Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Hướng tới thu nhập cao cho nông dân

Thứ hai, 05/08/2013 14:02

"Nếu người lao động học nghề mà sau này không biết sẽ làm ở đâu thì không nên đi học. Học để có việc làm. Học để có thu nhập cao hơn..." - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mở đầu Hội nghị toàn quốc tổng kết 3 năm thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định 1956/QĐ-Ttg, ngày 27-11-2009 của Chính phủ vừa được tổ chức hôm qua, 17-7.

img

Thanh niên, đối tượng chính cần được đào tạo nghề. Ảnh: Hoàng Long

Còn 3 tỉnh trắng cơ sở đào tạo

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những kết quả đạt được của chương trình. Trước hết, có đến 93% tỉnh, TP và các huyện, thị đã thành lập được Ban chỉ đạo dạy nghề cho nông dân (BCĐ). Còn 10 huyện, 687 xã không có ban chỉ đạo. Trong đó có 3 tỉnh trắng BCĐ ở tất cả các xã. Hiện có 58% số huyện có cán bộ chuyên trách, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng mức này đạt quá thấp.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, trong 3 năm đầu thực hiện đề án (2010-2012), với tổng số kinh phí đã sử dụng gần 1.642 nghìn tỷ đồng, hơn 1,4 triệu lượt lao động nông thôn đã và đang được đào tạo, trong đó, hơn 1,042 triệu người đã được đào tạo xong. Hơn 822 nghìn người trong số đó có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn (từ 10-30%), đạt gần 79%.
 
Về cơ bản, các địa phương đã nắm được nhu cầu học nghề và phê duyệt được danh mục 3000 ngành nghề đào tạo, xây dựng và phê duyệt được định mức chi phí đào tạo với một hệ thống hơn 1400 cơ sở dạy nghề và giáo viên; tạo điều kiện xây dựng được hệ thống dạy nghề trên 80% các huyện,thị. Hiện có 3 tỉnh Hưng Yên, Bà Rịa- Vũng Tàu và Tây Ninh còn trắng cơ sở đào tạo. Phó Thủ tướng yêu cầu từ nay đến cuối năm 2013 phải giải quyết xong vấn đề này.
 
Thành công của công tác đào tạo nghề là đã xây dựng được các mô hình dạy nghề một cách đa dạng. Trong đó có mô hình đào tạo nghề qua thẻ khá hiệu quả. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong việc áp dụng mô hình này còn chưa thực sự hiệu quả.
 
Chúng ta mới chỉ đào tạo được 77,7% so với kế hoạch, trong đó có đến trên 79% có việc làm. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, theo Phó Thủ tướng, đây là con số có thể chấp nhận được. Như vậy có đến hơn nửa triệu lao động nông dân đã được đào tạo. Họ đang là những lao động mới, sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng chương trình đang đi đúng hướng. Một trong những cái được của chương trình là lần đầu tiên, Bộ Nội vụ đã soạn được 26 bộ chương trình, huy động được 3000 giáo viên để đào tạo được 203 nghìn cán bộ, công chức xã.
 
Mới chi được 8% kinh phí đào tạo
 
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu lên một số hạn chế, tồn tại. Một số địa phương như Yên Bái, mới chỉ có 16% số học viên sau đào tạo có việc làm. Trong khi "hàng xóm” của tỉnh này là Bắc Cạn đạt 80%, còn Nam Định 92%, Thái Bình 100%. ... Có nơi như Bến Tre, tuy số học viên có việc làm sau đào tạo ngành nghề nông nghiệp cao nhưng không cao đối với những ngành nghề phi nông nghiệp. Còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm, bám sát nhu cầu thực tế để đề ra chương trình đào tạo.
 
Sắp tới, theo Phó Thủ tướng, dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng nông thôn mới. Trong các mục tiêu, thu nhập cho người nông dân là mục tiêu quan trọng nhất. Phải đảm bảo hoàn thành bằng được 6 yếu tố đầu vào cho dự án. Phó Thủ tướng chỉ đạo: Bộ Lao động thương binh và xã hội cần hoàn thiện xong việc sửa lại Quyết định 1956 sau khi thu thập các ý kiến, chậm nhất là trong tháng 8. Kinh phí nâng cấp các cơ sở đào tạo toàn quốc đã lên đến 75%, trong khi đó, chi đào tạo mới chỉ đạt được 8% kế hoạch. Có đến 2 tỉnh sau đầu tư chưa phát huy được chút nào. Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương phải quan tâm phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Đào tạo phải gắn với việc làm, hướng tới chuỗi ra sản phẩm - một lần nữa Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Ngân hàng Chính sách đã đa dạng hóa các hình thức cho vay phù hợp với các hoàn cảnh. Đây là lời cam kết rất tốt - Phó Thủ tướng khích lệ và yêu cầu các địa phương cần phối hợp tốt hơn nữa với ngân hàng này để giúp bà con phát huy hiệu quả sau đào tạo.
 
img
 
Nghề thủ công truyền thống góp phần
làm tăng thu nhập cho người nông dân
Ảnh: Minh Hạnh
 
Tay không vẫn... đào tạo được nghề cho nông dân
 
Tại hội nghị, một ý kiến rất được các đại biểu chú ý. Đó là ý kiến của Chủ tịch HĐQT Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. Từ năm 2010 đến nay, công ty triển khai chương trình lương thực với sự hình thành vùng các nguyên liệu, ứng dụng và giám sát quy trình canh tác khép kín từ đầu vào đến đầu ra trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với việc sản xuất kinh doanh, công ty xây dựng một đội ngũ hơn 1000 kỹ sư và hàng nghìn cán bộ trung cấp để thực hiện chương trình "Hướng về nông dân”, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với họ. Nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ này là chuyển giao kỹ thuật trồng lúa hiện đại và tư vấn kỹ thuật trực tiếp miễn phí trên đồng ruộng cho bà con nông dân. Gần 28 nghìn héc ta vùng nguyên liệu với 2601 điểm, 60 mô hình trên 76/129 huyên, thị xã của 13 tỉnh, thành tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được hưởng lợi từ chương trình này.
 
Bà con tham gia tự nguyện vì lợi ích của chính mình thông qua nâng cao chất lượng hạt lúa, tiệt kiệm vật tư nông nghiệp, nâng cao thu nhập. Công ty kết hợp với các địa phương áp dụng phương thức đào tạo từ xa, có địa chỉ và từng bước thu nhận, tạo việc làm cho các học viên. "Việc dạy nghề cho nông dân ở đây không từ bất kỳ một đồng ngân sách nào của Nhà nước mà vẫn đem lại cho họ hiệu quả thật bất ngờ, đáng để cho chúng ta suy nghĩ” - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền nhận định.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top