Đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long

Thứ sáu, 24/06/2016 11:17

Thời gian qua, mô hình cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long được nhân rộng nhưng chưa nhiều do nhiều nguyên nhân, trong đó có phần hạn chế bởi công tác tuyên truyền. Để góp phần nhân rộng mô hình trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền từ nội dung, hình thức, phương thức và sự phối kết hợp giữa các cơ quan hữu quan.

Tuyên truyền góp phần nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn
 
Từ vụ hè thu 2008-2009 mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được xây dựng thí điểm tại rất nhiều điểm trình diễn, với quy mô vài ha đền vài chục ha ở các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, ..., với tên gọi “liên kết 4 nhà”. Được nhân rộng kể từ ngày 26-3-2011 khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động phong trào xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng trong sản xuất, trước hết là sản xuất lúa gạo. Phong trào được hưởng ứng mạnh mẽ trên cả nước. Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành đều đồng loạt triển khai, phát động phong trào, đã có 7,8 nghìn ha đất canh tác lúa tham gia, đến vụ Đông Xuân năm 2015 - 2016 đã đạt 146 nghìn ha, từng địa phương có những cách triển khai đặc thù nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định. Nhìn chung, mô hình cánh đồng mẫu lớn trong 5 năm qua có xu hướng phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Song thực tế cũng phải thừa nhận rằng, diện tích của cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long có tăng nhưng còn chiếm tỷ lệ quá thấp, chỉ vào khoảng 9% so với diện tích đất canh tác lúa, hiệu quả cao nhưng ít được đầu tư nhân rộng. Nguyên nhân chính bởi các doanh nghiệp cho rằng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều rủi ro và lợi nhuận thấp hơn đầu tư vào nhiều ngành kinh doanh khác.
 
Trong tuyên truyền về cánh đồng mẫu lớn, nội dung đã toát lên được tính tất yếu xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong xu thế ngày nay cùng với vai trò của các chủ thể trong mối liên kết 4 nhà khi tham gia vào mô hình; tác động, lợi ích của nông dân, doanh nghiệp khi tham gia mô hình, những điển hình tiên tiến trong mô hình cần được nhân rộng; ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào mô hình... Qua việc tổ chức lại sản xuất có sự liên kết ngang giữa nông dân với nhau với phương châm “Nông dân nhỏ, cánh đồng lớn” và liên kết dọc giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo để thu nhập của nông dân, doanh nghiệp được cải thiện.
 
Hình thức tuyên truyền đa dạng như xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về nông nghiệp có liên quan đến cánh đồng mẫu lớn trong quá trình triển khai nhân rộng. Đồng thời, rất nhiều địa phương có hình thức tuyên truyền khá sinh động như lễ hội, Festival, ngày hội Tam nông...; hội thảo, tọa đàm khoa học bàn về sản xuất lúa gạo trên cánh đồng mẫu lớn. Các diễn đàn khuyến nông được tổ chức khá thường xuyên từ cấp cơ sở đến cấp vùng cùng với những hình thức gặp gỡ, trao đổi với các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông cũng được chú trọng.
 
Phương pháp tuyên truyền phát triển mạnh nhờ hệ thống báo chí ở đồng bằng sông Cửu Long, luôn truyền tải các thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên các trang thời sự; hầu hết các báo địa phương có mở các chuyên mục “Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn”; “Nông thôn mới”; “Khuyến nông”; “Liên kết 4 nhà”, “Xóa đói giảm nghèo”… theo định kỳ; đối với phát thanh, truyền hình có các chương trình “Nhà nông đua tài”, “Cùng nông dân ra đồng”, “Nông dân thời hội nhập”, “Đối thoại cùng nông dân”, “Nông dân thế kỷ XXI”, “Đồng hành cùng nông dân”… Các chuyên mục này đều viết về những mô hình cánh đồng mẫu lớn khi có những thông tin mới. Các chương trình khuyến nông như “Nhà nông cần biết”, “Bạn của nhà nông”, “ Sao thần nông”, “Cùng nông dân bàn cách làm ăn” cũng được đăng tải trên trang điện tử của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Đặc biệt, Đài tiếng nói Việt Nam khu vực đồng bằng sông Cửu Long có chương trình khuyến nông bằng tiếng Khmer để phục vụ đồng bào vùng dân tộc Khmer. Ngoài ra, còn có các thông tin xã hội khác như sách, tài liệu nghiên cứu về mô hình cánh đồng mẫu lớn; các cuộc thi máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng mẫu lớn; tuyên truyền qua hệ thống chính trị...
 
