Tiếp cận quyền có nghề để dạy nghề là "khâu đột phá của đột phá"

Thứ ba, 30/07/2013 09:27

Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng xác định “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao,...”(1) là một trong ba khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Và để phát triển nhanh nguồn nhân lực thì khâu đột phá được xác định là dạy nghề. Như vậy, dạy nghề trở thành “đột phá của đột phá” trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

img

Yêu cầu của đất nước và nhu cầu của người dân về đào tạo nghề

Theo Tổng cục Dạy nghề, mạng lưới dạy nghề trên cả nước hiện có: 131 trường cao đẳng nghề (trong đó có 33 trường tư thục), 309 trường trung cấp nghề (trong đó có 100 trường tư thục), 909 trung tâm dạy nghề (trong đó có 344 trung tâm tư thục) và hàng trăm cơ sở khác có tham gia dạy nghề. Trong năm 2010, có 1,747 triệu học sinh, sinh viên theo học nghề với 379 nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng, 441 nghề trình độ trung cấp, 226 nghề dài hạn. Mặc dù mạng lưới cơ sở dạy nghề tương đối phát triển, nhưng hiện nay, trong công tác dạy nghề có khá nhiều bất cập: Chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và xã hội và chưa bảo đảm được an sinh xã hội về số lượng và chất lượng; tuy Nhà nước đã rất quan tâm đến dạy nghề, nhưng cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan đến công tác này chưa đầy đủ và chưa thích ứng với kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế; đầu tư của Nhà nước và xã hội tăng chậm trong khi chi phí đào tạo lại tăng thường xuyên; chưa thiết lập được mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; sự thụ động của người dân đối với việc học nghề và hay “nhảy nghề”.

Những bất cập đó cản trở thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, là đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình với tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ chiếm khoảng 85% trong GDP; tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 30% trong lao động xã hội. Những bất cập đó cũng cản trở việc đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân và yêu cầu đào tạo nghề của đất nước.
 
Một mặt, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa (CNH, HĐH) kết hợp với đô thị hoá, đã và sẽ làm “dư thừa” một lượng ngày càng lớn lao động nông nghiệp, nông thôn. Từ đó đặt ra yêu cầu lớn về đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn để họ có thể chuyển đổi kế sinh nhai. Và trong điều kiện diện tích đất giành cho trồng lúa ngày càng thu hẹp, để bảo đảm an ninh lương thực, nuôi sống 99 triệu dân vào năm 2020 và giữ vững vị trí “cường quốc” về xuất khẩu lương thực và hàng nông sản, thì yêu cầu đối với người nông dân Việt Nam là phải trở thành những nông dân hiện đại. Bản thân người nông dân cũng có nhu cầu học nghề để tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá. Trong khi đó, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề hiện còn rất thấp, mới chỉ chiếm 16,8%. Nghĩa là yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn là rất lớn.
 
Mặt khác, quá trình CNH, HĐH kết hợp với đô thị hóa đồng thời cũng đòi hỏi phải nâng cao yêu cầu đào tạo nghề cho lao động ở khu vực kinh tế phi kết cấu (không chính thức) tại cả đô thị và nông thôn. Hơn nữa, bản thân những người tham gia ở khu vực này cũng có nhu cầu được dạy nghề. Đây là những nghề của “muôn mặt đời thường”, từ dịch vụ hiếu, hỷ, nghề “làm móng”, phô tô - chế bản, cà phê - internet đến các nghề dịch vụ kinh tế - kỹ thuật cao, như thiết kế thời trang, quảng cáo, môi giới đầu tư, tài chính,... Việc đào tạo nghề cho khu vực phi kết cấu càng được đẩy mạnh và đạt chất lượng cao bao nhiêu thì càng góp phần quan trọng vào việc làm cho khu vực này hoạt động trong khuôn khổ luật pháp và hài hòa với khu vực chính thức. 
 
