Những người gắn kết "Mạch yêu thương"

Thứ hai, 17/06/2013 15:13

Bạn đã từng gọi điện cho người thân và gia đình nhưng đáp trả lại là tiếng tút tút và báo mạng bận, hoặc đang có việc quan trọng nhưng điện thoại lại mất sóng; bạn đang truy cập vào một website tìm kiếm thông tin, dữ liệu mình cần nhưng lại bị mất mạng; bạn đang xem dở bộ phim mình ưa thích thì lại mất tín hiệu đường truyền… Để khắc phục những sự cố này, không thể thiếu vai trò của đội ngũ cán bộ kỹ thuật các doanh nghiệp viễn thông nói riêng, cán bộ kỹ thuật ngành Thông tin và truyền thông nói chung. Những năm qua, nhằm đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc và cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tiện tích tốt nhất, cán bộ ngành Thông tin và truyền thông luôn nỗ lực, không quản ngại khó khăn, gian khổ, làm việc không kể ngày nghỉ hay dịp lễ tết...

img

Ảnh minh họa

“Ngủ ngày, cày đêm”

Có thể nói công việc của Đặng Xuân Toàn, Trưởng ban truyền dẫn mạng, Chi nhánh Viettel Vĩnh Phúc là như thế bởi với nhiệm vụ quản lý hệ thống cáp quang, viba, BTS, quản lý thiết bị đầu cuối...phải làm ban đêm vì khi đó hầu hết mọi người đều đã ngủ, tần suất liên lạc ít và không bị gián đoạn. Có thể kể một ví dụ khá thú vị về công việc của anh, sau một tháng thực hiện kế hoạch tối ưu trong sáng mạng truyền dẫn của đơn vị, làm việc, sinh hoạt theo chế độ ngày ngủ, đêm thức, khi đi làm trở lại, phải mất 1 tuần, đồng hồ sinh học trong cơ thể mới trở lại bình thường.
 
Sinh năm 1980 tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, sau khi tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, năm 2007, Toàn đầu quân vào Viettel Vĩnh Phúc. Là cán bộ kỹ thuật của một doanh nghiệp viễn thông, công việc vất vả và khá áp lực. Còn nhớ đêm giao thừa Tết Canh Dần 2010, xảy ra sự cố trạm 100 ở huyện Sông Lô bị mất luồng do thiết bị truyền dẫn, anh cùng các cán bộ kỹ thuật lên đường đi ứng cứu. 23h15 lên đến nơi thì trạm tự khôi phục được, phát sóng trở lại, mấy anh em quay trở về đúng thời điểm thành phố Vĩnh Yên đón giao thừa. Được chứng kiến màn pháo hoa rực rỡ, ai cũng tiếc vì không về nhà kịp đón năm mới cùng gia đình nhưng cũng vui vì sự cố đã được khắc phục kịp thời, bảo đảm liên lạc đêm cuối năm. Rồi Tết Tân Mão 2011, nhận định trước lượng người đổ về xem bắn pháo hoa ở khu vực vườn hoa Vĩnh Yên đông, điện thoại sử dụng nhiều dẫn đến lưu lượng tăng, các trạm BTS ở khu vực trung tâm không bảo đảm phục vụ sinh ra hiện tượng nghẽn mạng, Chi nhánh đã khẩn trương triển khai tổ phát sóng cơ động; đến 22h30 đêm 30 Tết mới hoàn thành, anh cùng đồng nghiệp vội vã trở về nhà đón năm mới.
 
