Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: còn nhiều gian nan

Thứ ba, 07/10/2014 13:11

Là một xã thuần nông nên bà con nông dân ở đây quanh năm với cây lúa, con gà, ao cá, việc đưa nội dung đào tạo cần đúng với yêu cầu hiện tại của bà con ngoài ra còn cần bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến kiến thức khoa học, kỹ thuật, môi trường…

img
Người nông dân rạng rỡ với vụ mùa bội thu - Ảnh Thái Hưng

Chúng tôi về Xã Phú Lương – Lương Tài – Bắc Ninh vào đầu tháng 10, mặc dù cuối mùa thu nhưng thời tiết còn nắng gắt như đổ lửa. Đầu mùa gặt, màu vàng của lúa chín nhuộm khắp cánh đồng, những nụ cười của người nông dân rạng rỡ trong mùa thu hoạch cũng phần nào xua bớt đi cái nóng bức và ngột ngạt như mùa hè.

Xã Phú Lương là một xã thuần nông phát triển kinh tế chủ yếu là cấy lúa và nuôi trồng thủy sản với số lượng nhân khẩu khoảng 4.000 người có diện tích khoảng 520 ha với khoảng 220 ha trồng lúa. Nuôi trồng thủy sản hiện nay là mô hình tương đối hiệu quả với diện tích khoảng 120-122 ha. Về chăn nuôi gia súc gia cầm, tổng đàn trâu bò hơn 200 con, lợn khoảng hơn 1000 con… Xã không có nghề truyền thống, nghề phụ phát triển không đáng kể, dịch vụ thương mại còn nhiều hạn chế cả xã có khoảng 110 hộ kinh doanh lớn nhỏ…

* Khó khăn trong việc đào tạo nghề

Trao đổi với  ông Vũ Văn Tiệp - Phó chủ tịch UBND Xã Phú Lương (người ngồi bên phải ảnh) - Ảnh Thái Hưng

Qua trao đổi, Ông Vũ Văn Tiệp – Phó chủ tịch UBND Xã Phú Lương cho biết chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề cho nông thôn theo đề án 1956 ở đây chỉ mới có hiệu quả khoảng 55-60% vì chưa thực sự đúng và trúng với nhu cầu của bà con. Một số  nội dung mà xã thấy cần thiết khi đề xuất lên huyện nhưng chưa được chấp nhận trong khi đó một số chương trình đào tạo đưa về xã lại không được bà con nhiệt tình hưởng ứng.

Để giải quyết thực trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nước ta, ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg  phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956). Đối tượng của Đề án này là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên đào tạo nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người thuộc diện có đất thu hồi…

Theo báo cáo từ tổng kết 6 tháng đầu năm 2014 của UBND xã, Trung tâm giáo dục cộng đồng của xã từng bước hoạt động có chất lượng, trung tâm đã phối hợp với một số ngành chuyên môn của huyện và trung tâm dạy nghề huyện mở một số lớp đào tạo kiến thức cho nhân dân, đến nay xã có 25% hộ nông dân có chứng chỉ nghề.

Là một xã thuần nông nên bà con nông dân ở đây quanh năm với cây lúa, con gà, ao cá, việc đưa nội dung đào tạo cần đúng với yêu cầu hiện tại của bà con ngoài ra còn cần bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến kiến thức khoa học, kỹ thuật, môi trường…

Mặt khác, nguồn kinh phí cho nội dung đào tạo nghề còn hạn chế, mô hình đào tạo còn nhỏ lẻ, hàng năm xã có mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn như: Nuôi trồng nấm rơm, chăm sóc cây lúa, nuôi trồng thủy sản, chăm sóc hoa, cây cảnh… thời gian học ngắn hạn từ 7-8 buổi, 1 tháng và 3 tháng. Đối với một số chương trình, dự án: thường có đông học viên tham gia học tập hơn do có kinh phí còn những chương trình đào tạo khác có ít học viên tham gia. Thêm nữa do nguồn kinh phí hạn chế nên xã cũng phải chọn lựa, khống chế đối tượng đi học, một số hộ nghèo đã tham gia đi học lần 1 không được đi học lần 2…

* Chưa mạnh dạn trong thực hiện thay đổi cách nghĩ, cách làm

Có lẽ do độ tuổi lao động tại xã chỉ khoảng 20-25%, chủ yếu là những người trung niên nên cách nghĩ, cách làm còn chưa thực sự mạnh dạn.