Rõ ràng, yêu cầu của đất nước và nhu cầu của người dân về đào tạo nghề trong quá trình CNH, HĐH kết hợp với đô thị hóa ở nước ta là rất lớn. Chỉ riêng việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27-11-2009, thì bình quân mỗi năm đã là 1 triệu lao động.
 
Cách tiếp cận quyền để xác định rõ trách nhiệm dạy nghề và xây dựng văn hóa nghề nghiệp
 
Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả cao trước tiên phải căn cứ vào nhu cầu của người dân và yêu cầu của thị trường lao động, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng ngành, từng vùng, từng địa phương; đồng thời phải xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của người có nhu cầu học nghề, và cả của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở dạy nghề. Nhà nước có quyền tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác dạy nghề thuộc tất cả các thành phần kinh tế; và người dân học nghề phải có quyền thụ hưởng thành quả học nghề bằng việc làm và thu nhập hợp pháp; còn các trường dạy nghề phải có quyền thụ hưởng cơ chế tự chủ phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Như vậy để công tác dạy nghề trở thành “đột phá của đột phá” thì không chỉ thuần túy căn cứ vào nhu cầu của người dân, mà còn phải căn cứ vào yêu cầu của đất nước, của từng ngành, từng vùng, từng địa phương; đồng thời phải xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên tham gia vào công tác dạy nghề: người dân học nghề, Nhà nước và cơ sở dạy nghề. Trong đó, căn cứ xuất phát của công tác dạy nghề là: quyền hạn và trách nhiệm của người dân học nghề phù hợp với thể chế Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
 
Cho đến nay, căn cứ xuất phát xác định mục tiêu của công tác dạy nghề nói riêng và tất cả các công tác khác là cách tiếp cận dựa trên nhu cầu là chính. Đặc trưng của phương pháp tiếp cận này là Nhà nước dựa trên nhu cầu của nhân dân và Nhà nước có trách nhiệm đáp ứng mọi nhu cầu đó đến mức cao nhất. Thông thường để đáp ứng các nhu cầu của nhân dân, Nhà nước xây dựng và thực hiện các kế hoạch (dài hạn, ngắn hạn) cùng với các chính sách, luật pháp tương thích. Trong cách tiếp cận này, Nhà nước là chủ thể có quyền xây dựng và thực hiện kế hoạch, chính sách, luật pháp, còn người dân là đối tượng được thụ hưởng một cách bị động.
 
Biểu hiện cụ thể là nhiều người, kể cả những người thuộc diện thu hồi đất, rất cần và muốn được học nghề, nhưng thường là trông chờ hoặc ỷ lại vào Nhà nước, chứ ít tự mình “tầm sư học đạo” để chuyển nghề. Một hiện tượng đáng lưu ý là nhiều người không gắn bó với nghề. Việc chuyển nghề hay “nhảy nghề” được giải thích chủ yếu là do không sống được bằng nghề. Lý do đó có thể có lý đối với mỗi cá nhân. Nhưng đối với xã hội, hệ quả là tình trạng lãng phí trong đào tạo nghề, biến động trong quan hệ lao động tại nhiều doanh nghiệp, và không xây dựng được lối sống “một nghề cho chín, hơn chín mười nghề” trong điều kiền nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Tình hình đó đòi hỏi phải chuyển sang phương pháp tiếp cận dựa trên quyền. Đương nhiên, phương pháp tiếp cận quyền vẫn xuất phát và hướng đến nhu cầu của người dân; nhưng đây là những nhu cầu cơ bản và ổn định, không phải những nhu cầu nhất thời, thoáng qua. Phương pháp tiếp cận quyền thúc đẩy việc thể chế hóa quyền của người dân được đào tạo nghề, làm việc và thu nhập bằng nghề; rộng hơn là sinh sống và có lối sống theo nghề. Nó chủ yếu dựa trên các quy định của pháp luật. Nó đặt con người - người dân - ở vị trí chủ thể quyền, đồng thời là chủ thể có trách nhiệm tham gia tích cực vào việc bảo đảm thực hiện quyền có nghề và gắn với hành nghề; đặt Nhà nước (bộ máy, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức) vào trách nhiệm phải tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy quyền của người dân. Tức là phương pháp tiếp cận quyền thể chế hóa, chủ yếu bằng luật pháp, chủ thể quyền và chủ thể có trách nhiệm phải thực hiện quyền của người dân trong việc đào tạo nghề nói riêng và các nhu cầu cơ bản khác của người dân. Chính vì xuất phát từ cách tiếp cận quyền mà Văn kiện Đại hội XI của Đảng xác định: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người”(2). Và Nhà nước “thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”.
 