Những vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên truyền để nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long
 
Bên cạnh những kết quả đạt được trong tuyên truyền về nhân rộng mô hình trong vài năm trở lại đây, bản thân công tác này còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải hoàn thiện. Đó là:
 
Thứ nhất, nội dung tuyên truyền vẫn còn hời hợt, chưa thật sự đi sâu vào những vấn đề cốt lõi để phát triển mô hình từ chủ trương cho đến ứng dụng những kỹ thuật trên đồng ruộng giúp cho cánh đồng mẫu lớn phát triển, nhân rộng. Vì vậy, nông dân đón nhận thông tin chưa đầy đủ, dẫn đến chưa thật sự hết mình tham gia. Thực tế, ngay trên những cánh đồng mẫu điểm, số lượng nông dân tham gia vào mô hình cũng chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 70%.
 
Thứ hai, hình thức tuyên truyền đa dạng nhưng vẫn mang tính dàn trải, chưa đủ sức thuyết phục để “thấm” vào người trồng lúa giúp họ nhận thức, tham gia vào cánh đồng mẫu lớn. Trên hệ thống báo chí, phát thanh truyền hình, thực tế đã dành thời lượng nhất định để đăng tải, phát sóng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, song riêng cho cánh đồng mẫu lớn còn nhiều hạn chế về dung lượng đăng tải, chỉ có những địa phương nào phát triển được mô hình thì mới được quan tâm đến tuyên truyền, ít địa phương đăng tải những hiệu quả, nhân tố điển hình, học tập kinh nghiệm mô hình của địa phương khác.
 
Thứ ba, chưa chú trọng tuyên truyền tại hệ thống chính trị cơ sở và xã hội hóa các sự kiện liên quan đến xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Qua khảo sát cho thấy, có những xã khi phát thanh trên đài phát thanh của xã thường nhật luôn thông tin về kinh tế - xã hội tại địa phương, trong đó vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng được đề cập nhưng lượng thông tin bàn về xây dựng, hiệu quả của cánh đồng mẫu lớn còn ít và chưa đầy đủ.
 
Thứ tư, cản trở lớn trong công tác tuyên truyền nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn không riêng ở đồng bằng sông Cửu Long mà cả nước do kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền rất hạn hẹp. Với hệ thống báo chí, kinh phí hạn hẹp, khó cho việc tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề của nhiều lĩnh vực rộng lớn hơn chứ chưa nói đến cánh đồng mẫu lớn. Với hệ thống khuyến nông, theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, kinh phí ngân sách cấp hằng năm chia đều cho hộ nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long thì mỗi hộ dân chỉ có khoảng 25.200 đồng/hộ/năm, với kinh phí này hệ thống khuyến nông rất khó hoạt động, hoạt động chỉ dừng lại ở mức giới thiệu chuyên đề, không thể đi sâu vào công tác chuyên môn cho từng địa phương.
 
Cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long
 
Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cho cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
 
Một là, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa những nội dung về quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhằm tiến tới hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa xuất khẩu chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xây dựng thương hiệu lúa gạo từ các vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; tính tất yếu của xây dựng cánh đồng mẫu lớn; tác động, lợi ích của nông dân, doanh nghiệp khi tham gia mô hình và những điển hình tiên tiến để nhân rộng; ứng dụng khoa học - công nghệ vào mô hình, nhất là trước bối cảnh biến đổi khí hậu gây hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng...
 
Hai là, mở rộng hình thức tuyên truyền. Tăng chất và lượng các bài viết trên các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề của các thể loại báo chí liên quan đến triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. Chuyển tải kịp thời các thông tin qua các chuyên mục tin tức, phóng sự, ghi nhanh trong các chương trình thời sự, đồng thời tuyên truyền về mô hình cánh đồng mẫu lớn trên chuyên trang nông nghiệp - nông thôn ra định kỳ trên các số báo trong tuần; Đài Phát thanh - truyền hình cũng cần dành thời lượng thích đáng hơn để truyền tin liên quan đến việc triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. Thường xuyên tổ chức các Hội thảo khoa học, Diễn đàn khuyến nông, Hội thi máy gặt đập liên hợp, Hội thi nông dân sản xuất lúa giỏi, Hội chợ Giống Nông nghiệp và Thương mại… Cùng với gặp gỡ, trao đổi các chủ thể cùng tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
 
