Hoàng Đình Giong - người chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng, người con ưu tú của quê hương cách mạng Cao Bằng

Thứ sáu, 31/05/2019 10:13

Tấm gương và phẩm chất cách mạng sáng ngời của đồng chí Hoàng Đình Giong - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng, mãi là niềm tự hào, động lực tinh thần to lớn cổ vũ các thế hệ người Việt Nam và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng vững bước trên con đường bảo vệ và dựng xây đất nước.

Đồng chí Hoàng Đình Giong sinh ngày 1/6/1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng). Từ một thanh niên học sinh yêu nước, những năm 1923 - 1924, đồng chí Hoàng Đình Giong tham gia nhiều hoạt động bí mật tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong học sinh các trường tiểu học ở thị xã Cao Bằng, Hòa An và Hà Quảng. Cuối năm 1925, đầu năm 1926, đồng chí học ở Trường Bách Nghệ (Hà Nội), tích cực tham gia phong trào bãi khoá của học sinh Hà Nội, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Sau một thời gian hoạt động ở Hà Nội, đồng chí trở về Cao Bằng vận động một số thanh niên và học sinh ở châu Hòa An, thị xã Cao Bằng vào Hội thanh niên yêu nước, sau đó phát triển tổ chức hội lên Hà Quảng, sang Quảng Uyên và các châu khác trong tỉnh.

Mùa thu năm 1927, đồng chí ra nước ngoài hoạt động, năm 1928 được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Từ những tài liệu tuyên truyền của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đặc biệt, từ khi được tham dự các lớp huấn luyện của tổ chức Hội tại Long Châu (Trung Quốc), đã dẫn dắt, nâng tầm nhận thức của Hoàng Đình Giong, từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, trở thành người cộng sản. Tháng 12/1929, Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư Chi bộ Hải ngoại ở Long Châu (Trung Quốc), trở thành người học trò tin cẩn của Nguyễn Ái Quốc.

20190531-l2.jpg

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tại Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong, phường Đề Thám (thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: Vũ Tiệp

Với tư cách là Bí thư chi bộ, đồng chí Hoàng Đình Giong được Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng và Lạng Sơn. Đồng chí trực tiếp chỉ đạo thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng vào ngày 1/4/1930, tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An (chỉ sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam chưa đầy hai tháng). Chi bộ Nặm Lìn ra đời đảm nhiệm chức năng như Tỉnh ủy lâm thời, lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh Cao Bằng. 

Đồng thời với việc xây dựng tổ chức Đảng, đồng chí chỉ đạo thành lập các tổ chức quần chúng cách mạng ở Cao Bằng như: Công hội đỏ, Cộng sản đoàn, Nông hội đỏ; trực tiếp chỉ đạo Đảng bộ Cao Bằng xuất bản tờ báo "Cờ đỏ" để tuyên truyền cách mạng, giác ngộ quần chúng. Cao Bằng đã trở thành một trong những cơ sở vững chắc để chắp nối liên lạc giữa Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng với bộ phận lãnh đạo Trung ương đang hoạt động trong nước và với các cơ sở đảng trong phạm vi toàn quốc, nhất là trong quá trình tái lập hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng sau thời kỳ bị địch khủng bố trắng 1931 - 1932. Phong trào cách mạng Cao Bằng phát triển ngày càng mạnh mẽ, hội tụ đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Cao Bằng vinh dự được đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Pác Bó - Cao Bằng trở thành căn cứ địa, là đại bản doanh của chiến khu Việt Bắc, là “chiếc nôi” của cách mạng cả nước. Từ đây, Mặt trận Việt Minh được thành lập, cũng từ đây Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời.

Từ năm 1932 - 1935, đồng chí Hoàng Đình Giong hoạt động ở Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh và nước ngoài, trực tiếp lãnh đạo khôi phục tổ chức đảng ở các địa phương. Đồng chí có nhiều đóng góp quan trọng trong việc chắp nối các mối liên lạc với các cơ sở đảng ở Bắc Kỳ và việc khôi phục phong trào cách mạng sau thời kỳ bị địch khủng bố trắng. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, tại Đại hội Đảng lần thứ nhất (họp tại Ma Cao, Trung Quốc) tháng 3/1935, đồng chí là Trưởng đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ tham dự đại hội và được bầu vào Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1936, đồng chí được phân công trở lại vùng Duyên Hải (Hải Phòng, Quảng Ninh) hoạt động nhằm củng cố đường dây liên lạc từ nước ngoài về nước chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng. 