Phương pháp tiếp cận quyền trong dạy nghề khắc phục được tình trạng “chung chung”, không rõ trách nhiệm trong việc đào tạo nghề bằng cách thể chế hóa trách nhiệm của Nhà nước và các cơ sở đào tạo nghề trong việc bảo đảm và thực hiện quyền có nghề của người dân với sự giám sát của người dân; đồng thời khắc phục được tính thụ động, ỷ lại của người dân trong việc học nghề và hành nghề bằng hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và sự quản trị tốt của các cơ sở đào tạo nghề.
 
Mô hình đào tạo nghề nhằm bảo đảm và thực hiện quyền có “một nghề cho chín, hơn chín mười nghề”
 
Theo cách tiếp cận quyền thì việc dạy nghề cho người dân trước hết có ý nghĩa pháp lý, đồng thời qua đó có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Nó bắt buộc và lôi cuốn tất cả các tổ chức pháp nhân (cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, công dân) tham gia một cách hiệu quả vào quá trình đào tạo nghề trong khuôn khổ hành lang pháp lý của Nhà nước. Xuất phát từ cách tiếp cận quyền có thể sáng tạo được những cách thức tổ chức đào tạo nghề phù hợp với từng nhóm đối tượng người lao động.
 
Để triển khai, thực hiện cách tiếp cận quyền trong công tác đào tạo nghề, theo chúng tôi, cần thực hiện các bước sau:
 
Thứ nhất, cần triển khai, thực hiện các hoạt động điều tra, khảo sát các nhu cầu cơ bản, ổn định về nhu cầu học nghề của người dân, và yêu cầu về sử dụng nhân lực qua đào tạo nghề trong các ngành kinh tế, vùng kinh tế và từng địa phương theo kế hoạch hằng năm hay trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Mục đích là nhằm xác lập mối quan hệ tương đối giữa nhu cầu và yêu cầu trên. Ít ra là cũng định hướng được quyền (hay nhu cầu cơ bản, ổn định) của người dân trong việc học nghề có thể bám sát theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của ngành, vùng và địa phương; đồng thời điều chỉnh yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo quyền của người dân trong việc học nghề.
 
Việc nắm bắt nhu cầu và yêu cầu này phải đi trước một bước và phải triển khai thường xuyên với quy mô và mức độ khác nhau, để kịp thời bổ sung những thông tin về yêu cầu của những nghề mới với quy mô và trình độ phù hợp. Quyền học nghề của người dân là căn cứ để phân nhóm đối tượng cho các khoá đào tạo phù hợp; ví dụ nhóm đối tượng chỉ có thể tham gia được các khoá đào tạo ngắn hạn, và nhóm đối tượng có thể tham gia các khoá đào tạo dài hạn; hay phân nhóm đối tượng theo trình độ học vấn,... Còn yêu cầu của đất nước, của ngành, vùng và địa phương về sử dụng lao động qua đào tạo chính là “đầu ra” của đào tạo, qua đó có thể biết được cần đào tạo những nghề gì và với trình độ nào, số lượng bao nhiêu.
 