Toàn tâm sự: “Để đảm bảo thông tin liên lạc là việc không đơn giản, có rất nhiều lỗi gây gián đoạn như đứt cáp quang, hỏng thiết bị, mưa gió làm lệch hướng tuyến viba...Mỗi tình huống đòi hỏi cách xử trí khác nhau nhưng tựu chung lại đều cần sự nỗ lực vượt khó, kiên trì và tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Toàn nhớ như in lần đi ứng cứu sự cố đứt cáp quang tại huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Mặc dù cáp đứt không thuộc đơn vị anh quản lý nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống. Trời mưa phùn, 5 anh em đi bộ hơn 2 cây số đến tận 3 giờ sáng mới tìm thấy điểm đứt; 2 người che áo mưa, 2 người hàn đến 4h30 mới xong, tiến hành treo cáp. “Đến lúc đó, tổ ứng cứu đơn vị bạn từ Hà Nội mới về được đến nơi; những lời cảm ơn chân thành của họ khiến chúng tôi quên đi giá lạnh, cảm thấy trong lòng vui, ấm áp vì mình làm được một việc có ý nghĩa”.
 
Khó khăn ư? Chuyện nhỏ!
 
Gặp tôi sau chặng đường dài đi xử lý khắc phục sự cố ở Phúc Yên, phủi những hạt mưa còn vương trên chiếc áo khoác dày sụ, anh Nguyễn Văn Kim, Trưởng phòng Quản lý mạng và dịch vụ, Viễn thông Vĩnh Phúc cười nói: “Mình đi hướng dẫn kỹ thuật cho mấy cậu mới vào làm. May quá, hôm nay sự cố không phức tạp lắm, giải quyết xong sớm, nếu không mưa rét thế này thật vất vả cho anh em”. 15 năm trong nghề, anh Kim là cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm, có nhiều đóng góp cho sự ổn định và phát triển của Viễn thông tỉnh hiện nay. Từ việc trực tiếp tham gia việc lắp đặt tổng đài hosting Vĩnh Phúc khi mới tách tỉnh; khắc phục sự cố Y2K năm 2000; bổ sung thêm một số mới vào đầu số cố định; anh cũng là một trong những cán bộ nòng cốt thường trực, sẵn sàng tham gia giải quyết những sự cố bất ngờ, góp phần đảm bảo thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh.
 
“Có rất nhiều kỷ niệm trong những lần đi ứng cứu của tôi nhưng tôi nhớ nhất là sự cố tổng đài Liễn Sơn bị hỏng cạc. Ngay trong đêm, chúng tôi lên kiểm tra, rà soát đến 3 giờ sáng mới về; đến Vĩnh Yên lại nhận được tin tổng đài lỗi, vậy là quay ngược trở lại; đến 6 giờ sáng, sự cố được khắc phục hoàn toàn. Anh em ai cũng mệt nhoài sau một đêm vất vả, tranh thủ ngủ trên xe để về kịp đi làm buổi sáng. Hay như sáng mùng 1 Tết Tân Mão, Trạm viễn thông Quang Hà - nơi bảo đảm thông tin toàn bộ khu vực phía bắc huyện Bình Xuyên và một phần của huyện Tam Đảo bị đứt thiết bị truyền dẫn quang và cáp quang tại khu vực hồ Đại Lải, từ sáng sớm, anh em đã triển khai chia làm hai tổ đi ứng cứu sự cố. Một tổ đi rà soát chỗ đứt, tổ còn lại thay thiết bị. Ai cũng cố gắng, nỗ lực giải quyết vấn đề, đến 11h thì xong, hoàn thành công việc trước thời hạn, chúng tôi rất vui bởi đã bắt đầu năm mới một cách thắng lợi như thế”.
 
Anh Kim kể: “Ngày trước di động còn chưa phổ biến, người dân chủ yếu dùng điện thoại cố định; vào dịp nghỉ lễ, nghỉ tết, hiện tượng nghẽn mạng thường xuyên xảy ra; cán bộ kỹ thuật Viễn thông tỉnh phải túc trực tăng kênh, tăng luồng chống nghẽn mạch; có khi trong đêm vẫn phải lên những huyện miền núi như Sông Lô, Lập Thạch sửa chữa. Bây giờ công nghệ hiện đại, hệ thống cáp quang đồng bộ nên cũng đỡ vất vả nhưng phạm vi rộng, nhiều khi đi xử lý sự cố cũng gặp nhiều khó khăn”. Khi tôi hỏi: “Anh đi suốt như thế chị nhà có hiểu và thông cảm cho không”, anh Kim cười cho biết: “Vợ mình làm giáo viên trường Chuyên Vĩnh Phúc. Ngay từ hồi mới yêu nhau cô ấy đã biết công việc mình làm và đã vài lần bị lỡ hẹn vì mình phải đi ứng cứu đột xuất. Bây giờ đã có hai con rồi, cô ấy đã quá quen với những tiếng chuông điện thoại đêm, với việc chồng rời nhà bất kỳ lúc nào và hơn cả, cô ấy luôn chia sẻ, động viên với công việc mà mình đang làm”.
 
