Hoàng Đình Giong - từ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đến Đảng Cộng sản

Thứ sáu, 31/05/2019 10:07

Hoàng Đình Giong (tức Hoàng, Trần Tín, Lầu Voòng, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, Cụ Vũ) - người cộng sản ưu tú đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tấm gương hoạt động, chiến đấu của đồng chí mãi mãi để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Đình Giong đã có công lao đóng góp cho phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh, là học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ngay từ lúc mới vào học Trường Bách Nghệ (Hà Nội) năm 1925, Hoàng Đình Giong đã tham gia phong trào bãi khóa của học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, năm 1926 tiếp tục tham gia phong trào đấu tranh tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh...
 
Sau lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, một số lớn học sinh Trường Bách Nghệ bị đuổi học, trong đó có Hoàng Đình Giong và những học sinh Cao Bằng. Không được ở ký túc xá, Ninh Văn Phan đón Hoàng Đình Giong về nhà mình tại Hà Nội. Hoàng Đình Giong tiếp tục hoạt động trong phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên và viết thư cho Hoàng Văn Thụ. Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Chi ở Lạng Sơn lên đường đến Hà Nội gặp Hoàng Đình Giong. Hoàng Đình Giong đã giới thiệu Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Chi với cụ Ngô Đức Kế, là đầu mối liên lạc của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. 

Giữa mùa thu năm 1926, Hoàng Đình Giong tạm biệt cụ Ngô Đức Kế trở lại Cao Bằng hoạt động. Đồng chí đã tuyên truyền, tổ chức được một số thanh niên và học sinh ở Hoà An vào Hội thanh niên yêu nước như: Hoàng Văn Nọn (tức Tú Hưu, Hoàng Như, Văn Tân, Thiết), Lê Đoàn Chu (tức Nam Cao, Mới), Nông Văn Đô (tức Bích Giang, Cát Lợi)…

Trong một cuộc gặp mặt thanh niên và học sinh lớn tuổi, Hoàng Đình Giong nói: “Nếu các anh có điều kiện học lên nữa càng tốt, miễn là các anh đừng quên rằng chúng mình là dân mất nước…đừng có quên nhiệm vụ cứu dân cứu nước của lớp thanh niên chúng ta. Đó là lòng thiết tha mong mỏi của cả dân tộc mình”.

Sau lần gặp gỡ trao đổi với bạn hữu, Hoàng Đình Giong cùng Lê Đoàn Chu lên đường đi các địa phương Quảng Uyên, Hòa An và xung quanh thị xã Cao Bằng, tuyên truyền và tổ chức Hội thanh niên yêu nước trong thanh niên, học sinh.

Tháng 2/1927, Ninh Văn Phan, Bùi Đức Năng, Hoàng Bùi Phồn từ Hà Nội lên Cao Bằng với Hoàng Đình Giong và các bạn ở Cao Bằng từng học ở Trường Bách Nghệ. Các bạn chuyển cho Hoàng Đình Giong giấy giới thiệu của tổ chức Hội thanh niên, giới thiệu các anh được xuất dương tham dự các lớp chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở nước ngoài (Long Châu, Trung Quốc).
 
20190531-l1.jpg
 
Khu di tích Nặm Lìn, xã Hoàng Tung (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh. Ảnh: Minh Tuyền
 
Hoàng Đình Giong vô cùng phấn khởi trước sự tin cậy của tổ chức, nhưng đã quá ngày hẹn đón, nên anh em hoạt động ở Cao Bằng một thời gian. Với tư cách là trưởng đoàn xuất dương, Hoàng Đinh Giong phân công các anh đi hoạt động tại thị xã Cao Bằng, Đông Khê (Thạch An), vùng trung tâm Hòa An. Hoàng Đình Giong không chỉ tuyên truyền, tổ chức trong học sinh và một số thầy giáo mà còn tuyên truyền, bắt mối, vận động được cả một số binh lính và một cai đội của Pháp, sau này là những nhân tố quan trọng của cách mạng.

Bọn mật thám thấy hoạt động bất bình thường ở học đường và trong đời sống dân chúng. Trùm mật thám Pơ-ti đã tung tay sai đi dò la tin tức, manh mối để truy bắt những người hoạt động cách mạng trên địa bàn mà chúng phụ trách. Hoàng Đình Giong và Ninh Văn Phan quyết định ngược lên Sóc Giang (Hà Quảng) để hoạt động. Tại Hà Quảng, hai anh trực tiếp gặp nhiều bạn thân và học sinh cũ, gặp cả tri châu để tuyên truyền, vận động cùng vào Hội đánh Tây. Sau đó trở về Hòa An và thị xã Cao Bằng, hai anh lại tích cực hoạt động…
 
Từ những hoạt động tích cực đó, Hoàng Đình Giong và các đồng chí của mình đã gây dựng được khá nhiều cơ sở cách mạng và lập được Hội đánh Tây… Thực dân Pháp thấy rõ sự “nguy hiểm” của Hoàng Đình Giong nên đã phát lệnh truy nã. 

Rời Sóc Giang trở về, Hoàng Đình Giong vào Lũng Dẳng thuộc xã Hoàng Tung (Hòa An) gặp Ninh Văn Phan cùng Lê Đoàn Chu để bàn chuyển hướng hoạt động. Ngày 9/4/1927, Hoàng Đình Giong đưa Ninh Văn Phan vào Mỏ thiếc Tĩnh Túc xin việc làm để có điều kiện đi sâu tuyên truyền, vận động công nhân làm cách mạng. Sau đó, Hoàng Đình Giong trở lại Hòa An để thu xếp công việc rồi bí mật đi qua Tĩnh Túc thẳng đến mỏ Bản Ty, Đầm Hồng (Tuyên Quang) để tuyên truyền, vận động cách mạng… 

Cuối năm 1927, Hoàng Đình Giong quyết định đi ra nước ngoài (Trung Quốc) để hoạt động. Đến Long Châu, sau một thời gian tìm bắt liên lạc,  tháng 11/1927, Hoàng Đình Giong và Ninh Văn Phan gặp đồng chí Bùi Ngọc Thành - cán bộ phụ trách Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Tây (Trung Quốc), được giới thiệu đến dự lớp huấn luyện chính trị của Hội. 

