(Mic.gov.vn) -
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ. Nhưng làm thế nào để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch làng nghề vẫn là bài toán khó. Bên cạnh lý do như cơ sở hạ tầng, xúc tiến quảng bá... còn yếu, thì hạn chế nhân lực du lịch làng nghề là một nguyên nhân.

Trình diễn nghề chạm khắc tại Liên hoan Du lịch làng nghề Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng 2013.
Thành phố có 1.350 làng nghề, đứng đầu cả nước về số lượng làng nghề, thu hút tới gần 740 nghìn lao động. Từ lâu, khai thác du lịch làng nghề đã được xem là một hướng phát triển quan trọng, nhất là khi Hà Nội là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước. Tuy nhiên, đến giờ, những địa chỉ du lịch làng nghề vẫn chỉ quanh đi, quẩn lại vài địa danh: gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc... Một số nơi đã được đặt biển hiệu "điểm du lịch làng nghề" như mây tre đan Phú Vinh, thêu Quất Ðộng... hầu như không có khách du lịch đến thăm.
Ðến làng nghề, khách du lịch ăn gì, nghỉ ở đâu là câu chuyện nói mãi, thật sự là một trở ngại lớn. Nhưng ngay cả một số địa phương, điển hình là làng mây tre đan Phú Vinh, mặc dù bước đầu đã được đầu tư cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông, nhà triển lãm, nhưng nhiều năm qua khách du lịch vẫn "vắng như chùa Bà Ðanh". Tại cuộc Toạ đàm về "Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch làng nghề, phố nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng" sáng 9-10 trong khuôn khổ Liên hoan Du lịch làng nghề Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng 2013, nhiều chuyên gia đã nhận định: Vấn đề của du lịch làng nghề Hà Nội không chỉ nằm ở hạ tầng, mà "nút thắt" chính là con người trong phát triển làng nghề. Người dân ở các làng nghề chủ yếu là nông dân, khả năng giao tiếp kém. Sản phẩm làm ra rất đẹp, rất hay, có ý nghĩa, nhưng họ không biết làm thế nào truyền tải nội dung đó đến với khách tham quan, kết quả là không thể bán được hàng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu (Vụ Ðào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, TP Hà Nội cần phải xác định rõ, sẽ đào tạo ai, đào tạo gì cho nhân lực du lịch làng nghề, bởi đây là lĩnh vực có nhiều yếu tố đặc thù. Theo tiến sĩ Lưu, nên tập trung đào tạo nghiệp vụ du lịch với hai đối tượng: nhân lực quản lý điều hành kinh doanh tại làng nghề và cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch. Ðối với đội ngũ nhân lực du lịch thuộc các công ty lữ hành, thì cần am hiểu về văn hóa của các làng nghề. Trong đó, ưu tiên vinh danh và khuyến khích nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn khách du lịch, giúp khách du lịch tham gia vào quá trình làm nên sản phẩm. Việc nâng cao nhận thức, kỹ năng của nhân dân ở các làng nghề làm du lịch là hết sức cần thiết. Người dân không những phải hiểu rõ lợi ích từ du lịch làng nghề, mà còn phải nhận thức được những hạn chế, mặt trái của du lịch làng nghề nhất là về phong tục, văn hóa, môi trường... từ đó mới có những biện pháp thích ứng và thái độ thân thiện, mến khách.
Chung quan điểm này, tiến sĩ Võ Quế (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) nhận định, cộng đồng dân cư ở các làng nghề hầu như ít điều kiện tiếp xúc với bên ngoài, cho nên phong cách, thái độ phục vụ chưa chuyên nghiệp. Mặt khác, nhiều sản phẩm làng nghề chưa phù hợp với nhu cầu của khách. Vì vậy, song song với việc đào tạo phong cách phục vụ khách du lịch, cũng cần thay đổi nhận thức của người dân làng nghề, để họ có thể tạo ra những sản phẩm đặc trưng, vừa có tính dân tộc, vừa đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ.
Trong Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thành phố cũng đề cập đến phát triển, chuẩn hóa nhân lực ngành du lịch. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, Hà Nội cần bổ sung nội dung phát triển nhân lực du lịch làng nghề vào Chương trình phát triển nhân lực du lịch Hà Nội đến năm 2020, nên hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có tới 15 trường đại học, 18 trường cao đẳng, 27 trường trung cấp và nhiều cơ sở giáo dục khác có chuyên ngành đào tạo về du lịch. Hà Nội cần tranh thủ liên kết, phối hợp với các cơ quan này để khẩn trương nâng cao chất lượng, nhận thức của đội ngũ những người làm du lịch làng nghề, nhân dân các làng nghề.
Hiện nay, Sở Công thương thành phố đã chọn ra những làng nghề mũi nhọn để phát triển du lịch, các làng nghề này sẽ được đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, về quảng bá... Tuy nhiên, nếu yếu tố con người không được quan tâm đúng mức, thì khó có thể thu được thành công, mà bài học tại làng mây tre đan Phú Vinh là một thí dụ.