Nâng cao hiệu quả truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản

Thứ hai, 13/07/2020 08:47

Kể từ khi Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư “về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản” được ban hành, 16 năm qua hệ thống các nhà xuất bản được giữ vững, ổn định; năng lực, trình độ được tăng cường; chất lượng lao động tại các nhà xuất bản có bước phát triển nhất định cả lượng và chất; năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm được cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc… Nhằm đánh giá vai trò, hiệu quả của truyền thông trong hoạt động xuất bản, đồng thời phân tích thực trạng của hoạt động này, mới đây, Khoa Xuất bản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học Truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản .

20200713-l1.jpg

TS.Vũ Thùy Dương, Phó trưởng Khoa Xuất bản (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học; nhà quản lý; cơ sở đào tạo chuyên ngành về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm; lãnh đạo các nhà xuất bản; chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, truyền thông; các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm…Đề dẫn tại Hội thảo, TS. Vũ Thùy Dương - Phó trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: Xuất bản là một hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, đồng thời là ngành công nghiệp truyền thông kết nối trí tuệ của nhân loại. Ngành xuất bản đã phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, ổn định hệ thống tổ chức, có bước phát triển mới về năng lực hoạt động, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường, dần đáp ứng nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân, tiếp khẳng định vị thế là một lĩnh vực tư tưởng - văn hóa quan trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên các lĩnh vực hoạt động của ngành, phục vụ cho sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; góp phần phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các sản phẩm của ngành xuất bản đã, đang và tiếp tục có giá trị to lớn trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, giáo dục, giải trí, kinh tế... Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Ngành xuất bản không thể đứng ngoài cuộc trước sự bùng nổ truyền thông, nhất là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của cuộc cách mạng 4.0 để tạo ra các xuất bản phẩm đáp ứng thị hiếu của lớp công chúng mới.
 
Ngày nay, công tác truyền thông cho xuất bản phẩm trở thành một yếu tố quan trọng, giúp ngành xuất bản ngày càng hội nhập và đưa xuất bản phẩm đến với độc giả bằng nhiều con đường, phương tiện khác nhau. Nhiều đơn vị xuất bản đã và đang xây dựng cho mình các hoạt động truyền thông ngày càng hoàn thiện về chất lượng cũng như hiệu quả mang lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị xem nhẹ công tác này.
 
Hội thảo đã tập trung vào hai nội dung lớn gồm: Phần 1: Những vấn đề lý luận về truyền thông xuất bản như: Vai trò, yếu tố, mô hình truyền thông; Các bước trong chu trình truyền thông xuất bản; Các phương thức truyền thông xuất bản. Phần 2: Thực trạng truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản; Vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu đơn vị xuất bản; Giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản.
 
Tại Hội thảo, PGS. TS Đỗ Thị Quyên - Trưởng khoa Xuất bản, phát hành (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng: Thương hiệu tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhau, với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, đặc biệt hơn là mối quan hệ bền chặt giữa doanh nghiệp với các khách hàng. Thực tiễn phát triển của ngành kinh tế - công nghiệp xuất bản trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 có sự cạnh tranh khốc liệt giữa xuất bản phát hành truyền thống với xuất bản phát hành điện tử và các loại hình báo chí, mạng xã hội. Tạo dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ của cá nhân, tổ chức mà đó còn là mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược mang tầm quốc gia hiện nay, sự tồn tại thịnh vượng bền lâu của NXB, các đơn vị phát hành xuất bản phẩm.
 
Theo ông Ngô Tấn Đạt - Phó Giám đốc NXB TT&TT (Bộ TT&TT): “Thương hiệu” như là một yếu tố sống còn đối với các tổ chức, đặc biệt trong điều kiện "thế giới phẳng" như hiện nay. Thương hiệu là tài sản vô hình, vô giá của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… Đặc biệt, thương hiệu là yếu tố để các khách hàng, người tiêu dung lựa chọn hàng hóa và dịch vụ của một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, việc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng cho mình và sản phẩm hàng hóa của mình những thương hiệu là điều hết sức cần thiết và NXB TT&TT cũng không nằm ngoài quy luật cạnh tranh này…
 
TS Trần Thị Hồng Hoa, Giảng viên Khoa Xuất bản (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, một xuất bản phẩm có giá trị cần phải trải qua nhiều công đoạn để hoàn thiện, nhưng muốn đến với độc giả không dễ dàng. Chính vì vậy, việc chủ động lựa chọn các chiến lược truyền thông hiệu quả để cung cấp thông tin và thu hút sự quan tâm của người đọc về những ấn phẩm đó là hoạt động rất cần thiết. Mặt khác, để việc truyền thông và marketing một cuốn sách diễn ra suôn sẻ thì cán bộ chuyên trách cần lập được một kế hoạch chi tiết, cụ thể, làm rõ những đầu mục quan trọng, liên quan trực tiếp đến hiệu quả truyền thông; cần đọc kỹ cuốn sách, tìm hiểu những thông tin cơ bản liên quan đến tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung tư tưởng chủ đề... nhằm xác định đúng đối tượng bạn đọc mà cuốn sách hướng đến. Sau khi xác định được khách hàng của cuốn sách, việc tiếp theo của bạn là xác định thông điệp truyền tải cho từng đối tượng khách hàng. Với mỗi đối tượng khách hàng khác nhau, phải có thông điệp phù hợp thì mới thuyết phục được độc giả mua sách, bà Hoa chia sẻ.
 
Nhấn mạnh thực trạng đa dạng các nền tảng truyền thông mới với sự tham gia của Facebook, Youtube, Zalo và hệ thống mạng xã hội khác, ông Phan Ngọc Chính, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, trước khi sử dụng các phương tiện trên, mỗi NXB, công ty sách hay người làm sách đều cần phải xác định rõ mục tiêu là phải hướng đến khách hàng thì mới tìm cách truyền thông hợp lý để chinh phục nhóm khách hàng mua sách, tạo nên hiệu ứng tốt trong công chúng mới được thực hiện tiếp theo. Đồng thời, phải xác định được sự khác biệt của ấn phẩm sách mà NXB, công ty phát hành đưa ra thị trường lần này khác với lần trước như thế nào. Xây dựng kế hoạch truyền thông phù hợp với quy mô phát hành với định lượng thị trường và với chi phí có thể đảm bảo các cân đối hài hòa, đem lại hiệu quả kinh tế... Đối với việc xử lý khủng hoảng truyền thông xuất bản, ông Chính cho rằng, hãy cứ để dư luận đánh giá và độc giả tự kết luận. Cơ quan quản lý và NXB không cần phải lên tiếng hay vào cuộc.
 
Thông qua Hội thảo, là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo, nhà xuất bản, doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm trao đổi, chia sẻ, tham vấn về công tác truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực xuất bản trước yêu cầu mới.
 
 
Đăng Quý
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top