63 Trung tâm Khuyến nông tỉnh/thành phố phải là 63 cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp đạt tiêu chuẩn

Thứ ba, 22/04/2014 14:37

Tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2012-2013 và kế hoạch triển khai năm 2014 diễn ra chiều ngày 17/4/2014, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo, 63 Trung tâm Khuyến nông tỉnh/thành phố phải là 63 cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp đạt tiêu chuẩn.

img

Bộ trưởng Cao Đức Phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Hệ thống khuyến nông với công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

Thực tế, hơn 20 năm qua kể từ ngày thành lập (1993) hệ thống Khuyến nông Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện cho người sản xuất về chính sách, pháp luật; tập huấn, truyền nghề cho nông dân về kỹ năng sản xuất, tổ chức, quản lý sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ kinh doanh trong các lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp, thuỷ nông, cơ điện nông nghiệp, ngành nghề nông thôn...). Do vậy đã hình thành được đội ngũ cán bộ khuyến nông huấn luyện nông dân thành thạo. Đội ngũ cán bộ khuyến nông này thường xuyên được bồi dưỡng hàng năm để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, năm 2010, Bộ đã giao cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng và triển khai Đề án “Thí điểm mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) tại 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới”. Kết quả, tại 11 xã điểm đã tổ chức đào tạo 33 lớp, trong đó có 17 lớp chuyên ngành trồng trọt; 1 lớp chuyên ngành cơ khí nông nghiệp; 4 lớp chuyên ngành thuỷ sản và 11 lớp chuyên ngành chăn nuôi, với tổng số 975 lao động nông thôn tham gia học nghề.

Trong 2 năm 2012-2013, Bộ tiếp tục giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thí điểm triển khai các mô hình dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT để làm việc cho các doanh nghiệp thuộc các tổng công ty và các xã xây dựng nông thôn mới. Trong 2 năm đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho 4.275 lao động và đã có 4.226 lao động có việc làm (chiếm 98,8%), trong đó có 506 lao động được một số doanh nghiệp tuyển dụng (chiếm 11,8%), số lao động còn lại chủ yếu làm việc tại các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, sản xuất hàng hóa để cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy.

Lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho cán bộ khuyến nông được tổ chức tại Sóc Trăng.Qua đánh giá cho thấy, các lớp đào tạo đều tập trung trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo nhu cầu của địa phương, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và quy hoạch phát triển nông nghiệp xã. Nội dung chương trình đào tạo cụ thể, thiết thực với nhu cầu của người dân. Chương trình đào tạo linh hoạt, khoa học, được thiết kế phù hợp với thời gian sinh trưởng của cây, con và phù hợp với điều kiện kinh tế, đối tượng nông dân. Các lớp dạy nghề nông nghiệp đã lấy thực hành là chính, với phương châm “cầm tay, chỉ việc”; giúp người học tiếp cận và làm theo những mô hình, điểm trình diễn đã có. Giáo viên dạy nghề nông nghiệp là người có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và có khả năng thực hành “miệng nói, tay làm”.

Thông qua các lớp đào tạo nghề do hệ thống khuyến nông triển khai đã đảm bảo được nguồn nhân lực có tay nghề, 100% học viên sau đào tạo có thể áp dụng kiến thức học được và thực tế sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đảm bảo chất lượng sản phẩm để bán cho các doanh nghiệp hoặc các thương lái ở chợ đầu mối. Do đối tượng học viên được tuyển chọn đều là những hộ gia đình có ruộng, vườn sản xuất, có ao, chuồng chăn nuôi, nên khi học xong các học viên có thể tự tạo việc làm để tăng thu nhập cho gia đình, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Để chuẩn bị đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị đào tạo kỹ năng dạy nghề cho cán bộ khuyến nông. Tính đến nay đã có gần 4000 cán bộ khuyến nông được đào tạo và được cấp chứng chỉ kỹ năng dạy học trên tổng số gần mười nghìn cán bộ khuyến nông có trình độ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, khuyến lâm, khuyến công, kinh tế nông nghiệp. Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc mở 10 lớp kỹ năng dạy học cho 300 cán bộ khuyến nông. Các cán bộ khuyến nông này sẽ là nguồn nhân lực tích cực tham gia giảng dạy cho các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ.

Vướng mắc khi đăng ký cơ sở đào tạo nghề

Ts Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh/TP đã xây dựng và trình đề án về cơ sở dạy nghề với Sở Lao động TBXH tỉnh nhưng quy trình thẩm định rất chậm. Hàng năm hệ thống khuyến nông đã triển khai hàng nghìn điểm trình diễn về sản xuất nông nghiệp bằng nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương (chưa kể kinh phí khuyến nông địa phương). Đây là hiện trường cũng chính là các lớp học thực tế để phục vụ cho hoạt động đào tạo huấn luyện nông dân. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành khuyến nông chủ yếu là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nông nghiệp cho nông dân, thời gian tập huấn ngắn nên khó có thể xây dựng được cơ sở đào tạo tập trung bao gồm đầy đủ các mô hình. Ngoài ra, một số Trung tâm Khuyến nông chưa chủ động cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho nông dân sau đào tạo (mua phôi chứng chỉ sơ cấp nghề của Sở Lao động TBXH). Một số Trung tâm Khuyến nông khác cũng nhận thấy cơ chế giải ngân khó, thủ tục hành chính phức tạp nên cán bộ khuyến nông thích đi dạy hơn là đứng ra tổ chức lớp. Do vậy tính đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 25/63 đơn vị được trực tiếp triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Tập trung hỗ trợ để nâng cấp Trung tâm Khuyến nông tỉnh/TP trở thành cơ sở dạy nghề nông nghiệp đạt tiêu chuẩn

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo thời gian tới sẽ yêu cầu UBND các tỉnh/TP đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống khuyến nông (nâng cấp Trung tâm Khuyến nông), giúp các Trung tâm Khuyến nông có đủ điều kiện để trở thành cơ sở dạy nghề. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong hai năm, từ 2014-2015, ưu tiên đào tạo cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở, cán bộ thú y, bảo vệ thực vật, thuyền trưởng, máy trưởng,… bởi đây là những hạt nhân kỹ thuật bắt buộc phải đào tạo và cấp chứng chỉ trước khi hành nghề. Đồng thời đào tạo nông dân chủ chốt sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch sản xuất, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận thị trường và phát huy lợi thế của địa phương; Mỗi xã phải chọn ra 1-2 cây con chủ lực, nổi bật; Tập trung nguồn lực (đào tạo, xây dựng mô hình trình diễn,…) để chuyển biến mạnh mẽ về nông nghiệp sản xuất hàng hóa; Coi sản xuất hàng hóa là con đường giúp nông dân thoát nghèo bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục hướng dẫn Trung tâm Khuyến nông các tỉnh/TP xây dựng đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các thủ tục đăng ký cơ sở dạy nghề với Sở Lao động TBXH để trình UBND tỉnh; đồng thời sẽ dành kinh phí khuyến nông thường xuyên tiếp tục đào tạo kỹ năng dạy học cho cán bộ khuyến nông. Tập trung xây dựng mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng chuỗi bao tiêu sản phẩm. Lồng ghép các hoạt động thông tin tuyên truyền thông qua các chương trình truyền thông nông thôn, các hội thi, hội chợ, diễn đàn,… để truyền tải thông tin các văn bản chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề đào tạo nghề, về cơ chế chính sách cho người học nghề… Thông qua đó, người nông dân cũng hiểu được mục tiêu của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia chương trình đào tạo này./.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top