Chủ trương của Đảng, Nhà nước về đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội
Ngày 11/01/1979 Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 14 – NQ/TW để thực hiện cải cách giáo dục lần thứ 3 (bắt đầu từ năm học 1981-1982). Theo đó, một trong những định hướng có tính nguyên lý cho giáo dục đã được xác định là: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động, nhà trường gắn liền với xã hội”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII – Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 4 – Khóa VII về việc tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo và nêu định hướng: “Mở rộng giáo dục nghề nghiệp, từng bước hình thành nền giáo dục kỹ thuật trong xã hội…”.
Điều 3 Luật Giáo dục 2005 khẳng định nguyên lý giáo dục: “Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.
Ngày 09/9/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1230/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008-2015. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Chính phủ tổ chức và chỉ đạo đào tạo theo nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội cho thấy:
- Đào tạo hiện nay đã có những dấu hiệu xa rời bản chất vốn có là đáp ứng nhu cầu xã hội và nhu cầu thị trường lao động;
- Khẳng định tầm quan trọng trong định hướng đổi mới giáo dục và đào tạo nghề là tập trung mọi nỗ lực vào việc đáp ứng nhu cầu xã hội.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 định hướng: “Thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sự dụng lao động, cơ sở đào tạo và nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội”.
Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020 nêu quan điểm: “Đặc biệt, phải chuyển nhanh hệ thống đào tạo nhân lực sang hoạt động theo cơ chế đào tạo theo nhu cầu của xã hội và thị trường lao động, nhất là các ngành trọng điểm”.
Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020 nêu quan điểm: “Phát triển dạy nghề là sự nghiệp và trách nhiệm của toàn xã hội; là một nội dung quan trọng của chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia; đòi hỏi phải có sự tham gia của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ sở dạy nghề, cơ sở sử dụng lao động và người lao động để thực hiện đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động”.
Đáp ứng nhu cầu xã hội là bản chất và định hướng chủ yếu để đổi mới và phát triển dạy nghề trong thời gian tới
Một là: Mối quan hệ giữa đào tạo nghề và nhu cầu xã hội là quan hệ “Cung – Cầu”. Nếu xét mối quan hệ giữa hệ thống kinh tế - xã hội với hệ thống đào tạo nhân lực dễ dàng nhận thấy mối quan hệ đào tạo với nhu cầu xã hội rất chặt chẽ và khăng khít với nhau. Nhiệm vụ chủ yếu của đào tạo nghề là cung cấp nhân lực kỹ thuật trực tiếp cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đội ngũ này phải đáp ứng cả về chất, về lượng cũng như cơ cấu ngành nghề và cơ cấu trình độ phù hợp với yêu cầu tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội của đất nước trong từng giai đoạn. Kinh tế - xã hội càng phát triển thì nhu cầu về lao động có kỹ năng càng tăng, khi đó đào tạo nhân lực càng có điều kiện để phát triển và ngược lại. Do vậy đào tạo nhân lực phải gắn với việc làm . Việc làm trong thị trường lao động là thước đo nhu cầu xã hội. Nếu đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội sẽ ngay lập tức xuất hiện hiện tượng mất cân đối, vừa thừa, vừa thiếu nhân lực như hiện nay. Tuy nhiên mối quan hệ “cung – cầu” này luôn tồn tại dưới dạng “cân bằng động” điều đó cho thấy đào tạo nghề phải linh hoạt, thích ứng với nhu cầu xã hội luôn thay đổi.
Hai là: Quan hệ giữa nhu cầu xã hội thông qua thị trường lao động đối với đào tạo nghề thực chất là mối quan hệ “Khách hàng”.
Để đào tạo nghề thích ứng với nhu cầu xã hội cần xây dựng phương pháp tiếp cận hiệu quả trong đó quan trọng nhất là có sự tham gia của các đối tượng liên quan đến đào tạo nghề bao gồm:
- Cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo nghề (Các cơ sở dạy nghề);
- Cơ sở sử dụng lao động (nhu cầu xã hội mà đại diện là các doanh nghiệp);
- Sản phẩm qua đào tạo (người lao động tốt nghiệp).
