Đánh giá về hiệu quả sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 1956, ông Nguyễn Văn Bon - Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cho biết: Ngay từ khi có Quyết định 1956 của Thủ tướng và Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai các bước thực hiện Đề án, cụ thể: tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở LĐ – TBXH tỉnh làm Phó ban Thường trực và các thành viên là Sở Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh, Ngân hàng Chính sách và các cơ quan có liên quan… Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 100% huyện, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp huyện và 199/199 xã/phường thành lập Tổ chỉ đạo 1956, các tổ đều có quy chế hoạt động.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các dự án và phương án triển khai thực hiện đề án đến năm 2020, đưa nội dung đào tạo nghề cho lao động nông của tỉnh theo Quyết định 1956 vào trong Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ giai đoạn 2011 -2015; ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo của Đảng trong việc triển khai thực hiện đề án 1956 của tỉnh. Huy động thêm sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức hội nghị quán triệt Quyết định 1956. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, điều tra nhu cầu học nghề và sử dụng lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh, từ đó có cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ đề án trên địa bàn toàn tỉnh.
Trên cơ sở các Quyết định và Chỉ thị của UNBD tỉnh, Sở LĐ – TBXH Long An đã nhanh chóng tổ chức hội nghị triển khai, điều tra, khảo sát thí điểm về nhu cầu học nghề của lao động nông thôn cũng như nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo kế hoạch hàng năm cho địa phương trong tỉnh.
Hàng năm căn cứ vào chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp tỉnh và nhu cầu đăng ký cần đào tạo nghề cho lao động nông thôn của địa phương ( cấp xã), Phòng lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với phòng nông nghiệp nông thôn ( hoặc phòng kinh tế) các huyện, thị xã và thành phố tổng hợp và lập danh sách về nghề, số lượng lao động cần đào tạo, dự kiến kinh phí cần đào tạo và phương án giải quyết việc làm sau đào tạo, hiệu quả học nghề...
Kết quả qua 5 năm thực hiện Quyết định 1956, công tác tuyên truyền vận động học nghề bước đầu đã nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người lao động về vai trò của dạy nghề cho lao động nông thôn đối với sự phát triển nguồn nhân lực nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá về việc triển khai đề án dạy nghề đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức các cấp ủy Đảng, chính quền, đoàn thể và nhân dân.
Đồng thời, huy động được các cơ sở dạy nghề, các đơn vị doanh nghiệp, các sở, ngành, hợp tác xã xã đăng ký tham gia dạy nghề gắn với giải quyết việc làm hoặc tăng thu nhập sau học nghề đạt 86,68%. Các chương trình đào tạo nghề cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của người lao động trong việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nuôi trồng, chuyển đổi nghề nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của địa phương...
Nhờ thực hiện tốt công tác tổ chức, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Quyết định 1956), trong 5 năm qua, Long An đã xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả như: Mô hình dạy nghề may công nghiệp thu hút 180 học viên của cơ sở may Đức Ngọc, mô hình đan giỏ nhựa cho hơn 2.000 lao động của cơ sở Anh Hậu tại xã Phước Đông (huyện Cần Đước), mô hình học hàn, điện, sửa chữa thiết bị may (ở huyện Bến Lức, Đức Hòa) đã giải quyết cho hàng ngàn lao động nông thôn tại địa phương và vùng nguyên liệu tại chỗ. Ngoài ra, các mô hình được đánh giá là khá phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của từng địa phương và đang được nhân rộng…
Bên Cạnh đó, trong 5 năm qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Long An còn tích cực phối hợp với các cơ sở dạy nghề để xây dựng được 136 chương trình dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động nông thôn. Trong đó, chương trình dạy nghề cho nông nghiệp có 46 nghề và 90 nghề phi nông nghiệp. Trong năm 2013 – 2014, tỉnh đã tiến hành xây dựng lại 50 chương trình đào tạo ( 20 chương trình dạy nghề nông nghiệp và 30 chương trình phi nông nghiệp).
Việc điều chỉnh các chương trình dạy nghề, thời gian đào tạo đã giúp cho các cơ sở dạy nghề thực hiện thuận lợi trong vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu người học, theo từng đối tượng các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, trong các lĩnh vực này, tỉnh chú trọng đến những nghề có thế mạnh, truyền thống của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tạo việc làm sau đào tạo.
Qua 5 năm (2010 -2014) triển khai thực hiện Quyết định 1956, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 31.372 người (13.979 nữ). Trong đó, lao động học nghề phi nông nghiệp là 10.526 người ( chiếm 33,55%), lao động học nghề nông nghiệp là 20.810 người (chiếm 66,45%). Số người lao động sau khi học nghề được giới thiệu việc làm và tìm được việc làm đạt trên 86,68%, đặc biệt là có một số mô hình dạy nghề còn đạt 100 % tỷ lệ lao động có việc làm.
Riêng năm 2014, tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 là 5.852 lao động ( 2.336 nữ), trong đó lao động nông học nghề phi nông nghiệp là 1.751 người chiếm 29,92%, lao động học nghề phi nông nghiệp 4.101 người ( chiếm 70,08%). Số lao động học nghề xong là 5.675 người, số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 5.158 người ( được tuyển dụng ngay sau khi học nghề là 233 người, được bao tiêu sản phẩm 1.052 người, tự tạo việc làm bằng hình thức nuôi trồng tăng năng suất cây trồng, vật nuôi hoạc tự tạo việc làm có thu nhập cao là 3.799 người), số lao động học nghề thuộc hộ thoát nghèo là 91 người và trở thành hộ khá là 442 lao động...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một số ít địa phương chưa nắm bắt được hết các yêu cầu, nhiệm vụ của đề án nên chưa đề ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu người học và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Đồng thời, một số bộ phận nhân dân và thanh niên chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng trong công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, tạo nhu nhập ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình nên chưa tích cực tham gia học nghề. Mặt khác, trong giai đoạn đầu mới triển khai thực hiện đề án, một số nghề đào tạo chưa bám sát với nhu cầu và điều kiện của người học, chưa phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và chưa gắn với giải quyết việc làm sau học nghề. Ngoài ra, trong những năm đầu triển khai đề án, sự phối hợp giữa các các địa phương và ban ngành cũng như các cơ sở dạy nghề trong việc tổ chức đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn chưa chặt chẽ nên chất lượng đào tạo ở một số lớp dạy nghề chưa hiệu quả...
Để thực hiện công tác dạy nghề nói chung và công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách Đề án Quyết định 1956 đạt được hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh trong thời gian tới, tỉnh Long An đề ra mục tiêu và giải pháp thực hiện trong năm 2015 và 5 năm (2016 – 2020) là phấn đấu đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho khoảng 35.000 người; đào tạo và bồi dưỡng 10.000 cán bộ, công chức xã phường; Bồi dương, đào tạo nghiệp vụ sư hạm nghề cho giáo viên dạy nghề, kỹ năng nghề, cán bộ quản lý dạy nghề cho 250 người trong năm 2015 và 1000 người trong 5 năm (2026 -2020) lượt người. Xây dựng 25 nghề đào tạo cho lao động nông thôn được rà soát, cập nhật, phê duyệt trong danh mục năm 2015; 20 chương trình, học liệu dạy nghề ( nông nghiệp, phi nông nghiệp) được chỉnh sửa, hoàn thiện và phê duyệt thực hiện thống nhất trong địa phương năm 2015, dự kiến 5 năm ( 2016 – 2020) 60 chương trình, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2015 đạt 40% (trong đó qua đào tạo nghề 34%) và đến năm 2020 đạt trên 53% (trong đó qua đào tạo nghề 44%).