Giải bài toán "khoảng cách" giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNTT

Thứ tư, 14/11/2018 15:28

Sáng 14/11/2018, tại Hội nghị “Kết nối sản phẩm, dịch vụ và nguồn nhân lực CNTT phục vụ sản xuất sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt 2018”, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Đồng thời đòi hỏi chúng ta phải giải được bài toán “khoảng cách” giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này”.

Nguồn nhân lực CNTT chưa đáp ứng được nhu cầu Cuộc CMCN 4.0

Trong những năm gần đây, nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT tăng đáng kể. Theo số liệu báo cáo từ các địa phương về công nghiệp CNTT, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này (bao gồm ngành công nghiệp phần mềm, nội dung số, phần cứng điện tử và dịch vụ CNTT) năm 2017 tăng 16,01% so với năm 2016. Ước tính trong năm 2017, tổng số lao động thuộc ngành khoảng 922.000 người (tăng 22,5% so với năm 2016).

Đặc biệt, Việt Nam đã và đang là điểm đến của các công ty đa quốc gia lớn như Samsung, LG, Intel... Đây là yếu tố thúc đẩy ngành công nghiệp CNTT Việt Nam phát triển, tăng nhu cầu về nhân lực. Bên cạnh đó, đi kèm với sự phát triển kinh tế - xã hội như giao thông thông minh, thành phố thông minh, an toàn an ninh mạng... nên nhu cầu nhân lực hoạt động trong ngành này sẽ tiếp tục tăng.

“Tuy nhiên, lao động ngành CNTT Việt Nam chỉ mới được đánh giá cao về tiềm năng nhưng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của Cuộc CMCN 4.0”, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
 
 20181114-m04.jpg
“Tuy nhiên, lao động ngành CNTT Việt Nam chỉ mới được đánh giá cao về tiềm năng nhưng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của Cuộc CMCN 4.0”, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh. 
 
Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn kinh tế Thế giới vừa công bố mới đây, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao. Cũng theo báo cáo này, khi so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines. Đây là một thách thức to lớn.
 
Thứ trưởng cũng cho biết: “Chuyển đổi số quốc gia, Cuộc CMCN 4.0 là cơ hội rút ngắn khoảng cách cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để nước ta nâng cao vị thế quốc gia khi tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, Cuộc CMCN 4.0 cũng mở ra cơ hội lớn để phát triển các sản phẩm CNTT thương hiệu Việt, tạo lập được thị trường CNTT nội địa khi bám sát nhu cầu dịch vụ CNTT của người Việt.
 
Và một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để nắm bắt được thời cơ mà Chuyển đổi số, CMCN 4.0, thành công trong xây dựng chính quyền điện tử, công dân điện tử, phát triển ngành công nghiệp CNTT nội địa là phải có nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế, có năng lực sáng tạo, trí tuệ cao và phải thực sự có khát vọng”.
 
Bên cạnh đó, việc ra đời nhiều xu hướng công nghệ mới như: công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, vạn vất kết nối, công nghệ chuỗi khối, thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường… càng đòi hỏi một nguồn nhân lực CNTT có số lượng lớn và chất lượng cao.

Giải bài toán "khoảng cách" giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực

Hiện tại, cơ cấu lao động trong các doanh nghiệp công nghệ CNTT được chia làm 3 nhóm: Nhóm nhân lực cao cấp, nhóm lao động có đào tạo, nhóm lao động đào tạo nghề. Trong đó, lao động cao cấp có số lượng rất ít, nhân lực qua đào tạo không đáng kể, lao động đào tạo nghề hiện nay lại rất lớn.
 
Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Các doanh nghiệp đều đang có xu hướng tăng nhu cầu về nhân lực CNTT. Thế nhưng, thị trường hiện tại đang vừa thừa vừa thiếu nguồn lao động này. Chúng ta thừa rất nhiều những nhân lực được đào tạo cơ bản và thiếu rất nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao có những kiến thức chuyên sâu, kỹ năng thực hành, ngoại ngữ và kỹ năng mềm”.
 
 20181114-m06.jpg
Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo khái quát về hiện trạng và định hướng trong phát triển nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam.
 
