​'Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược lại luật pháp quốc tế'

Thứ sáu, 03/07/2020 09:20

Chuyên gia Grigory Loksin cho rằng hành động của Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS 1982, làm cho tình hình khu vực càng trở nên phức tạp và căng thẳng.

20200703-l9.jpg

Chuyên gia Grigory Loksin trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Trước việc Trung Quốc tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa,” phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn tờ The Economic Times của Ấn Độ ngày 21/4 cho rằng hành động của Trung Quốc đã phớt lờ yêu sách của các bên liên quan trong khu vực, vi phạm các quy tắc của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) cũng như các chuẩn mực và luật pháp quốc tế.

Tờ báo nhấn mạnh mọi quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Biển Đông.
 
Cùng ngày, trang Channel News Asia dẫn lời chuyên gia Bill Hayton thuộc tổ chức Chatham House (Anh), cho rằng Trung Quốc đã phê chuẩn UNCLOS 1982. Công ước này quy định rất rõ khu vực nào các quốc gia có thể và không thể tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc đang đi ngược lại UNCLOS 1982 bằng cách khẳng định chủ quyền ở những nơi rất xa.
 
 
Tờ Asia Times cũng nhận định rằng hành động của Trung Quốc là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự “đi xa” quá mức của Bắc Kinh.
 
Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn lời ông Grigory Loksin, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho rằng hành động của Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS 1982, làm cho tình hình khu vực càng trở nên phức tạp và căng thẳng.
 
Ông cũng cho rằng ban lãnh đạo Việt Nam đã xây dựng một chính sách có trách nhiệm và hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại.
 
Theo ông, Việt Nam đang làm mọi thứ có thể để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông, đồng thời nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
 
Cũng theo chuyên gia Nga, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang thực hiện các biện pháp để đoàn kết ASEAN và đưa ra quan điểm chung về các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
 
Ngoài ra, với tư cách là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đang nỗ lực để làm rõ lập trường của mình trong vấn đề Biển Đông và giành được sự ủng hộ của nhiều quốc gia.
 
Ông Grigory Loksin nhấn mạnh: “Việt Nam đã và đang kiên trì theo đuổi chính sách hội nhập cởi mở và đường lối ngoại giao đa phương. Điều này đã mang lại cho Việt Nam thành công lớn và uy tín cao trên trường quốc tế.”
 
Ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai"./.
Đặng Ánh-Minh Luyến-Trần Hiếu (TTXVN/Vietnam+)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top