Phát triển làng nghề góp phần xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 10/07/2015 09:14

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung đầu tư khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, tạo điều kiện và hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất, giải quyết việc làm nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

img

Với thế mạnh sản xuất đồ mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, câu đối, tượng và nhất là tạo dựng, khôi phục nhà cổ bằng gỗ, làng nghề mộc Việt Tiến xã Tứ Xã đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Hiện trong làng có trên 110 hộ làm nghề, giải quyết việc làm cho khoảng 400 lao động với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, doanh thu từ ngành nghề và dịch vụ chiếm gần 60% tổng doanh thu của làng. Hầu hết những hộ làm nghề đều có mối liên hệ với nhau khá chặt chẽ, hàng hóa sản xuất bán theo giá chung của thị trường và sản xuất ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó nên đa số các hộ làm nghề đều có đời sống kinh tế khá. Không riêng ở làng nghề mộc Việt Tiến, làng nghề chăn nuôi và chế biến rắn xã Tứ Xã hiện cũng thu hút trên 450 hộ tham gia, sản lượng rắn thương phẩm xuất bán đạt 40-50 tấn/năm, tạo nguồn thu đáng kể cho các hộ làm nghề. Người làng rắn hiện nay không phải lo đầu ra, đã có thương lái tìm về tận nơi thu mua sản phẩm.
 
Theo ông Nguyễn Hữu Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Xã: Nghề mộc Việt Tiến và nghề chăn nuôi và chế biến rắn xã Tứ Xã có đầu ra sản phẩm khá thuận lợi. Trong cả 2 làng nghề hầu như không có lao động nông nhàn, số hộ có thu nhập trên trăm triệu đồng/năm là phổ biến. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các làng nghề hiện nay chính là mặt bằng sản xuất, đất chật người đông, làng nghề và các hộ làm nghề hầu hết là nằm đan xen trong khu dân cư nên mặt bằng sản xuất chật hẹp, không có điểm tập kết nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Chính khó khăn này đã khiến cho vấn đề môi trường của làng nghề khó được cải thiện làm ảnh hưởng đến thực hiện tiêu chí mông trường trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy chính quyền cũng như người dân xã Tứ Xã đều mong muốn được quy hoạch và xây dựng riêng 1 khu hoặc cụm tiểu thủ công nghiệp dành riêng cho các hộ làm nghề sản xuất hàng hóa, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường cũng như giao dịch thương mại sản phẩm hàng hóa.
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lâm Thao có 6 làng nghề chính gồm: Tương Dục Mỹ; nghề thủ công mỹ nghệ và ủ ấm Sơn Vi; nghề nuôi và chế biến rắn Tứ Xã; nghề xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp Hưng Đạo xã Xuân Huy; nghề xây dựng Do Nghĩa xã Sơn Vi và nghề mộc Việt Tiến xã Tứ Xã. Ngoài ra, còn có làng nghề bánh làng Dòng xã Xuân Lũng. Các sản phẩm của các làng nghề luôn đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện, quy mô sản xuất tăng khá như: Làng mộc đạt 6.356m3/năm; làm tương đạt trên 630.000 lít/năm; sản xuất ủ ấm đạt 8,7 ngàn chiếc/năm... Năm 2014, thu nhập của các làng nghề đạt gần 300 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 4.500 lao động.
 
Ông Bùi Hoài Giang – Trưởng phòng NN&PTNN huyện Lâm Thao cho biết: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề trên địa bàn huyện đã được các cấp, các ngành quan tâm khuyến khích phát triển. Công tác xúc tiến thương mại được chú trọng, các sản phẩm được giới thiệu đến với người tiêu dùng, qua đó phát huy được thế mạnh của địa phương. Các ngành nghề truyền thống được khôi phục, việc nhân cấy nghề mới vào các xã, thị trấn trong huyện đã tạo công ăn việc làm ổn định cho một bộ phận lao động nông nhàn tại địa phương, qua đó đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Đến thời điểm này, Lâm Thao đã có 6 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, huyện đang tập trung đầu tư để hoàn thiện các tiêu chí chưa cập đối với các xã còn lại, phấn đấu đưa Lâm Thao trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2015.
 
Theo số liệu của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 66 làng nghề nông thôn đã được UBND tỉnh công nhận với 31.225 lao động tham gia, tổng doanh thu đạt 678 tỷ đồng được chia thành 4 nhóm chính. Trong đó, có nhóm làng nghề chế biến nông, lâm sản có 35 làng nghề, thu hút 15.192 lao động, doanh thu đạt 216,525 tỷ đồng; nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ, gỗ, mây tre đan có 16 làng nghề, thu hút 11.081 lao động, doanh thu đạt 385,537 tỷ đồng; nhóm làng nghề vật liệu xây dựng, dệt may có 6 làng nghề,  thu hút 2.766 lao động, doanh thu đạt 46,673 tỷ đồng; nhóm làng nghề sinh vật cảnh có 9 làng nghề  với 2.186 lao động, doanh thu đạt 29,265 tỷ đồng. Hoạt động của các làng nghề được duy trì và phát triển tương đối ổn định. Một số làng nghề đã nắm bắt được thị hiếu của thị trường và có xu hướng phát triển mạnh. Các làng nghề đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở nông thôn, nhất là lao động trong thời gian nông nhàn, tạo ra các sản phẩm hàng hóa thiết yếu, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới.
 

Tuy nhiên, việc phát triển các làng nghề cũng gặp không ít khó khăn như: Biến động lao động làng nghề, công tác đào tạo tay nghề và đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm còn quá nhỏ hẹp, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc và quảng bá sản phẩm, hệ thống các ngành sản xuất hỗ trợ, nhất là trong các khâu sản xuất, khai thác và xử lý nguyên vật liệu phục vụ cho các loại ngành nghề dù đã được tăng cường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng để phát triển làng nghề còn thấp. Cơ chế quản lý và hoạt động sản xuất cũng theo kiểu tự phát nên các hộ làm nghề trong làng nghề chưa có sự gắn kết, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh hiệu quả chưa cao.
 
Phát triển làng nghề nông thôn là một trong những nội dung lớn của tỉnh nói chung và của các huyện, thành, thị nói riêng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH gắn với xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, để phát huy thế mạnh các làng nghề, các cấp, các ngành liên quan cần có nhiều chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư về hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh các chương trình khuyến công, chú trọng đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động trong mối tương quan với điều kiện cụ thể của địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng khảo sát hoạt động sản xuất và nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển của làng nghề tiểu thủ công nghiệp, kịp thời hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở được vay vốn để phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, có thị trường tiêu thụ. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm và hình ảnh làng nghề gắn với các nông thôn, phối hợp với tỉnh và các tổ chức quốc tế tiến hành lồng ghép thực hiện các kế hoạch phát triển làng nghề cho địa phương. Từng bước triển khai xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, phát triển mạng lưới giao thông. Hỗ trợ các làng nghề tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh để trưng bày và giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
 
Hy vọng rằng, với tiềm năng thế mạnh sẵn có của các làng nghề cùng sự đầu tư đúng hướng, những chính sách phù hợp sát thực tiễn, các làng nghề trên địa bàn tỉnh sẽ vượt qua được khó khăn thách thức hiện nay góp phần đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích theo đúng lộ trình.
 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top