(Mic.gov.vn) -
Từ năm 2010 đến nay, với những nỗ lực của các cơ sở đào tạo và các địa phương trong công tác dạy nghề, số người được đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt 78.700 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đạt 83%. Tuy vậy, để hoạt động đào tạo nghề gắn chặt hơn nữa với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc nâng cao, đổi mới phương pháp giáo dục và đầu tư thêm các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy nghề sát với thực tiễn là yêu cầu đặt ra với các cơ sở dạy nghề hiện nay.
Hiện nay, toàn tỉnh có 52 cơ sở đào tạo nghề do Trung ương và địa phương quản lý, góp phần đáng kể vào việc cung ứng nguồn nhân lực cho địa phương. Xác định tầm quan trọng này, tỉnh Khánh Hòa đã không ngừng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề với những cơ chế thông thoáng, thuận lợi. Chính vì vậy, hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo nghề ở Khánh Hòa đã chú trọng đổi mới chương trình phù hợp với thực tiễn, nhu cầu của các doanh nghiệp; tăng cường thêm các giờ học thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp, thường xuyên cập nhật các thông tin nghề nghiệp, tư vấn việc làm để học viên có thể tìm được nghề phù hợp với mình.
Thầy giáo Lương Công Vũ – Trường Trung cấp nghề Ninh Hòa cho biết nhà trường đã đầu tư cho các em rất nhiều về lĩnh vực dạy nghề. Hiện tại, nhà trường đã mua sắm đầy đủ các trang thiết bị để phục vụ việc học nghề của các em. Đồng thời, cũng nâng cao chất lượng giáo viên, tạo điều kiện cho các giáo viên đi học hỏi.
Anh Trần Huỳnh Cảnh – Công nhân nhà máy đóng tàu Huyndai Vinashin chia sẻ anh là cựu sinh viên trường Trung cấp Ninh Hòa, niên khóa 2007-2010, hệ vừa học văn hóa vừa học nghề. Sau đó học liên thông lên trường trung cấp nghề Ninh Hòa và sau khi ra trường được tạo điều kiện, anh đã có một công việc tại công ty đóng tàu Huyndai Vinashin với mức thu nhập ổn định.
Không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề ở Khánh Hòa thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những kết quả bước đầu để đưa chiến lược đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực đạt hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp và đơn vị đào tạo cho rằng cần phải có những thay đổi đột phá trong phương thức đào tạo nguồn nhân lực của các trường hiện nay. Bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở đào tạo nghề đón đầu, cung ứng cho các DN thì việc mời gọi các DN tham gia vào dự án đào tạo nghề cho người lao động cũng cần được quan tâm thực hiện. Có như vậy, mới thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đồng hành cùng Nhà nước trong sự nghiệp trồng người.
Ông Mai Xuân Trí – Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết trong việc đổi mới các phương pháp đối với các trường dạy nghề trung cấp, cao đẳng thì đã có một lộ trình kết nối với các DN để xây dựng chương trình phù hợp với điều kiện yêu cầu của DN. Trong đó, hầu hết các DN đều là nơi mà các trường, cơ sở dạy nghề chọn làm nơi thực hành. Bên cạnh đó, cũng luôn đổi mới để DN được tham gia vào chương trình giảng dạy của từng nghề, điều này góp phần vào việc sau khi đào tạo ra họ có thể nhận và giải quyết việc làm ngay được.
Năm 2015, các trường đặt mục tiêu đào tạo nghề cho hơn 7.000 người với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng. Cho nên trong thời gian tới, công tác đào tạo nghề sẽ tập trung thực hiện với phương châm “Chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”./.