(Mic.gov.vn) -
Nhân lực là nguồn lực quan trọng có tính quyết định trong sự tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, từ năm 2011-2014, tỉnh Bắc Ninh giải quyết việc làm cho 105.252 lao động và đào tạo theo chương trình khuyến công, đề án 1956 hàng chục nghìn lao động nông thôn, các làng nghề.
Việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm góp phần hạ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 3,25%, đồng thời từng bước nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, việc thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu phát triển nhân lực đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng trên 3 yếu tố: Sức khỏe, kỹ năng nghề và đạo đức, được cơ cấu hợp lý gắn với giải quyết việc làm, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trong những năm qua tỉnh sâu sát chỉ đạo các ngành thường xuyên tổ chức khảo sát, thống kê lực lượng lao động và nhu cầu lao động để có cơ sở mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với đòi hỏi của thị trường lao động. Đồng thời quy hoạch mạng lưới dạy nghề với 50 cơ sở đào tạo, trong đó có 26 cơ sở ngoài công lập. Số cơ sở dạy nghề tăng hàng năm cùng với việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, quy mô đào tạo, vấn đề tuyển sinh học nghề ngày càng được quan tâm đúng với nhu cầu của người lao động và yêu cầu thực tế, qua đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57% và đào tạo nghề là 42%.
Trường Cao đẳng nghề kinh tế-kỹ thuật Bắc Ninh là một trong những cơ sở đào tạo khá bài bản. Năm học 2013-2014 trường tuyển và đào tạo 486 học sinh, cuối năm có 468 em tốt nghiệp với 60,2% khá, giỏi. Nhà trường liên kết với Trung tâm giới thiệu việc làm, các KCN tập trung và một số doanh nghiệp trong tỉnh để đào tạo theo địa chỉ và nâng cao chất lượng đào tạo dạy nghề theo nhu cầu doanh nghiệp. Kết quả học tập của sinh viên được các đơn vị tiếp nhận đánh giá cao, hơn 70% sinh viên đã có việc làm sau tốt nghiệp.
Riêng khu vực lao động nông thôn, cùng với nguồn hỗ trợ T.Ư, tỉnh huy động nhiều nguồn lực, tạo điều kiện mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dạy nghề. Qua công tác khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn hiện xác định được 42 nghề cơ bản, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế ở từng địa phương bao gồm các nhóm nghề: nông-ngư nghiệp; công nghiệp-TTCN, xây dựng; thương mại, dịch vụ... Từ đó triển khai các mô hình dạy nghề thí điểm, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các đoàn thể xã hội giúp việc đào tạo nghề phủ rộng tới tận thôn, làng và cho nhiều đối tượng khác nhau.
Công tác đào tạo nghề của tỉnh đang được triển khai theo hướng đa dạng các loại hình, các ngành nghề đào tạo: Dạy nghề tại cộng đồng gắn với nhu cầu việc làm; liên kết với trường dạy nghề để đào tạo liên thông; liên kết với doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đào tạo nghề và tạo việc làm theo địa chỉ; có chế độ khuyến khích người học từng bước nâng cao trình độ lao động. Nhiều trường đào tạo nghề mở hệ cao đẳng và liên thông đại học. Một cách đào tạo khác là nhân cấy nghề mới với phương thức kết hợp Nhà nước-doanh nghiệp-người lao động, dạy nghề, giải quyết việc làm lao động nông thôn gắn liền với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm có sự tác động của cơ quan quản lý Nhà nước với các nghề thêu, mộc dân dụng, may công nghiệp, cơ khí... tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động.
Có thể khẳng định, chưa có thời kỳ nào Nhà nước lại quan tâm đến vấn đề dạy nghề như hiện nay. Hàng loạt các đề án dạy nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề mới được triển khai đồng loạt và sâu rộng đến nhiều đối tượng như nông dân, phụ nữ, thanh niên... với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi giúp người dân có thêm nghề mới, nâng cao thu nhập ổn định đời sống.
Bắc Ninh là một trong những địa phương đang khai thác tốt các lợi thế về nguồn nhân lực. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực của tỉnh như đổi mới nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý Nhà nước; hoàn thiện hệ thống chính sách và có ưu đãi cho về sử dụng đất, giảm tiền thuê đất, vay vốn đối với việc đầu tư xây dựng các cơ sở phát triển nguồn nhân lực; liên kết với nhiều tỉnh bạn để mở rộng cung ứng và tiếp nhận lao động; xây dựng chính sách tạo việc làm, nhà ở, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân các KCN tập trung; tích cực đầu tư phát triển hệ thống các trường, trung tâm đào tạo nghề từ mặt bằng, trang thiết bị dạy và học, đặc biệt là đội ngũ giáo viên giảng dạy được quan tâm bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện, đạt chuẩn về trình độ đứng tốp đầu khu vực đồng bằng Bắc Bộ là yếu tố then chốt trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cung cấp cho các doanh nghiệp đầu tư tại địa phương và các vùng lân cận.