Lớp huấn luyện gồm Hoàng Đình Giong, Ninh Văn Phan và đồng chí Dũng (công nhân ở Hà Nội). Lớp huấn luyện kết thúc vào khoảng tháng 5/1928. Đến ngày 19/6/1928, đồng chí Bùi Ngọc Thành cùng cơ sở tổ chức kết nạp Hoàng Đình Giong, Ninh Văn Phan và đồng chí Dũng vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại cơ sở Long Châu. Đây là một tổ chức cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Từ đó, Hoàng Đình Giong càng tích cực tìm mọi cách để tuyên truyền, vận động đưa chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng cứu nước của Nguyễn Ái Quốc vào Cao Bằng làm tiền đề gây dựng các cơ sở của Hội.

Theo sự phân công của tổ chức, Hoàng Đình Giong ở lại Long Châu phụ trách một số công việc của Tổng bộ Hội và giữ liên lạc với cấp trên. Đồng chí Dũng được phân công trở về Hà Nội hoạt động. Ninh Văn Phan được cử về Cao Bằng để đưa một số thanh niên đã được giác ngộ sang Long Châu tham gia các lớp huấn luyện của Hội. Ninh Văn Phan đã giới thiệu Lê Đoàn Chu sang Long Châu gặp Hoàng Đình Giong. 

Tại Long Châu, Lê Đoàn Chu được dự lớp huấn luyện chính trị của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, sau đó trở lại Cao Bằng hoạt động. Tháng 9/1928, Hoàng Đình Giong mời Hoàng Văn Nọn cùng một số thanh niên ở Cao Bằng sang Long Châu dự lớp huấn luyện. Kết thúc lớp học, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1929, Hoàng Đình Giong kết nạp Lê Đoàn Chu vào Hội. Cả Hoàng Văn Nọn, Lê Đoàn Chu được tổ chức phân công trở về hoạt động xây dựng Hội ở Cao Bằng.

Sau khi tiếp thu con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá về nước, Hoàng Đình Giong ra sức chỉ đạo xây dựng cơ sở cách mạng Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Cao Bằng, đã chọn cử được nhiều thanh niên tích cực, giác ngộ đi đào tạo tại các lớp huấn luyện của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên rồi lại đưa về Cao Bằng hoạt động. 

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Đình Giong, nhân ngày tết truyền thống là rằm tháng Bảy năm Kỷ Tỵ (tức ngày 19/8/1929), tại một địa điểm bí mật là chùa Đống Lân, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (nay thuộc thành phố Cao Bằng), Hoàng Văn Nọn và Lê Đoàn Chu đã thay mặt Hội Việt Nam các mạng thanh niên, tổ chức lễ kết nạp Nông Văn Đô, Hoàng Văn Khoa, Lưu Xương (Sơn), Nguyễn Khánh Phù (Bá Nhân), Nghiêm, Cát vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đây là tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên được thành lập ở Cao Bằng.
 
Sau lễ thành lập, các hội viên được cử về các địa phương để tiếp tục tuyên truyền, vận động phát triển các cơ sở của Hội, với sự tích cực đó, một thời gian sau, cơ sở của Hội đã được thành lập tại Mỏ thiếc Tĩnh Túc và các địa phương khác. Đây là những cơ sở Hội đầu tiên tạo tiền đề cho sự phát triển Hội mạnh mẽ hơn tại Cao Bằng.

Tại Long Châu, trên cơ sở Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phát triển mạnh và trước yêu cầu của phong trào cách mạng, tháng 12/1929, các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Nọn, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và Chi bộ Hải ngoại Long Châu (Trung Quốc) được thành lập, đồng chí Hoàng Đình Giong được bầu làm Bí thư.
 
Với tư cách là Bí thư chi bộ, đồng chí Hoàng Đình Giong được giao nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng, Lạng Sơn và các tỉnh vùng Đông Bắc. Sau hội nghị thành lập Đảng, Chi bộ Hải ngoại Long Châu do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư chính thức trở thành chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngay sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương đẩy mạnh xây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở các tỉnh, thành phố. Đầu năm 1930, Hoàng Đình Giong cử đồng chí Hoàng Văn Nọn về Cao Bằng hoạt động để chuẩn bị về tư tưởng, lý luận chính trị và tổ chức tiến tới thành lập tổ chức Đảng ở Cao Bằng.

Sau một thời gian tiếp tục tuyên truyền, rèn luyện, qua kiểm tra phong trào và thử thách cán bộ, ngày 1/4/1930, đồng chí Hoàng Văn Nọn thay mặt Chi bộ Hải ngoại Long Châu, kết nạp hai đồng chí Lê Đoàn Chu, Nông Văn Đô vào Đảng, tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An, do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. 

Sự kiện chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng ra đời đã có ý nghĩa lớn đối với phong trào cách mạng. Sự ra đời của chi bộ Đảng ở Cao Bằng đánh dấu một bước phát triển mới, một bước ngoặt trên con đường đấu tranh giải phóng. Từ đây, trong phong trào đấu tranh giành lại nền độc lập và chủ quyền của đất nước, nhân dân các dân tộc Cao Bằng vững bước đi lên dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng nhân dân cả nước giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cho đến khi giành được thắng lợi hoàn toàn./.
Theo baocaobang.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top