Người tổ trưởng nhiệt tình, gương mẫu
 
Năm 2009, khi Cổng Thông tin Giao tiếp điện tử tách thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, Vũ Vương Toàn được giao nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật Cổng. Để đảm bảo duy trì hoạt động 24/7, Cổng đã thành lập tổ trực kỹ thuật và anh được phân công làm là tổ trưởng. Trước kia, Cổng Thông tin chạy công nghệ cũ Uportal trên nền Java thì việc xuất hiện lỗi thường xuyên xảy ra khiến người trực và người phụ trách kỹ thuật  nhiều phen vất vả. Toàn đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu, sửa chữa và khắc phục những sự cố đó kịp thời, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao... Dù là trưa hay tối, ngày nghỉ hay ngày lễ, tết, khi có sự cố, anh đều phối hợp với các thành viên nhanh chóng khắc phục. Có những sự cố có thể xử lý, hướng dẫn từ xa nhưng có những sự cố anh phải trực tiếp đến cơ quan. Nửa năm nay, Cổng vận hành phiên bản mới với công nghệ Sharepoint 2010 của Microsoft, vượt qua những khó khăn ban đầu trong việc tiếp cận, anh và các cán bộ kỹ thuật của Cổng đã dần làm chủ công nghệ và từng bước hoàn thành yêu cầu quản trị website của mình. Mỗi đợt nghỉ Tết, ngoài việc phân công ca trực khoa học, công bằng, anh đều nhận phần trực đêm giao thừa về mình vì một lý do đơn giản: “Ngày nghỉ, mọi người gia đình được sum họp, mình là người phụ trách phải gương mẫu và nhường cho anh em những phút giây hạnh phúc đó. Mình sẽ được nghỉ bù vào những ngày khác”.
 
Hàng đêm, khi mọi người đã say ngủ, những cán bộ kỹ thuật Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử lại túc trực bảo đảm thông tin. Tất cả những sự cố dù là nhỏ nhưng đều ảnh hưởng lớn đến an toàn, an ninh thông tin của Cổng. Và khi có sự cố gây khó khăn cho người trực, thì Toàn là người đầu tiên nhận thông tin và ngay lập tức có mặt. Còn nhớ năm 2010, một trận mưa lớn đã gây tràn nước vào phòng máy chủ, mặc dù lượng nước không nhiều nhưng nếu không giải quyết nhanh sẽ có tác động xấu đối với hệ thống máy chủ của đơn vị. Mặc dù trời mưa, đêm đã khuya, song chỉ sau ít phút, Toàn đã cùng cán bộ trực chuyển máy lên cao, xử lý chỗ tràn. Lần khác, khi cơ quan mất điện một ngày, để duy trì hoạt động của Cổng phải sử dụng máy phát điện, mặc dù vào ngày nghỉ và không đúng phiên trực, anh vẫn lên trực cùng anh em chạy máy nổ, test hệ thống.
 
Không chỉ đảm bảo kỹ thuật cho Cổng Thông tin, Vũ Vương Toàn cùng các đồng nghiệp trong phòng thường xuyên hỗ trợ kĩ thuật cho các phòng chuyên môn cùng đơn vị; cho các đơn vị vận hành Cổng thành phần; triển khai phầm mềm diệt virus và bảo mật cho server phòng máy chủ và máy trạm của Cổng; thiết kế các chuyên mục tuyên truyền các sự kiện, ngày lễ lớn của tỉnh, các ngành trong tỉnh.
Nguyễn Vinh Quang
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top