Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Cách làm thiết thực, hiệu quả rõ rệt

Thứ ba, 26/08/2014 08:36

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956), với mục tiêu nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động vùng nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế... trong những năm qua, công tác này đã được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện với những giải pháp chủ động và hiệu quả. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho LĐNT, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

img

Nhiều lao động nông thôn qua đào tạo nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định. Trong ảnh: Sản xuất gốm tại Nhà máy gốm Quang, huyện Đông Triều.

Từ các giải pháp đồng bộ

Triển khai Đề án 1956, bám sát điều kiện thực tế địa phương, các cấp, ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho LĐNT, giúp người dân hiểu ý nghĩa, sự cần thiết của việc đào tạo, học nghề. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã phân cấp rõ trách nhiệm từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Trong đó, việc định hướng đào tạo nghề, lựa chọn ngành nghề đào tạo là trách nhiệm của cấp huyện và cấp xã, còn cấp tỉnh chịu trách nhiệm giám sát, hướng dẫn, kiểm tra. Cụ thể, các địa phương trong tỉnh tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT và nhu cầu sử dụng lao động ở các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Các địa phương cũng chủ động linh hoạt trong việc lựa chọn ngành nghề, trên cơ sở bám sát điều kiện, thế mạnh của mỗi địa phương, như: Trồng cây ba kích, trồng rừng, thanh long ruột đỏ ở Ba Chẽ; nuôi cá nước ngọt, làm miến dong ở Bình Liêu; sản xuất gốm sứ ở Đông Triều… Qua đó, Sở LĐ-TB&XH tổng hợp, xây dựng Đề án của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt, lựa chọn các cơ sở dạy nghề đủ điều kiện để thực hiện dạy nghề cho LĐNT. Với cách làm này, việc dạy nghề đã gắn sát với nhu cầu học nghề, cơ cấu việc làm và đặc điểm kinh tế của mỗi địa phương; tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao chất lượng dạy nghề và hiệu quả việc làm cho người nông dân sau đào tạo. Theo thống kê, đến nay các địa phương đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề tại 123.052 hộ gia đình và nhu cầu sử dụng lao động ở 1.636 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đã xác định danh mục 144 nghề theo nhu cầu đào tạo của LĐNT.

Cùng với đó, để tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân yên tâm học nghề, tỉnh thực hiện hỗ trợ kinh phí học nghề, chi phí ăn, đi lại cho LĐNT tham gia học nghề. Trong 4 năm (2010-2013) toàn tỉnh đã trích ngân sách hỗ trợ trên 36 tỷ đồng cho 15.923 LĐNT tham gia học nghề. Bên cạnh đó, công tác phát triển, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề cũng được tỉnh quan tâm. Trong những năm qua, các cơ quan chuyên môn đã tăng cường kiểm tra, đánh giá đội ngũ này, từ đó xác định kế hoạch đào tạo, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu nghề; huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư… tham gia dạy nghề cho LĐNT. Từ khi triển khai thực hiện Đề án 1956 đến nay, tỉnh đã tổ chức 6 lớp sư phạm dạy nghề và kỹ năng dạy học cho 182 giáo viên, người dạy nghề; trong đó đào tạo nghiệp vụ sư phạm nghề 77 người, bồi dưỡng kỹ năng dạy học 105 người.

Đến những kết quả tích cực

Thông qua các lớp học nghề, nông dân được trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu. Đồng thời, góp phần giải quyết được nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, từng bước đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Các nghề đào tạo chủ yếu: Sản xuất gốm, vật liệu xây dựng, đan mây tre, móc chỉ, móc sợi, nấu ăn; trồng hoa, trồng nấm; kỹ thuật chăn nuôi, nuôi cá, tôm... Một số mô hình đào tạo nghề mang tính chất đặc thù phát huy hiệu quả, như: Đào tạo nghề cho ngư dân (điều khiển phương tiện; sửa chữa máy móc, động cơ tàu thuyền…); đào tạo nghề cho người khuyết tật (nghề may dân dụng)…

Anh Nguyễn Văn Tuấn (thôn Xích Thổ, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ) được theo học lớp chuyển giao mô hình nuôi cá nước ngọt, đã áp dụng hiệu quả vào mô hình nuôi cá của gia đình; với gần 1ha ao nuôi, lợi nhuận mang lại cả chục triệu đồng/vụ. Chị Hoàng Thị Nguyên (khu 2, thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều) đã được nhận vào làm việc tại Nhà máy gốm Quang, chia sẻ: “Qua đào tạo nghề, chúng tôi đã được tiếp cận với ngành nghề mới; sau khoá học còn được tạo điều kiện làm việc ngay tại địa phương. Trước đây kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào việc cấy hái từ 3 sào ruộng, giờ tôi đã có nghề trong tay, thu nhập ổn định hơn…”.

Trong 4 năm (2010-2013), toàn tỉnh có 15.923 LĐNT được đào tạo nghề; trong đó 12.623 người có việc làm sau đào tạo nghề (đạt 81,03%). Các địa phương có tỉ lệ LĐNT có việc làm sau đào tạo nghề cao là: Đông Triều (100%), Hải Hà (100%), Móng Cái (99,8%), Hoành Bồ (91,8%)… Theo đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh tăng khá nhanh qua các năm: Năm 2005 là 33%, đến năm 2011 là 51% và hiện là 58,9%. Mặt khác, qua học nghề đã giúp nông dân tiếp cận với các ngành nghề mới, thêm cơ hội có việc làm, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay có 192 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo; 515 hộ có người tham gia học nghề trở thành hộ khá; trên 2.000 LĐNT sau khi học nghề đã chuyển sang làm lĩnh vực phi nông nghiệp. Theo đó, cơ cấu lao động trong nhóm ngành công nghiệp - dịch vụ của tỉnh tăng lên 58,09%; còn lại là nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp.

Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; làm tốt công tác khảo sát nhu cầu học nghề; hoàn thiện, nhân rộng các mô hình đã thí điểm có hiệu quả, nghiên cứu xây dựng mô hình mới dạy nghề theo đơn đặt hàng; phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu về đào tạo nghề của LĐNT. Các địa phương tăng cường công tác tư vấn học nghề và việc làm, gắn kết với doanh nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động, khuyến khích LĐNT tự tạo việc làm…
 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top