Bắc Kạn với hoạt động đưa thông tin về cơ sở

Thứ hai, 08/04/2013 10:14

Đưa thông tin về cơ sở có vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của mỗi địa phương, nhất là đối với các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất và con người để thực hiện nhiệm vụ này tại Bắc Kạn còn gặp rất nhiều khó khăn.

img
Bắc Kạn đẩy mạnh đưa thông tin về cơ sở (đồng bào vùng cao huyện Pác Nặm theo dõi thông tin của Đài tiếng nói Việt Nam)
 

Truyền thông cơ sở - khó khăn về vật chất, yếu về nhân lực

Đến nay, trên địa bàn tỉnh, 100% số xã thu được tín hiệu đài Tiếng nói Việt Nam; 100% số xã thu được tín hiệu của Đài Truyền hình Việt Nam; 99,1% số xã đã có Báo Nhân dân đến trong ngày. Tuy nhiên, do kinh tế còn khó khăn, mức sống người dân ở nông thôn thấp nên việc đưa thông tin về cơ sở còn hạn chế, điều kiện thông tin không đảm bảo thường xuyên và kịp thời.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình mục tiêu, dự án phát triển hệ thống thông tin cơ sở đã được triển khai đưa vào sử dụng, trong đó có truyền thanh cấp xã. Cùng với sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống đài phát sóng phát thanh, truyền hình, truyền thanh không dây phường, xã, thị trấn đã góp phần tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyết định của chính quyền địa phương có liên quan mật thiết đến người dân ở cơ sở. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 115/122 xã có trạm truyền thanh, trong đó có 51 trạm truyền thanh hữu tuyến, 64 trạm truyền thanh không dây và 07 xã, phường không có trạm truyền thanh. Hầu hết trang thiết bị của mỗi trạm truyền thanh không dây cấp xã được đầu tư từ năm 2002 đến nay với các thiết bị cơ bản gồm: 01 máy phát thanh FM công suất từ 100w đến 150w, 20 bộ thu tín hiệu truyền thanh không dây, 40 loa nén 25w - 16Ω, 01 hệ thống thu tín hiệu phát thanh, 01 hệ thống cột ăng ten phát sóng cao từ 15 đến 18m và một số thiết bị khác. Tổng giá trị đầu tư mỗi trạm truyền thanh không dây cấp xã là từ 120 triệu đến 150 triệu đồng. Đối với trạm truyền thanh hữu tuyến, các trạm này được trang bị từ năm 2000, đến nay với hệ thống thiết bị cơ bản gồm 01 máy tăng âm công suất từ 300w đến 500w, 10 bộ loa truyền thanh 25w - 16Ω, 3000 mét đường dây và một số thiết bị khác. Tổng giá trị đầu tư mỗi trạm truyền thanh hữu tuyến cấp xã là từ 30 triệu đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của các đài, trạm truyền thanh cơ sở từ huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn hiện có nhiều bất cập.

Đồng chí Hoàng Thành Kính - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn cho biết: Hiện nay, đa số trạm truyền thanh xã hoạt động cầm chừng và không hiệu quả. Qua nhiều năm hoạt động, máy móc, thiết bị đã xuống cấp, việc đầu tư để nâng cấp gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp không đảm bảo cho yêu cầu mua sắm mới các phương tiện kỹ thuật nên các Trạm truyền thanh hoạt động không thường xuyên. Đội ngũ cán bộ chuyên môn về thông tin vừa thiếu, vừa yếu về nghiệp vụ. Các xã chưa có điều kiện áp dụng chính sách đối với cán bộ, nhân viên hoạt động tại các Trạm truyền thanh, phần lớn được phân công kiêm nhiệm, không chuyên trách nên chất lượng hoạt động còn hạn chế… Do đó, công tác tuyên truyền, đưa thông tin về cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa chưa kịp thời.

Ngoài ra, thiết bị cho đội thông tin lưu động của các huyện, thị xã hiện rất thiếu thốn, chưa có thiết bị cần thiết phục vụ tác nghiệp. Một số xã chưa có máy vi tính cho cán bộ sử dụng. Hiện trên địa bàn tỉnh, cấp huyện có 08 phòng Văn hoá và Thông tin thì chỉ có 01 cán bộ có trình độ Đại học công nghệ thông tin, số còn lại đều kiêm nhiệm công tác thông tin truyền thông. Cán bộ làm công tác truyền thanh tại cấp xã đa số chưa qua đào tạo nghiệp vụ, kỹ thuật phát thanh. Phụ cấp cho cán bộ truyền thanh xã mới chỉ được hưởng là 0,7 mức lương tối thiểu/người/tháng...

Thực trạng trên cho thấy, việc đầu tư cơ sở vật chất để phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin cơ sở ở vùng sâu, vùng xa hiện là một nhu cầu cấp thiết đối với địa phương, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân về thông tin, tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật và văn hóa mà còn góp phần có hiệu quả vào công tác quản lý, điều hành của chính quyền, góp phần đấu tranh với các luận điệu sai trái, tiêu cực xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn dân cư.

Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng truyền thông cơ sở

Để nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông ở cơ sở và thực hiện Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 13/5/2011 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” giai đoạn 2011 - 2015, đến hết năm 2012, Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ Truyền thanh cơ sở cho các đối tượng: Cán bộ Đài Truyền thanh - Truyền hình, Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện; cán bộ văn hóa - xã hội và cán bộ phụ trách Trạm Truyền thanh cấp xã. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện đĩa CD các làn điệu dân ca Tày Bắc Kạn cung cấp cho các trạm truyền thanh xã, các trạm truyền thanh thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Cuốn sách dành cho cán bộ thông tin truyền thông cơ sở cũng được biên tập xuất bản và phát hành tới các cán bộ phụ trách thông tin truyền thông ở cấp cơ sở. Năm 2012, Bắc Kạn cũng đã thực hiện Dự án 3 “Tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở vùng sân vùng xa” trên địa bàn 116 xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Với nguồn vốn đầu tư 250 triệu đồng, Bắc Kạn đã tổ chức sản xuất phim tài liệu “Bản sắc văn hóa các dân tộc Bắc Kạn” để in sao thành đĩa VCD phát hành đến các xã, đồng thời hỗ trợ phát sóng chương trình phát thanh - truyền hình do các cơ quan Trung ương cấp để phục vụ đồng bào miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.

Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở vùng sâu, vùng xa hiện nay vừa có tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Vì vậy, trong thời gian tiếp theo, Bắc Kạn tiếp tục phấn đấu: Phát triển nguồn nhân lực thông tin cơ sở, đảm bảo 100% cán bộ thông tin cơ sở thuộc đối tượng của Chương trình được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ thông tin tuyên tuyền và ứng dụng kỹ thuật trong hoạt động thông tin truyền thông cơ sở; nâng cao diện phủ sóng và chất lượng sóng phát thanh, truyền hình; tăng cường cơ sở vật chất hệ thống Đài truyền thanh cơ sở, đảm bảo 100% xã có đài truyền thanh FM công suất 100w - 300w; thiết lập mới trạm truyền thanh thôn; cung cấp nội dung thông tin cho đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho việc tiếp cận kịp thời được các thông tin kinh tế - xã hội và đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua các sản phẩm báo chí, ấn phẩm truyền thông, xuất bản phẩm, thông tin điện tử./.
 

Theo Cổng TTĐT Bắc Kạn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top