Là xã giáp ranh với tỉnh Hải Dương là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy nên đã thu hút một lượng lớn thanh niên tại xã sang làm việc tại đây. Các công nhân ở các khu công nghiệp có mức thu nhập khá ổn định và nhiều hơn khi làm ở nhà nên họ không còn muốn về quê làm nông nghiệp nữa. Ở lại nhà chủ yếu là những người không còn trẻ với độ tuổi trên dưới 50 nên cũng ngại thay đổi. Mặc dù quanh năm vất vả nhưng họ đã quen với công việc, quen với cách sống thường ngày nên những cái mới mẻ rất khó làm cho họ hưởng ứng.

Một số hộ dân đã tham gia các lớp học mô hình như trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh nhưng có lẽ do chưa chuyên sâu nên chỉ ứng dụng một hai vụ thấy không hiệu quả nên không tiếp tục làm. Một số hộ khác đã thực hiện trồng nấm thành công nhưng do nguồn kinh phí hạn chế nên mô hình cũng chỉ dừng lại ở mức độ đáp ứng nhu cầu của gia đình…

Trao đổi với anh Phạm Hồng Quang về kinh nghiệm nghề cá - ảnh Thái Hưng

Anh Phạm Hồng Quang sinh năm 1967 là bộ đội xuất ngũ, một người nông dân tại thôn Phú Lâu, xã Phú Lương lại tự xây dựng mô hình của mình chủ yếu theo hướng nuôi cá và nuôi bò sinh sản. Trung bình một năm với 1,3 mẫu ruộng cấy lúa một năm 2 vụ, một lứa cá, một lứa bê cũng đủ để trang trải cho 4 người trong nhà và một con gái đang theo học đại học ở Hà Nội... Anh tâm sự: “Nếu bình thường thì không sao chứ ví dụ gặp phải sự cố  như gần đây có công ty Tung Kuang huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương làm nhôm thanh định hình đổ nước thải công nghiệp không qua xử lý ra sông Ghẽ làm ô nhiễm nguồn nước cá chết hàng loạt gây thiệt hại lớn nhiều gia đình nuôi thủy sản ở gần sông đến kỳ thu hoạch cá mất trắng cả chì lẫn chài… mà chả biết kêu ai?! ”. Kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản cũng như trồng hoa màu của anh Quang chủ yếu là do kinh nghiệm bản thân và học hỏi anh em, bạn bè, anh cũng ít tiếp xúc với tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các lớp đào tạo nên việc ứng dụng vào thực tế cũng không nhiều đó chính là thực trạng của một số hộ dân ở đây.

Và mong muốn…

Trao đổi với anh Quang về đề án chương trình mục tiêu quốc ga về việc làm và dạy nghề 1956, anh nhận xét đề án còn chưa đem lại hiệu quả cao đối với người dân, thỉnh thoảng anh Quang cũng có nghe thông báo đăng ký học nhưng do hoàn cảnh gia đình tại thời điểm đó bận nên bản thân anh cũng chưa có điều kiện tham gia lớp học. Anh mong muốn ngoài việc học hỏi  kinh nghiệm lẫn nhau, huyện và xã có thể tuyên truyền, phổ biến thông qua đài truyền thanh xã, in ấn tài liệu hướng dẫn cụ thể gửi đến người dân, giúp cho người dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp tại quê nhà.

Anh Phạm Hồng Quang chăm sóc cá tại ao của gia đình - ảnh Thái Hưng

Đối với xã Phú Lương, ông Tiệp mong muốn tỉnh và huyện quan tâm nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu thực tế của người dân địa phương để đi đến quyết định mở lớp đào tạo cho bà con, hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo nghề gắn kết với công việc hàng ngày của người nông dân, có những đánh giá ở tầm vĩ mô từ tỉnh cân nhắc, tính toán cụ thể để đảm bảo rằng nội dung đào tạo là hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn, rút ra những hạn chế và mở rộng mô hình đào tạo nghề hiệu quả tại Xã Phú Lương nói riêng và các xã khác thuộc tỉnh nói chung.

Tỉnh Bắc Ninh và xã Phú Lương – huyện Lương Tài cần quan tâm nhiều hơn đến đường xá giao thông tại xã, hiện tại đường trong xã là đường nhỏ mới chỉ lưu thông bằng các phương tiện giao thông nhỏ. Muốn mở rộng, phát triển các mô hình sản xuất cần quy hoạch mở rộng đường sao cho giao thông thuận lợi người dân và có khả năng kết nối xã với các địa bàn lân cận…

Chia tay với xã Phú Lương chúng tôi hy vọng những mong muốn lãnh đạo chính quyền và người dân ở đây trở thành hiện thực để lần tới chúng tôi trở lại được thấy những đổi thay ở nơi đây.

Bài: Tiến Thắng; Ảnh: Thái Hưng
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top