Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ bảy, ngày 03/06/2023

TIN TỨC

Tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

10/07/2015 09:10 SA Xem cỡ chữ
(Mic.gov.vn) - 
Đầu năm 2014, kế hoạch hành động thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” chính thức được Phú Thọ triển khai trong toàn tỉnh nhằm tổ chức lại sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập cho người nông dân, qua đó thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Đây cũng là một trong những tiêu chí đặt ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp luôn được tỉnh ta triển khai gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường xúc tiến thương mại.

Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đặt nông dân vào vị trí trung tâm và có vai trò chủ đạo. Nhiều nguồn vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao cho nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất. Từ đầu năm 2015 đến nay, tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho trên 14,3 nghìn lượt cán bộ khuyến nông cấp huyện, cấp cơ sở và người nôngdân về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... Từ đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới.
 
Cụ thể, hằng năm đã lựa chọn được các giống có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện khí hậu và điều kiện canh tác của từng vùng để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh. Trong đó, diện tích lúa lai đạt trên 50% diện tích gieo cấy. Diện tích ngô lai chiếm tới 98%, diện tích chè giống mới đạt 71% diện tích chè hiện có; các giống sắn mới, cao sản được mở rộng sản xuất. Toàn tỉnh đã tập trung phát triển 25 vùng sản xuất lúa tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Cơ cấu mùa vụ được chuyển dịch theo hướng mở rộng trà xuân muộn, mùa sớm, mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, tăng diện tích gieo cấy lúa cải tiến SRI, gieo sạ, mạ ném; tiến hành chuyển đổi hơn 800ha diện tích lúa cao hạn sang trồng các cây màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 5-15%. Các biện pháp tổng hợp khôi phục, phát triển, nâng cao chất lượng mẫu mã bưởi đặc sản tiếp tục được phổ biến, nhân rộng và cho hiệu quả rõ rệt. Sản phẩm nông nghiệp an toàn ngày càng được quan tâm, đặc biệt là chè và rau. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng được công nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 47ha. Về lâm nghiệp, 67% diện tích rừng trồng sử dụng giống keo hạt ngoại, công nghệ sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng biện pháp giâm hom, nuôi cấy mô được sử dụng rộng rãi.
 
Trong chăn nuôi, hiện nay, tỷ lệ bò lai chiếm 65% tổng đàn, lợn lai chiếm trên 90% tổng đàn. Các giống vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao dần được phổ biến ở các địa phương; công tác lai tạo, cải tạo đàn gia súc được áp dụng rộng rãi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, đảm bảo chất lượng và tỷ lệ thụ thai cao. Các phương pháp ủ chua, sử dụng men sinh học chế biến thức ăn dự trữ trong mùa khô và mùa đông ngày càng áp dụng rộng rãi, tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học và hầm biogas được mở rộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí chất đốt trong sinh hoạt, cung cấp phân bón hữu cơ chất lượng tốt cho trồng trọt, hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững. Việc nghiên cứu thử nghiệm các giống thủy sản mới đã đem lại những hiệu quả ban đầu, cơ cấu giống thủy sản đặc sản và các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao chiếm khoảng 35% cơ cấu giống. Các mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng VietGAP, nuôi cá tầm nước lạnh, nuôi cá lăng… cho kết quả khả quan. Nhiều biện pháp nuôi thâm canh, sử dụng thức ăn hỗn hợp, nuôi cá trong lồng trên sông được áp dụng ở một số vùng trọng điểm của các huyện như Cẩm Khê, Thanh Thủy, Tam Nông… cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt.
 
Các mô hình sản xuất mới gắn với khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đã nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, cải thiện thu nhập và phát huy sức sáng tạo của người dân, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới.
 
Tăng cường xúc tiến thương mại
 
Việc đưa doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn có rất nhiều ý nghĩa đặc biệt đối với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Để thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, tỉnh ta đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nhằm mục đích “kéo” các nhà đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đóng góp vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát và xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015 - 2020; tham mưu ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư; cơ chế lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để thực hiện chương trình. Theo đó, các lĩnh vực sản xuất sản phẩm đặc thù được hỗ trợ bao gồm: trồng cây dược liệu, rau, củ, quả; chăn nuôi lợn thịt, lợn giống, gà giống, bò thịt; nuôi trồng thủy sản tập trung, nuôi cá lồng, hồ chứa thủy lơi, chế biến gỗ rừng; chế biến chè; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.
 
Như vậy, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ miễn, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ thuê đất, thuê mặt nước; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ quá trình đền bù giải phóng mặt bằng; đầu tư cơ sở giết mổ và chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây dược liệu, nuôi trồng thủy sản, chế biến gỗ, nông sản và hỗ trợ sản xuất lúa giống... Nhờ đó, không chỉ số lượng doanh nghiệp đầu tư gia tăng mà chất lượng đầu tư ở khu vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn cũng được cải thiện đáng kể. Hàng loạt các dự án được xúc tiến đầu tư như: Dự án chăn nuôi bò sữa, sản xuất gà, lợn giống, chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, dự án chế biến nông sản xuất khẩu, chế biến gỗ xuất khẩu… Bước đầu đã có một số doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất chế biến chè, rau quả… Nhờ vậy nhiều sản phẩm đã ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, tỉnh còn ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khuyến khích các hình thức liên minh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, phòng chống thiên tai... Tổng vốn đầu tư phát triển trong năm 2014 đạt 1.253 tỷ đồng.
 
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các chính sách hỗ trợ đặc thù đang mở ra những cơ hội phát triển, chuyển biến đáng kể trong hoạt động đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, là “chìa khóa” để khai thác tiềm năng, nâng cao hiệu quả, góp phần tạo cơ hội và môi trường tốt để người nông dân thích nghi với lối tư duy công nghiệp, tạo đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn bền vững.
 
Vớisự quan tâm đầu tư về nhiều mặt trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sau hơn 1 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, giảm nghèo bền vững, góp phần thay đổi diện mạo của các địa phương trong toàn tỉnh.
 

Khánh Trang

Lượt truy cập: 1979

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)