Các đối tượng này tạo nên mối quan hệ “Cung - Cầu” và cách tiếp cận này cho phép xác định được những khoảng trống, những điểm nghẽn trong cung – cầu nhân lực qua đào tạo nghề để có giải pháp phù hợp.
Khuyến nghị giải pháp, chính sách phát triển đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội
Để đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội hiệu quả, bền vững cần phải có một hệ thống giải pháp toàn diện và đồng bộ. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến một số giải pháp sau:
1. Đổi mới tư duy, nhận thức về đào tạo nghề
- Đào tạo nghề phải hoạt động trong khuôn khổ thị trường đào tạo, thị trường sức lao động và thị trường việc làm, chịu sự điều tiết của các quy luật của thị trường (quy luật giá trị, quy luật cung cầu và quy luật cạnh tranh). Như vậy đào tạo nghề phải là dịch vụ xã hội và khi đó tự thân trở về với bản chất vốn có là đáp ứng nhu cầu xã hội.
- Đáp ứng nhanh, nhạy, chịu tác động trực tiếp, tức thời của thị trường việc làm, là cách thức hiệu quả để góp phần xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội; đó cũng là nét khác biệt của đào tạo nghề so với các trình độ đào tạo khác.
- Chuyển từ mô hình đào tạo đáp ứng số lượng sang đáp ứng chất lượng và hiệu quả theo nhu cầu xã hội. Chuyển từ hệ thống đào tạo nghề truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ sang đào tạo theo năng lực thực hiện, đào tạo theo chuẩn đầu ra. Thực hiện phân tầng chất lượng đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng công nghệ trong hoạt động sản xuất và dịch vụ…
- Thực hiện phổ cập nghề cho người lao động, tạo cơ hội cho mọi người bình đẳng trong thụ hưởng dịch vụ đào tạo nghề, không bỏ sót bất cứ ai (nhất là thanh niên) có nhu cầu học nghề tìm sinh kế, đào tạo và đào tạo lại nâng cao trình độ, chuyển đổi nghề và thích ứng nghề… trong suốt cuộc đời lao động của họ. Để phổ cập nghề cần xây dựng hệ thống dạy nghề mở, linh hoạt, đa dạng về loại hình cơ sở dạy nghề, đa dạng về loại hình sở hữu, đa dạng về phương thức đào tạo (tập trung, phi tập trung, lưu động, tại doanh nghiệp, tại các làng nghề, tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ…)
- Các đối tác xã hội, khách hàng của đào tạo nghề (Nhà nước, doanh nghiệp, người học…) phải là chủ thể của cả quá trình đào tạo nghề (đầu vào, tổ chức đào tạo và đầu ra), cùng chia sẻ trách nhiệm và chia sẻ quyền lợi khi tham gia các dịch vụ đào tạo nghề.
2. Thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống thông tin về thị trường đào tạo, thị trường lao động và thị trường việc làm
Xây dựng hệ thống thông tin chính xác và tin cậy về nhu cầu việc làm của thị trường lao động, bao gồm: thông tin về doanh nghiệp, về cơ sở dạy nghề (cơ cấu nghề, cơ cấu trình độ, chất lượng đào tạo…), về thị trường việc làm và các dịch vụ đào tạo nghề. Hệ thống thông tin này cung cấp thông tin cho người lao động trong việc lựa chọn các dịch vụ học nghề, tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm. Hệ thống thông tin là cầu nối giữa Cung và Cầu trong thị trường lao động và thị trường đào tạo.
3. Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề đáp ứng nhu cầu xã hội về cơ cấu nghề, cơ cấu trình độ đào tạo và chất lượng đào tạo
Xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực trước mắt và trong tương lai về cơ cấu nghề, cơ cấu trình độ… cho các vùng kinh tế, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, vùng nông thôn, vùng khó khăn; đáp ứng nhu cầu học nghề, phổ cập nghề cho người lao động, nhất là thanh niên và góp phần phân luồng sau Trung học cơ sở và Trung học phổ thông (thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn). Phát triển các cơ sở dạy nghề trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp để vừa đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp vừa tham gia đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Doanh nghiệp có kế hoạch giành nguồn lực, quỹ đất… để phát triển hoặc xây dựng mới cơ sở dạy nghề.