Từ tháng 2/1936 - 10/1944, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, cầm tù và chịu nhiều cực hình tra tấn tại các nhà tù Cao Bằng, Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Bắc Mê (Hà Giang) và bị đày đi biệt xứ tại đảo Ma-đa-ga-xca (châu Phi). Là người có kinh nghiệm đấu tranh trong nhà tù của đế quốc, đồng chí đề ra sách lược khôn khéo tranh thủ lực lượng Đồng minh và cùng các bạn tù chính trị trở về Tổ quốc an toàn. Trở lại Cao Bằng, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng và là Trưởng Ban khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Cao Bằng. Đồng chí cùng Tỉnh ủy Cao Bằng lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền nhân dân ở hầu hết khắp nơi trong tỉnh, đồng thời trấn áp bọn phản động và thổ phỉ; lãnh đạo lực lượng vũ trang phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng đánh chiếm các nơi chiếm đóng của quân Nhật, đối phó với quân Tưởng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giành chính quyền cách mạng từ ngày 20 - 22/8/1945.

Khi Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí được cử làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến vào Nam Bộ đánh thực dân Pháp với tên mới do Bác Hồ đặt cho là Võ Văn Đức. Đồng chí được Đảng cử giữ nhiều chức vụ quan trọng: Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính ủy) Quân giải phóng Nam Bộ, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) đầu tiên Khu IX, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu VI. Đồng chí có nhiều đóng góp trong việc trực tiếp lãnh đạo khôi phục tổ chức đảng ở các địa phương; xây dựng và chỉ huy các đội quân Nam tiến; thống nhất và chỉ huy các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ; tham gia chỉ huy tại Mặt trận Khu IX, Khu VI. 

Tại Chiến khu IX, đồng chí cùng với Liên Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Chiến khu đề ra những chủ trương đúng đắn phù hợp với đặc điểm tình hình địch - ta trên chiến trường, chỉ huy các mặt trận chiến đấu, tiêu diệt địch. Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã có những quyết định sáng suốt, giải quyết những vấn đề lớn trên chiến trường. Thể hiện được vai trò của một Khu Bộ trưởng trong việc xây dựng, phát triển lực lượng kháng chiến, xây dựng thống nhất lực lượng vũ trang Nam Bộ; xây dựng căn cứ địa U Minh; giải quyết vấn đề đoàn kết dân tộc giữa đồng bào Việt - Khơ me, đoàn kết tôn giáo; đoàn kết, phối kết hợp xây dựng lực lượng ở các nước Đông Nam Á để chiến đấu chống lại thực dân Pháp. Trong một thời gian ngắn dừng chân hoạt động ở địa bàn Khu VI, đồng chí có nhiều đóng góp trong việc chỉ đạo xây dựng củng cố Trung đoàn 81 (Ninh Thuận), Trung đoàn 82 (Bình Thuận), chỉ đạo huấn luyện tác chiến và bồi dưỡng chiến tranh du kích cho lực lượng vũ trang Khu VI, giúp đỡ Đảng bộ Ninh Thuận, Bình Thuận lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành chiến tranh du kích, vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1947, trong một trận chiến đấu ác liệt tại chiến khu 7 (Ninh Thuận), đồng chí đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh khi mới 43 tuổi.

Hơn 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng, cách mạng, năm 1998, đồng chí được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh; năm 2009, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; năm 2018, được Đảng và Nhà nước công nhận là Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Tự hào là mảnh đất sinh ra người cộng sản trung kiên, người con ưu tú của dân tộc, một trong những lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng, đã trọn đời mình hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực: Xây dựng Đảng, kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
 
Từ năm 2011 đến nay, kinh tế của tỉnh phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trung bình đạt trên 7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp. Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh từng bước được khai thác hiệu quả. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, phát triển, nhất là các khu kinh tế cửa khẩu, các khu, điểm du lịch. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, đã có 7/18 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết Đại hội, có 5 chỉ tiêu đạt trên 70% kế hoạch, dự báo sẽ đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra vào năm 2020.
Theo baocaobang.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top