theo quy trình cụ thể về thẩm định hồ sơ đề xuất.
 
+ Tiếp tục hoàn thiện phương pháp tính giá trị phần mềm đảm bảo thuận lợi trong việc áp dụng tính giá và công tác thẩm định được dễ dàng.
 
+ Ban hành Thông tư quy định về định mức, đơn giá sản xuất phát thanh, truyền hình; định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động xuất bản.
 
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ, như Hệ thống định lượng đo lường khán giả (rating)... trong quản lý, đánh giá hiệu quả nội dung thông tin, ngăn chặn thông tin sai sự thật, thông tin xấu.
 
Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTTcó ý kiến trả lời như sau:
 
1. Về hướng dẫn lộ trình xây dựng Hồ sơ đề xuất các cấp độ an toàn hệ thống thông tin và theo quy trình cụ thể về thẩm định hồ sơ đề xuất:
 
1.1.Hướng dẫn lộ trình xây dựng Hồ sơ đề xuất cấp độ (HSĐXCĐ) an toàn hệ thống thông tin.
 
Ngày 25/5/2018, Bộ TTTT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại (Chỉ thị số 14/CT-TTg). Tại Chỉ thị số 14/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo “Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương phân loại, xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ phù hợp với quy định của pháp luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” và đặt ra lộ trình cụ thể đối với hệ thống thông tin cấp độ 4 và 5.
 
Để hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương phân loại, xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ phù hợp với quy định của pháp luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Bộ TTTT đã  chỉ đạo cơ quan chức năng của Bộ (Cục An toàn thông tin) ban hành: Hướng dẫn xác định và thực thi bảo vệ hệ thống thông tin theo cấp độ(văn bản số 713/CATTT-TĐQLGS ngày 25/7/2019) và hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin đối với Trung tâm Tích hợp dữ liệu phục vụ CPĐT (486/CATTT-ATHTT ngày 19/6/2020). Trong đó, tài liệu hướng dẫn việc xây dựng HSĐXCĐ trong trường hợp thuê dịch vụ Trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp.
 
Bộ TTTT đã xác định lộ trình đến tháng 6/2021 tất cả các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan hoàn thành phân loại và xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin. Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu địa phương có khó khăn, vướng mắc đề nghị liên hệ Bộ TTTT (Cục An toàn thông tin) để được hỗ trợ.
 
1.2. Về quy trình thẩm định hồ sơ đề xuất cấp độ.
 
Quy trình thẩm định hồ sơ đề xuất cấp độ gồm trình tự, thủ tục xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin đã được Chính phủ, Bộ TTTT quy định và hướng dẫn đầy đủ tại các văn bản, cụ thể:
 
- Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ (từ Điều 12 đến Điều 16).
 
- Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24/04/2017 của Bộ TTTT quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
 
Bộ TTTT đề nghị UBND thành phố Hải Phòng quan tâm, chỉ đạo đơn vị chuyên trách về ATTT tại địa phương nghiên cứu, áp dụng các nội dung tại các văn bản nêu trên. Trong quá trình triển khai, thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị liên hệ Bộ TTTT (Cục An toàn thông tin) để được hỗ trợ, giải đáp.
 
2. Về tiếp tục hoàn thiện phương pháp tính giá trị phần mềm đảm bảo thuận lợi trong việc áp dụng tính giá và công tác thẩm định được dễ dàng.
 
Đề hoàn thiện phương pháp tính giá trị phần mềm đảm bảo thuận lợi trong việc áp dụng tính giá và công tác thẩm định,Bộ TTTT đang xây dựng văn bản hướng dẫn xác định chi phí phần mềm nội bộ (thay thế Công văn số 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/8/2011 của Bộ TTTT về việc hướng dẫn xác định chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ). Tháng 5/2020, văn bản đã được gửi xin ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, hội, hiệp hội và các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
 
Đồng thời, liên quan tới phương pháp tính giá trị phần mềm nội bộ (đơn giá giờ công để làm cơ sở xác định giá trị phần mềm nội bộ), Bộ TTTT cũng đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư ứng dụng CNTT, dự kiến ban hành trong tháng 10/2020. Sau khi Thông tư hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư ứng dụng CNTT được ban hành, Bộ TTTT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn xác định chi phí phần mềm nội bộ (thay thế Công văn 2589/BTTTT-ƯDCNTT).
 
