Dạy nghề cho lao động nông thôn ở Hòa Bình

Thứ tư, 28/08/2013 14:41

Hiện nay, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đang được tỉnh Hòa Bình triển khai có hiệu quả, mỗi năm có hàng nghìn lao động được đào tạo nghề. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu sau khi được học nghề, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, nhất là tại các địa phương vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.

img

Dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ thôn Lục 2, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình).

Ðịnh hướng đúng, dạy nghề hay và có việc làm

Chúng tôi đến cơ sở sản xuất chổi chít của gia đình anh Phạm Ðình Trường, ở xóm Ðễnh, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn khi nhiều lao động đã xin nghỉ ở nhà thu hoạch lúa, nhưng không khí sản xuất ở đây vẫn khá sôi động. Anh Trường cho biết, cơ sở của anh được thành lập từ đầu năm 2013, hiện nay thu hút khoảng 30 lao động ngay tại thôn, bình quân mỗi ngày  sản xuất được 500 đến 700 cái chổi để bán ra thị trường trong nước.
 
Em Hoàng Thu Hiền, ở xóm Ðễnh, tay thoăn thoắt làm chổi,  nói: "Em được học nghề làm chổi chít từ đầu năm 2013. Hiện nay, em có việc làm ổn định ở cơ sở làm chổi ngay gần nhà. Nghề này không tốn sức, tạo việc làm lúc nông nhàn, mà thu nhập  khá. Do mới học nghề, nên mỗi ngày em chỉ làm được khoảng 40 đến 45 chiếc chổi, thu nhập gần một triệu đồng/tháng. Những người làm lâu rồi thì thu nhập cao hơn, khoảng hai triệu đồng/tháng".
 
Những năm trước đây do chưa có sự đầu tư nguồn lực và nhận thức của người dân còn hạn chế, nên việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nâng cao chất lượng nguồn lao động ở huyện Kỳ Sơn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nguyễn Thị Xuyên, sau khi triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, số lao động có tay nghề ngày càng nhiều, đáp ứng phần nào nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài huyện. Qua ba năm, huyện đã mở được 31 lớp đào tạo nghề và đào tạo cho 966 lao động nông thôn, với các nghề, như nuôi cá nước ngọt, nuôi gà thả vườn, làm chổi chít, hàn điện... Ðặc biệt, số lao động qua  học nghề có việc làm góp phần không nhỏ  trong xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
 
Ðến nay, số lao động trong độ tuổi trên địa bàn huyện Tân Lạc chiếm hơn 52%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 30,4%. Ðể triển khai Ðề án 1956 đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt  hiệu quả, huyện Tân Lạc đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Năm 2010, Trung tâm dạy nghề huyện được thành lập và đi vào hoạt động. Ðến năm 2012, huyện đã mở được 39 lớp với 1.106 học viên, trong đó có 436 lao động nông thôn thuộc Ðề án 1956, còn lại là các chương trình đào tạo qua các kênh khác.  Trong đó, lao động học nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp là 486 người, chiếm 45,7%; phi nông nghiệp là 620 người, chiếm 54,3%,... công chức cấp xã được đào tạo là 106 người. Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc Bùi Văn Tinh, công tác dạy nghề của huyện đạt được kết quả này là do nhận thức của cán bộ các cấp và người dân nói chung, người lao động nói riêng từng bước được nâng lên. Chất lượng nguồn nhân lực của huyện  được cải thiện đáng kể, người lao động sau khi được đào tạo đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản, cần thiết về khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân và gia đình. Bước đầu, một số mô hình đã có triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội như: HTX Vọng Ngàn, HTX Suối Hai với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương đã góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Mường; hay như mô hình trồng mía tím, ở các xã Mỹ Hòa, Phú Vinh, Trung Hòa và Lỗ Sơn... từng bước đang đem lại giá trị kinh tế cao; một số mô hình chăn nuôi lợn nái, chăn nuôi gà thả vườn... ở các xã Ðịch Giáo, Phong Phú và Lỗ Sơn... cũng đạt kết quả khả quan.
 
Nhân rộng mô hình dạy nghề
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình, thời gian qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc dạy nghề cho lao động nông thôn đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy Ðảng, chính quyền và nhân dân, góp phần nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Theo thống kê, ba năm qua trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề theo các trình độ khác nhau với số người đã được đào tạo là 8.549 người. Ðiều chú ý,  số lao động sau khi được đào tạo nghề có việc làm đạt 75%. Ngoài ra, các đối tượng thuộc hộ nghèo được đi học nghề đã có 54% số hộ thoát nghèo, trong đó 78%  số hộ thoát nghèo nhờ học nghề phi nông nghiệp, 31% thoát nghèo nhờ học nghề nông nghiệp.
 
Qua việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, đã xuất hiện những mô hình hay và được nhân rộng, như mô hình nuôi lợn thịt và trồng nấm rơm tại huyện Lạc Sơn, với số lượng 60 học viên. Kết quả đã nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn thịt và trồng nấm tới nhiều hộ dân với thu nhập từ hai đến ba triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, các mô hình dạy nghề làm chổi chít ở các huyện Kim Bôi, Kỳ Sơn; nuôi cá lồng ở huyện Ðà Bắc, nuôi gà thịt ở huyện Lương Sơn; dệt thổ cẩm ở huyện Tân Lạc; dạy nghề may công nghiệp tại Công ty TNHH may Hòa Bình, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu 3-2 Hòa Bình. Hiệu quả nhất có lẽ là mô hình dạy kỹ thuật trồng cây có múi (như cam, quýt, bưởi) ở huyện Cao Phong đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo hoặc vươn lên làm giàu.
 
Kết quả này cho thấy, Hòa Bình đã chủ động triển khai sâu rộng công tác đào tạo nghề đến với các đối tượng là lao động nông thôn. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng tích cực tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động ở nông thôn và của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ đó, triển khai các lớp dạy nghề sát với nhu cầu thực tế, học viên được dạy nghề có khả năng áp dụng kiến thức vào sản xuất hoặc có nơi làm việc ngay. Ðồng thời, tỉnh cũng quan tâm   phát triển đội ngũ giáo viên,  dạy nghề, cán bộ quản lý; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị  đối với các cơ sở dạy nghề; tổ chức tuyên truyền, tư vấn học nghề, phê duyệt chỉ tiêu đào tạo, mức hỗ trợ cho các nghề và việc phân cấp tổ chức thực hiện cho cấp ủy.
 
Trong giai đoạn 2013-2015, tỉnh Hòa Bình phấn đấu đào tạo nghề cho khoảng 14.000 lao động nông thôn, đào tạo nâng cao trình độ cho 3.000 cán bộ, công chức xã, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm khoảng 80%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%. Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về dạy nghề, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền tới từng nhóm đối tượng cho phù hợp; chú trọng công tác khảo sát, rà soát các số liệu về nhu cầu học nghề và ngành nghề theo nhu cầu của người lao động;  bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dạy nghề; rà soát, điều chỉnh, bổ sung mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề cho phù hợp với từng thời điểm, từng địa phương. Tổ chức có hiệu quả các sàn giao dịch việc làm; tăng cường phối hợp giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các xã, phường, ngân hàng chính sách, các tổ chức xã hội trong việc  tư vấn giới thiệu việc làm, theo phương châm dạy nghề theo địa chỉ; có biện pháp để bao tiêu sản phẩm của hộ nông dân sau khi được học nghề và làm nghề...
 
img
Sản xuất chổi chít ở xã Dân Hòa.

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top