Đồng tình với vấn đề này, ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Công ty Axon Active Việt Nam chia sẻ: “Nguồn nhân lực IT của công ty tôi nói riêng và của Việt Nam nói chung vẫn còn nhiều hạn chế như thiếu định hướng nghề nghiệp, thiếu kỹ năng mềm, thiếu kỹ năng ngoại ngữ, thiếu tính chủ động. Đồng thời, khả năng tự nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới vẫn còn khá hạn chế”.
 
Để thay đổi tình hình này, đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ trong đào tạo giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, ông Võ Đình Bảy, Trưởng Khoa CNTT, trường Đại học CNTT TP Hồ Chí Minh (HUTECH) cho biết: “Hiện nay, tại các nước phát triển, sự gắn kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi, mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho cả 2 bên, cho xã hội và đặc biệt là cho người học. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mối liên kết này vẫn còn nhiều hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ đóng vai trò "săn bắt" hơn là “nuôi trồng” và cả 2 phía đều thiếu thông tin lẫn nhau dẫn đến tình trạng nguồn cung của nhân lực tuy dồi dào nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực sự của phía doanh nghiệp. Vì vậy, chúng ta phải tạo được mối gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm giải quyết bài toán này”.
 
Tuy nhiên, việc hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp hiện vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn. Bởi, để hợp tác đào tạo thành công, doanh nghiệp cần cam kết duy trì, đảm bảo nguồn lực và chất lượng khóa học. Điều này thực tế không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, phía nhà trường cũng khó xác nhận chất lượng đào tạo từ doanh nghiệp; chưa tạo được cam kết hiệu quả từ trong các môn học của doanh nghiệp. Ngay cả việc sắp xếp lịch đào tạo thuận tiện cho cả 2 phía vẫn còn là một vấn đề nan giải. 
 
“Cần có sự đánh giá cụ thể về năng lực đào tạo của doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự nhất quán và lâu dài trong quá trình đào tạo; cùng doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo cụ thể để đảm bảo chất lượng; cán bộ giảng dạy nên tham gia vào chương trình đào tạo của doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý sinh viên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo của doanh nghiệp”, ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Công ty Axon Active Việt Nam đề xuất.
 
Về phía cơ sở đào tạo, ông Võ Đình Bảy, Trưởng Khoa CNTT, trường HUTECH cũng chia sẻ một vài phương pháp gắn kết như: Các doanh nghiệp có thể trực tiếp tham gia xây dựng chương trình đào tạo; trường đại học và doanh nghiệp phối hợp đào tạo sinh viên; doanh nghiệp tham gia hội đồng và tài trợ cho các cuộc thi học thuật; doanh nghiệp tài trợ học bổng cho sinh viên; doanh nghiệp cho sinh viên tham quan, kiến tập, thực tập; tổ chức ngày hội tuyển dụng/thực tập; doanh nghiệp tham gia hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ người học; nhà trường đào tạo, tư vấn hoặc chuyển giao kết quả nghiên cứu...
 
“Để làm được điều này, trước hết đòi hỏi sự thay đổi tư duy từ cả 2 phía. Đây là hợp tác có lợi đôi bên, phát huy được thế mạnh của nhau. Đồng thời, cả 2 nên cùng tạo lập những trung tâm kết nối trong quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp; nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp, kết nối nhu cầu với các trường đáp ứng nhu cầu về đào tạo cho doanh nghiệp”, ông Võ Đình Bảy nhấn mạnh.
 
Có thể nói, Cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo nên sự dịch chuyển mô hình kinh tế từ tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức, thay đổi trong các dây chuyền sản xuất nhờ đổi mới công nghệ. Trong cuộc cách mạng này, nhiều ngành nghề sẽ biến mất nhưng lại có những công việc mới ra đời. Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng nhu cầu của tình hình mới. 
 
Do đó, từ phía các doanh nghiệp CNTT cần chú trọng đào tạo nâng cao cho nhóm lao động đã qua đào tạo, đào tạo lại và trang bị các kỹ năng, kiến thức cho nhóm lao động đào tạo nghề. Từ phía các cơ sở đào tạo, đào tạo nhân lực CNTT cần phải gắn kết chặt chẽ với ngành công nghiệp CNTT. Có như vậy, chúng ta mới sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng chuyển đổi số hiện nay./.
Xuân Dương
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top