Trong thời gian chưa ban hành văn bản thay thế, các cơ quan, đơn vị tiếp tục áp dụng theo hướng dẫn tại văn bản 2589/BTTTT-ƯDCNTT để thực hiện.
 
Trong thời gian tới, Bộ TTTT cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu thêm các phương pháp tính giá trị phần mềm khác nhằm đảm bảo thuận lợi trong việc áp dụng tính giá và công tác thẩm định được dễ dàng.
 
3. Về việc ban hành Thông tư quy định về định mức, đơn giá sản xuất phát thanh, truyền hình; định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động xuất bản:
 
* Đối với định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất chương trình phát thanh, chương trình truyền hình.
 
Ngày 20/4/2018, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình;
Ngày 24/4/2020, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 09/2020/TT-BTTTT ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình phát thanh.
Đề nghị UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo các Sở, ban, ngành của Thành phố nghiên cứu để triển khai tại địa phương. Trong quá trình triển khai, thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị liên hệ Bộ TTTT (Vụ Kế hoạch – Tài chính) để được hỗ trợ, giải đáp.
 
* Đối với định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động xuất bản.
 
Bộ TTTT đã xây dựng và hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động xuất bản. Hiện nay, đang gửi xin ý kiến Bộ Tài chính về đánh giá tác động ngân sách. Sau khi Bộ Tài chính có ý kiến góp ý, Bộ TTTT sẽ hoàn thiện và ban hành định mức.
 
* Đối với giá sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình.
 
Theo quy định tại điểm g) Khoản 4 Điều 8 Nghị định hợp nhất Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá (sau đây gọi là Nghị định hợp nhất), thì đối với giá sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công và hàng hóa, dịch vụ được địa phương đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh sử dụng ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
 
Tại điểm d khoản 1 Điều 9 Nghị định hợp nhất quy định: Hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc trình, thẩm định phương án giá và quyết định giá. Trường hợp sở quản lý ngành, lĩnh vực, đơn vị sản xuất, kinh doanh trình phương án giá để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính.
 
Như vậy, việc quyết định đơn giá sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình sử dụng ngân sách địa phương, thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh và thực hiện theo trình tự, thủ tục trình phương án giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Vì vậy, đề nghị UBND Thành phố Hải Phòng giao Đài Phát thanh – Truyền hìnhthành phố chủ trì, phối hợp với Sở TTTT, Sở Tài chính thành phố xây dựng, thẩm định để UBND thành phố quyết định giá sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình sử dụng ngân sách thành phố để làm cơ sở triển khai, thực hiện.
 
4. Tăng cường ứng dụng công nghệ, như Hệ thống định lượng đo lường khán giả (rating)... trong quản lý, đánh giá hiệu quả nội dung thông tin, ngăn chặn thông tin sai sự thật, thông tin xấu.
 
Bộ TTTTđã chỉ đạo cơ quan chức năng của Bộ (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) xây dựng và vận hành Hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình (VNTAM). Mục tiêu của thông tin đo lường đã được quy định tại Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 23/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ là “Đo lường mức độ tiếp cận, sử dụng thông tin của khán giả phục vụ đánh giá hiệu quả nội dung thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh - quốc phòng, đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội”.
 
Hiện nay, Hệ thống đang được triển khai thực hiện các nhiệm vụ:
 
- Các hoạt động đo lường khán giả truyền hình tại năm (05) thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ thực hiện định kỳ hai (02) năm/lần.
 
- Các hoạt động đo lường khán giả truyền hình trên phạm vi cả nước, cấp vùng, cấp tỉnh ngoài năm (05) thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện định kỳ năm (05) năm/lần.
 
- Các hoạt động đo lường khán giả truyền hình đối với chương trình truyền hình được thực hiện đột xuất theo yêu cầu quản lý nhà nước về dịch vụ phát thanh, truyền hình khi có quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
 
Việc ứng dụng công nghệ thực hiện đo lường khán giả đã và đang đóng vai trò tích cực trong công tác quản lý, đánh giá hiệu quả nội dung thông tin tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình để phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh - quốc phòng, đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của Thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới UBND Thành phố Hải Phòng và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top