Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với sản xuất

Thứ ba, 05/05/2015 09:56

Theo các chuyên gia, trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ở phần dạy lý thuyết cần phải định tính, định lượng cụ thể để bà con dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm… “Nếu như các cơ sở đào tạo vẫn dạy theo hình thức cũ, lý thuyết nhiều hơn thực hành, bài giảng dài lằng nhằng thì người lao động sau khi học xong cũng như “nước đổ lá môn”, không nhớ gì hết...

img

 Hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng cà phê.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn là việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động.

Trên thực tế, để triển khai chất lượng lao động nông thôn, từ năm 2010 đến nay, tỉnh ta đã triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn được phân chia ra làm 2 lĩnh vực, đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Theo đó, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 9.400 lao động ở cả hai lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, nhưng chủ yếu là nông nghiệp.
 
Trên lĩnh vực nghề nông nghiệp, các nghề sau khi học, người lao động thường được ứng dụng vào sản xuất là nghề cạo mủ cao su; trồng và chăm sóc cà phê; thu hái, chế biến cà phê; trồng cây lương thực, thực phẩm. Trên lĩnh vực phi nông nghiệp, các nghề sau khi học, người lao động thường có việc làm là nghề vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp; thợ nề. Còn nhiều nghề khác như nghề dệt thổ cẩm, may mặc, sửa xe máy…sau khi học, người lao động ít theo nghề và khó sống bằng nghề. Nguyên nhân như nghề dệt thổ cẩm, việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất khó khăn; nghề may mặc thì ở tỉnh ít có những cơ sở lớn thu hút lao động; nghề sửa xe máy thì nhiều người không đủ lực để mở tiệm, còn xin vào làm ở các cơ sở sửa chữa xe máy cũng không phải dễ…
 
Ngay cả việc đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, làm sao để người lao động, nhất là lao động là đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng vào sản xuất một cách hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng không phải dễ. Theo nhiều chuyên gia, muốn làm tốt điều này, các cơ sở đào tạo nghề phải có những giảng viên có nhiều kinh nghiệm, có nhiệt huyết, có tâm với người lao động và phải biết đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với đặc tính của đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như các cơ sở đào tạo vẫn dạy theo hình thức cũ, lý thuyết nhiều hơn thực hành, bài giảng dài lằng nhằng thì người lao động sau khi học xong cũng như “nước đổ lá môn”, không nhớ gì hết.
 
Việc dạy nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đòi hỏi giảng viên phải cụ thể hóa, cô đọng lý thuyết, không dùng từ trừu tượng và dành nhiều thời gian cho thực hành. Ví dụ như việc đào tạo nghề cho người dân trồng cà phê, ở phần lý thuyết dạy bà con phải đào hố trồng cà phê sâu 30 cm thì giảng viên phải nói khoảng gần 3 gang tay (đo non gang tay 3 lần) thì bà con sẽ dễ hiểu hơn là 30 cm. Sau phần lý thuyết là đến ngay phần thực hành, hướng dẫn từng người đào hố, để lâu bà con sẽ quên. Theo các chuyên gia, trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ở phần dạy lý thuyết cần phải định tính, định lượng cụ thể để bà con dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm.
 
Ở lĩnh vực phi nông nghiệp, việc đào tạo nghề đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải khảo sát kỹ thị trường lao động, việc đầu ra cho sản phẩm, không thể tùy tiện. Nếu như việc đào tao đó sau khi học nghề, người lao động không tìm kiếm được việc làm, không tạo ra được sản phẩm cho xã hội, không góp phần nâng cao đời sống cho gia đình thì việc đào tạo đó vừa gây lãng phí tiền của Nhà nước và mất công sức của người lao động.
 
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong công cuộc xây dựng NTM là hết sức cần thiết, nhưng việc đào tạo đó phải hữu dụng để tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top