4. Bổ sung danh mục nghề, đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo theo hướng cầu của xã hội
- Hoàn thiện và thường xuyên bổ sung, cập nhật danh mục nghề theo nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành và từng địa phương. Tham chiếu danh mục nghề các nước trong khu vực và các nước phát triển để có thu nhận các chương trình đào tạo một số nghề tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế.
- Xây dựng chương trình đào tạo nghề theo hướng mở (50% cứng theo quy định chung và 50% mềm do cơ sở dạy nghề tự chịu trách nhiệm) để có thể linh hoạt, dành quyền chủ động cho cơ sở dạy nghề điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tính đặc thù về kỹ thuật, công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và yêu cầu của doanh nghiệp. Nghiên cứu chuyển hướng xây dựng chương trình dựa trên năng lực thực hiện và thực hiện nguyên tắc liên thông để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có cơ hội nhanh chóng chuyển đổi nghề nghiệp hoặc tiếp tục nhận dịch vụ đào tạo hoặc tự đào tạo để nâng cao trình độ, thăng tiến trong nghề nghiệp và tăng thu nhập trong suốt cuộc đời lao động của họ.
- Khuyến khích các Hiệp hội nghề nghiệp (thông qua các Hội đồng ngành), các doanh nghiệp, tham gia xác định mục tiêu đào tạo, tổ chức quá trình đào tạo và xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tham gia đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên và hỗ trợ đầu tư trang thiết bị phục vụ cho thực tập của các cơ sở dạy nghề...
5. Hoàn thiện hệ thống chính sách liên kết giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng
Hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm xác định trách nhiệm và khuyến khích tất cả các đối tác liên quan tham gia đầu tư và tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, cụ thể là:
- Chính sách quy định người hành nghề phải có chứng chỉ kỹ năng nghề hoặc chứng chỉ đã qua đào tạo;
- Thành lập Quỹ phát triển dạy nghề từ nhiều nguồn, trong đó đóng góp của doanh nghiệp là chủ yếu và giao cho Hiệp hội của Doanh nghiệp quản lý sử dụng phần đóng góp để hỗ trợ cho các hoạt động đào tạo nghề của doanh nghiệp;
- Chính sách về giao chỉ tiêu đào tạo theo cơ chế đặt hàng, theo địa chỉ, theo hợp đồng (nhu cầu nhân lực của Nhà nước và nhu cầu của doanh nghiệp…);
- Chính sách học phí học bổng, khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp học bổng cho học sinh nghèo;
- Chính sách thu hút chuyên gia giỏi nghề từ các doanh nghiệp tham gia giảng dạy (nhất là thực hành nghề), xây dựng chương trình đào tạo, tư vấn cho cơ sở dạy nghề và phối hợp tham gia nghiên cứu khoa học, cung ứng và sản xuất các mặt hàng theo năng lực của nhà trường và tuân thủ quy định của pháp luật;
- Thiết lập cơ chế quan hệ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp thông qua việc thành lập Phòng Quan hệ với doanh nghiệp của trường, phối hợp với các trung tâm tư vấn, trung tâm hướng nghiệp và trung tâm giới thiệu việc làm.
6. Hoàn thiện chính sách bảo đảm chất lượng đào tạo nghề
Chất lượng đào tạo quyết định sức cạnh tranh của nguồn nhân lực. Chất lượng đào tạo là thương hiệu và sự tồn tại của các cơ sở dạy nghề trong thị trường đào tạo và thị trường việc làm. Bảo đảm chất lượng là bảo đảm quyền lợi cho tất cả các bên khách hàng tham gia hoạt động đào tạo nghề. Vì vậy cần nhanh chóng chuyển từ mô hình đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu về số lượng sang mô hình đáp ứng nhu cầu về chất lượng và hiệu quả. Đột phá về chất lượng là mục tiêu quan trọng nhất để đáp ứng nhu cầu. Hoàn thiện quy trình, hệ thống tiêu chí kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo và cơ sở dạy nghề. Tự kiểm định chất lượng và kiểm định chương trình đào tạo là nội dung chủ yếu của hoạt động kiểm định chất lượng.