Ba là, đổi mới phương pháp tuyên truyền. Trong thời gian tới để đẩy mạnh tuyên truyền về nông nghiệp nói chung, cánh đồng mẫu lớn nói riêng trên các thể loại báo chí cần đổi mới phương thức tuyên truyền và Ban Tuyên giáo các tỉnh phải thực sự là đơn vị chủ quản; đa dạng hóa phương pháp tuyên truyền thông qua các giải báo chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của các báo trung ương, ngoài tỉnh và của Hội Nhà báo tỉnh. Hoạt động khuyến nông cần được bám sát chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng thực hiện tuyên truyền nhân rộng cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa gạo. Cần phát huy cao độ vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn trong thực hiện công tác tuyên truyền về hiệu quả, phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn. Thực hiện xã hội hóa các sự kiện liên quan đến xây dựng cánh đồng mẫu lớn bằng xuất bản sách sau các Hội thảo khoa học, Diễn đàn khuyến nông.
 
Bốn là, thực hiện tốt việc phối hợp tuyên truyền. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với ngành nông nghiệp, chính quyền cơ sở của các địa phương. Các cơ quan báo của địa phương cần phối hợp với nhau cùng với các cơ quan báo chí trung ương thực hiện tuyên truyền không chỉ cho địa phương mình mà cần tăng cường tuyên truyền những sự kiện liên quan đến vấn đề nông nghiệp của toàn vùng bằng thực tiễn sinh động; mở rộng mạng lưới cộng tác viên chuyên ngành nông nghiệp. Ngoài ra, Ban biên tập các báo cần cử các phóng viên, biên tập viên chuyên về lĩnh vực nông nghệp thường xuyên tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn; đồng thời, cần tăng chế độ công tác phí và phụ cấp cho các nhà báo khi đi thực tế ở những vùng sâu, vùng xa, tăng chế độ nhuận bút cho những bài viết có tính phóng sự phản ánh kịp thời những bất cập trong phát triển nông nghiệp.
 
Nhân rộng được nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn không riêng cho đồng bằng sông Cửu Long mà còn cho cả nước. Song để nhân rộng nhanh, có hiệu quả rất cần sự quan tâm của các cơ quan từ trung ương đến địa phương không riêng cho công tác tuyên truyền mà cả công tác triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên thực tiễn. Tuyên truyền tốt sẽ nhân rộng mô hình nhanh, mô hình được nhân rộng nhanh đòi hỏi phải tập hợp được đầy đủ nguồn lực cho hoạt động. Vì vậy, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị:
 
Đối với các cơ quan Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với một số cơ quan chức năng tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên phạm vi toàn quốc và vùng. Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên cân đối, tăng cường kinh phí hoạt động công tác khuyến nông, nhất là khuyến nông vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trung ương nên xem xét đồng ý cho địa phương tăng kinh phí hoạt động cho các cơ quan báo chí, ưu tiên cho việc tuyên truyền lĩnh vực nông nghiệp. Hội Nhà báo Việt Nam nên xem xét, tăng cường xây dựng thêm chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hội viên của mình là các biên tập viên, phóng viên chuyên trách vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
 
Đối với các cơ quan địa phương: Chính quyền các tỉnh, thành thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên có những quyết sách cho việc tăng cường kinh phí hoạt động cho các cơ quan báo chí của địa phương mình. Các cơ quan báo chí thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, số lượng bài viết; tăng cường đào tạo kiến thức chuyên môn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho các nhà báo chuyên trách lĩnh vực này; mạnh dạn đề xuất cơ chế tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp thuộc các trường khối nông nghiệp đưa đi đào tạo phóng viên báo chuyên viết về đề tài này. Hội nhà báo các tỉnh, thành thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên tổ chức thi giải báo chí, trong đó chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp. Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long nên soạn thảo bổ sung chương trình ngoại khóa cho học sinh phổ thông đi tham quan tìm hiểu về mô hình cánh đồng mẫu lớn, nhất là những tỉnh có diện tích đất trồng lúa nhiều, chủ lực trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn./.
 
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top