Công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước

Thứ ba, 02/06/2020 11:56

Trong 5 năm qua, ngành Công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước với doanh thu năm 2019 ước đạt 112 tỷ USD, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, đóng góp trên 14% cho GDP.

Sáng ngày 02/06/2020, tại tỉnh Tiền Giang, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị đánh giá tổng kết Chương trình phát triển công nghiệp CNTT giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 392/QĐ-TTg tại khu vực phía Nam. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng, đồng chủ trì Hội nghị.
 
Tham dự có đại diện các Sở TT&TT khu vực phía Nam, Hội Tin học TP.HCM, các sở, ban, ngành tỉnh Tiền Giang, đại diện các doanh nghiệp CNTT như Viettel, VNPT, đại diện Công viên phần mềm Quang Trung - QTSC, Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG TP.HCM.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm nhận định, trong 5 năm qua, ngành Công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), điện tử viễn thông (ĐTVT) Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. “Công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước với doanh thu năm 2019 ước đạt 112 tỷ USD”, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, đóng góp trên 14% cho GDP, nộp ngân sách nhà nước trên 53 nghìn tỷ đồng.
 
20200602-pg20-tc2.jpg
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
Các mặt hàng công nghiệp CNTT, ĐTVT, đặc biệt là điện thoại và máy tính chiếm vị trí top 1 và top 3 trong danh sách top 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2019, xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, đồng thời đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 thế giới về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện.
 
Về phía các địa phương, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho hay, năm năm qua cũng ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng quan trọng của nhiều địa phương trên cả nước. Đã xuất hiện 40 địa phương có tăng trưởng vượt bậc về CNTT, ĐTVT, điển hình là Hà Nam (tăng 20.427% so với 2015), Vĩnh Phúc (tăng 2.892%), Phú Thọ (tăng 713%), Đồng Nai (tăng 287%) do thu hút được đầu tư FDI trong lĩnh vực phần cứng điện tử.
 
20200602-pg20-TT.jpg
 
Thứ trưởng Phan Tâm: "Công nghiệp CNTT, ĐTVT đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước, đóng góp trên 14% cho GDP”
 
Tám địa phương có số lượng doanh nghiệp CNTT với trên 1.000 lao động, 15 địa phương có số lượng lao động CNTT, ĐTVT trên 10.000 người.
 
Ngoài 3 thành phố lớn là TP.Hà Nội, TP.HCM và TP.Đà Nẵng, đã có thêm 5 tỉnh, thành phố tham gia vào nhóm địa phương có doanh thu trên 1 tỷ USD về CNTT, ĐTVT là Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, TP.Hải Phòng. Trong đó Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng đã trở thành những trung tâm sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường thế giới. 5 địa phương còn lại đã hình thành các nhà máy sản xuất thiết bị phần cứng điện tử có quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.
 
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, “ngành công nghiệp CNTT, ĐTVT hiện vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, trong đó doanh thu của các doanh nghiệp FDI chiếm tới 98% tổng doanh thu xuất khẩu”. Mặc dù số lượng doanh nghiệp nội địa nhiều nhưng 99% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất hạn chế, chủ yếu là dịch vụ ủy thác, lắp ráp. Về doanh thu, các doanh nghiệp nội địa chỉ đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu ngành. Doanh thu và xuất khẩu của ngành chủ yếu phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, chiếm tới khoảng 90%.
 
Vẫn còn trên 20 địa phương chưa có hoạt động phát triển công nghiệp CNTT, ĐTVT. Nhiều cơ hội mới, thách thức mới nảy sinh như Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự lan rộng của đại dịch Covid 19 và suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp CNTT, ĐTVT nói riêng.
 
20200602-pg20-TG.jpg
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng phát biểu tại Hội nghị
 
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT, Thứ trưởng cho biết, hiện Bộ TT&TT đang xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 6 tới.
 
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự Hội nghị hôm nay sẽ tập trung thảo luận, trao đổi, tham gia góp ý kiến tập trung vào các nội dung, cụ thể: Thảo luận, cho ý kiến về tình hình triển khai Quyết định 392/QĐ-TTg tại các địa phương. Các kết quả đạt được, vai trò của công nghiệp CNTT, ĐTVT tại địa phương (đóng góp ngân sách, tạo công ăn việc làm, thực hiện chuyển đổi số…); Những tồn tại, hạn chế, khó khăn lớn nhất trong phát triển công nghiệp CNTT, ĐTVT tại địa phương; Tính khả thi của các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025; Vai trò của địa phương, của Sở TTTT, của doanh nghiệp trong việc phát triển công nghiệp CNTT, ĐTVT. Các Sở thuộc địa phương cần phối hợp thế nào để thúc đẩy thu hút, phát triển doanh nghiệp công nghệ số nội địa, doanh nghiệp FDI tại địa phương; Các đề xuất kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ TT&TT nhằm có những đột phá về phát triển công nghiệp CNTT, ĐTVT trong 5 năm 2021-2025.
 
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe những bài tham luận quan trọng gồm: Báo cáo Đánh giá tổng kết triển khai Quyết định số 392/QĐ-TTg (Bộ TT&TT trình bày), Đánh giá thực trạng đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và định hướng đầu tư công giai đoạn 2021-2025 về CNTT (Bộ Kế hoạch Đầu tư trình bày), Kinh nghiệm phát triển Chuỗi công viên phần mềm, và các đề xuất, khuyến nghị phát triển công nghiệp CNTT, ĐTVT giai đoạn tới (Công viên Phần mềm Quang Trung trình bày).
 
Tại Hội nghị cũng đã diễn ra Tọa đàm với chủ đề “Phát triển công nghiệp CNTT, ĐTVT tại các địa phương; Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển chuỗi công viên phần mềm”./.
PV - Ảnh: Hữu Chung
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top