- Xây dựng chính sách công nhận, công bố công khai và chính sách khuyến khích các cơ sở dạy nghề đạt chất lượng (ưu tiên trong đầu tư, trong đặt hàng và đấu thầu các hợp đồng đào tạo…)
- Hình thành tổ chức đánh giá độc lập để bảo đảm tính khách quan và bảo vệ quyền lợi cho tất cả các bên tham gia hoạt động đào tạo nghề.
- Thực hiện chính sách phân tầng chất lượng (trong hệ thống có các trường chất lượng cao, các trường trọng điểm, các nghề trọng điểm…) để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động và nhu cầu xã hội.
7. Hoàn thiện chính sách tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia
- Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia là cơ sở để xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nghề cho người lao động thích ứng với các tiêu chuẩn của sản xuất. Đồng thời khuyến khích tạo cơ hội cho người lao động bất cứ ở đâu, bằng hình thức nào đều có thể học nghề, lập nghiệp và tham gia đánh giá kỹ năng nghề để có điều kiện bước vào thị trường lao động.
- Phối hợp với các ngành, Hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp tham gia xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho các nghề đào tạo. Tiêu chuẩn kỹ năng nghề phải tính tới việc công nhận tương đương trong khu vực (chuẩn hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015) và quốc tế để thuận lợi cho việc di chuyển lao động có kỹ năng và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Phát triển trung tâm đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động (trước hết thí điểm tại 3 vùng để rút kinh nghiệm sau đó thành lập một số trung tâm đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, khuyến khích hình thành các trung tâm đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề độc lập tại các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp và của tư nhân). Tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho khách hàng theo hệ thống ngân hàng đề thi bảo đảm sự tiện ích, tính khách quan, công bằng và chính xác.
8. Chính sách xã hội hóa
- Chính sách xã hội hóa phản ánh quá trình mở rộng sự tham gia của các đối tác xã hội với nhiều phương thức (phương pháp, hình thức, biện pháp) và mô hình linh hoạt để chia sẻ trách nhiệm xã hội, cùng với Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xã hội hướng vào mục tiêu phát triển con người và phát triển bền vững đất nước.
- Chính sách xã hội hóa hiệu quả phải đặt trọng tâm vào mở rộng và tăng cường liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và phát triển mạnh các cơ sở dạy nghề tư thục trên cơ sở sân chơi bình đẳng và lành mạnh.
Để gắn kết đào tạo nghề với nhu cầu xã hội và xây dựng hệ thống chính sách có tính khả thi cần quan tâm đến 2 vấn đề quan trọng sau đây:
- Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội (trong đó có chính sách phổ cập nghề cho thanh niên) phải là tâm điểm của chiến lược đổi mới và phát triển dạy nghề bền vững.
Tổ chức quốc tế về giáo dục nghề nghiệp (Univoc thuộc UNESCO) đã khuyến cáo: “Phát triển hệ thống đào tạo nghề nghiệp hiệu quả là tâm điểm của các nỗ lực về cải cách giáo dục”. Phát triển đào tạo nghề hiệu quả phải dựa trên nền tảng đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhu cầu xã hội là mục tiêu và động lực phát triển dạy nghề.
- Các lực lượng xã hội có liên quan phải được xác định là chủ thể khi tham gia các hoạt động đào tạo nghề.
Bản chất của dạy nghề là đáp ứng nhu cầu xã hội, mục tiêu của dạy nghề là cung cấp nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu xã hội hiệu quả và bền vững thì nhân tố con người là yếu tố cơ bản quyết định đến sự thành công thông qua việc xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức quá trình đào tạo. Vì vậy điều quan trọng nhất là: Xây dựng cơ chế, chính sách quy định trách nhiệm, quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng xã hội tham gia với tư cách là chủ thể trong hoạt động đào tạo nghề.