Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp cần bước đi chắc chắn hơn

Thứ năm, 27/10/2022 02:45

Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng để đi đúng hướng ngành nông nghiệp cần có những bước đi chắc chắn hơn.

2710h8.jpg

Phải giải được bài toán kết nối

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã được ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan, nhưng để đi đúng hướng vẫn cần có những bước đi chắc chắn hơn.

 

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo 3 trụ cột: Bộ NN&PTNT số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số.

Bộ lấy ngày 19/8 hàng năm là ngày chuyển đổi số trong nông nghiệp. Cùng với đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng đề án chuyển đổi số NN&PTNT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm 2022, Bộ lựa chọn lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi là hai lĩnh vực ưu tiên triển khai sớm.

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được nhiều địa phương quan tâm triển khai. Tại TP Hà Nội đã triển khai được một số nội dung như về truy xuất nguồn gốc. Đồng thời phối hợp và triển khai theo các cấp độ với các doanh nghiệp để minh bạch các sản phẩm với mã QR. Ngoài ra, Hà Nội đẩy mạnh kết hợp với các tỉnh khác trên cơ sở hệ thống này để quản lý về mặt chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Cùng với đó, thành phố đã hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về đất. Gần như tất cả các cơ sở dữ liệu về đất, sức khỏe về đất, thực trạng, thành phần về đất đã được cập nhật về hiện trạng trên cơ sở bản đồ số. Ngoài ra, thành phố đã hợp tác với các cơ quan, đơn vị kinh tế số để triển khai thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch như: Vỏ sò, sendo,…

Tại Quảng Nam, nông nghiệp đã trở thành 1 trong 5 ngành được tỉnh chọn triển khai chuyển đổi số trong giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, đối với đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, Quảng Nam đã đưa lên 2 sàn: Vỏ sò với 104 sản phẩm; Postmart với 109 sản phẩm,…

Qua thời gian thực hiện chuyển đổi số, ngành nông nghiệp đã xác định được những yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số. Đó chính là việc kết nối giữa các đơn vị với nhau, gồm: kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và thị trường; kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quan lý nhà nước với thị trường.

Cụ thể, Chính phủ quản lý về sản xuất, hỗ trợ về chính sách và cập nhật, phân tích, định hướng, dự báo thị trường. Trong khi đó, doanh nghiệp cần về kế hoạch sản xuất, vùng sản xuất, quản lý tổ chức sản xuất, khuyến nông, tín dụng thời tiết, sâu bệnh và thị trường vật tư nông sản, dán nhãn, truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần các thông tin về kế hoạch thu mua sản phẩm, thị trường, sản lượng, truy xuất nguồn gốc, hệ thống chế biến, hệ thống đóng gói, hệ thống vận chuyển,...

Đối với người nông dân, cần thông tin về quy trình kỹ thuật, quản lý vườn trồng, thị trường vật tư nông nghiệp, thông tin thị trường, thiên tai, dịch bệnh, thông tin chính sách hỗ trợ sản xuất và quy trình thu hoạch. Và điều quan trọng nhất trong chuyển đổi số là người nông dân phản ánh được tình hình và được tiếp nhận tư vấn trực tuyến.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương và người nông dân vẫn đang còn rất thiếu thông tin về việc triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đòi hỏi cần được định hướng trong thời gian tới.

Phải đi từng bước chắc chắn

Việc chuyển đổi số ngành nông nghiệp rất cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Điều này tạo ra cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức khi sản phẩm nông nghiệp Việt phải cạnh tranh với nhiều loại nông sản của các nước khác có nền nông nghiệp tiên tiến. Cùng với đó, việc thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân để phù hợp với chương trình chuyển đổi số cũng là những thách thức không nhỏ.

 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, chuyển đổi số là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu “ Người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất”. Bộ NN&PTNT đã đưa chuyển đổi số vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch – trách nhiệm – bền vững”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là để giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hoà nhịp xu thế phát triển. Đây chính là giá trị lớn mà chuyển đổi số mang lại.

Do đó, để triển khai hiệu quả, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, mỗi bước đi chuyển đổi số trong nông nghiệp cần thận trọng. Chuyển đổi số cần được làm ngay nhưng phải từng bước và chắc chắn. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh “tham lam” để rồi quá tải và lạc hướng.

Vì vậy, cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuyển nhận thức thành hành động cụ thể. Ngoài ra, công tác tham mưu xây dựng các chiến lược, kế hoạch, định hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn dài hạn và hàng năm là công tác rất quan trọng để góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, vai trò của chuyển đổi số trong nông nghiệp, mở ra 3 xu thế. Thứ nhất là bỏ qua khâu trung gian, đó chính là sàn thương mại điện tử. Trong năm 2021, Bộ đã chỉ đạo phát triển nhanh và mạnh 2 sàn thương mại điện tử Việt Nam dành cho bà con nông dân gồm: post mart và vỏ sò. Thứ hai là phi tập trung hóa, giúp cho từng hộ nông dân tiếp cận thông tin, công nghệ như một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp số cung cấp công nghệ, thông tin như là dịch vụ theo yêu cầu cho các hộ với giá phù hợp. Thứ ba, chuyển đổi số sẽ tạo ra xu thế phi vật thể hóa. Từ đó, chuyển đổi số sẽ giúp hình thành số hóa đất đai, môi trường,…

Theo đó, năm 2022 sẽ có 9 nền tảng số dành cho ngành nông nghiệp. Cụ thể như: nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản, nền tảng sàn thương mại điện tử nông nghiệp,…

Vì vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bộ NN&PTNT cần có kế hoạch riêng cho chuyển đổi số năm 2022. Đồng thời, Bộ cần nhanh chóng phát triển trang web để trao đổi kinh nghiệm trong chuyển đổi số trong và ngoài nước. Thực tế, chuyển đổi số sẽ góp phần giải quyết những bài toán lớn của ngành nông nghiệp như về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thu nhập thấp.

Như vậy ngành nông nghiệp cần kiện toàn bộ phận về công tác truyền thông để tiếp nhận phản hồi của người dân và doanh nghiệp về công tác chuyển đổi số nhằm đã đạt được một số kết quả khả quan hơn.

 

theochuyenrangtamnhin.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top