Thứ hai, xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước 
 
Mục tiêu của dạy nghề là tạo cho người dân có một nghề để có thể tự tạo việc làm trong nông nghiệp hoặc tìm được việc làm phi nông nghiệp (ở nông thôn hoặc đô thị). Nói cách khác, trách nhiệm dạy nghề phải gắn với giải quyết việc làm cho họ. Đây là vấn đề cốt lõi trong trách nhiệm của Nhà nước đối với việc dạy nghề - hành nghề của người dân, nhất là đối với nhóm lao động cần phải chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Nếu Nhà nước không thực hiện trách nhiệm gắn việc học nghề với tạo lập việc làm thì người dân sẽ không tham gia học nghề nữa và nguồn lực xã hội sẽ bị lãng phí, nhất là trong điều kiện đa số người dân chưa chủ động tìm kiếm việc làm cho bản thân và cho cộng đồng. Do đó, công tác quản lý của Nhà nước phải làm sao thúc đẩy các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tham gia vào quá trình đào tạo. Thông qua đó, tạo cơ hội cho người học nghề được tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp, của cơ sở sản xuất, kinh doanh từ khi còn học để sau khi học xong nghề là có thể tìm được việc làm phù hợp với nghề nghiệp của mình, có thể tại ngay doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh đó. 
 
Thứ ba, kết hợp trách nhiệm của Nhà nước và cơ sở đào tạo theo phương châm xã hội hóa
 
Dạy nghề cho người lao động có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như dạy tại các cơ sở dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của các tập đoàn, tổng công ty; dạy nghề lưu động; dạy nghề tại doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; dạy nghề gắn với các vùng chuyên canh, làng nghề;... Phương thức đào tạo cũng cần phải đa dạng hoá, phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện của từng vùng, miền, như đào tạo tập trung tại cơ sở dạy nghề đối với những nông dân chuyển đổi nghề nghiệp (trung tâm dạy nghề, trường trung cấp, cao đẳng nghề, các trường khác có tham gia dạy nghề...); đào tạo nghề lưu động cho nông dân tại các làng, bản, buôn, ấp;...
 
Rõ ràng, nếu chỉ riêng Nhà nước thì rất khó bảo đảm được sự đa dạng của các hình thức dạy nghề như vậy. Do đó, cần phải có sự kết hợp các hình thức xã hội hóa, như “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cùng làm”, “ Nhà nước và tổ chức xã hội cùng làm” ... Từ đó sẽ hình thành một số mô hình dạy nghề, như:
 
- Cơ quan nhà nước (Tổng cục Dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh...) phối hợp với khu vực kinh tế nhà nước tổ chức dạy nghề tại các cơ sở đào tạo của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty,...
 
- Cơ quan nhà nước (Tổng cục Dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh...) phối hợp với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tổ chức dạy nghề tại các cơ sở đào tạo của doanh nghiệp.
 
- Cơ quan nhà nước (Tổng cục Dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh...) phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội hay xã hội - nghề nghiệp (nông dân, công đoàn, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật,...) tổ chức dạy nghề có tính đại trà tại các địa phương.
 
- Cơ quan nhà nước (Tổng cục Dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh...) phối hợp với UBND tỉnh, thành phố hay quận, huyện tổ chức dạy nghề với sự tham gia của các cơ sở doanh nghiệp, các đoàn thể, hội nghề nghiệp tại địa phương.
- Cơ quan nhà nước (Tổng cục Dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh/Phòng Lao động huyện...) phối hợp với các nhóm làng nghề (mây tre đan, đồ gỗ gia dụng, đồ gốm....) tổ chức dạy nghề. Người dạy là nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao trực tiếp truyền nghề hoặc giáo viên thuộc các doanh nghiệp chuyên ngành.
 
- Doanh nghiệp các thành phần kinh tế phối hợp tổ chức dạy nghề.
 
- Các tổ chức chính trị - xã hội hay xã hội - nghề nghiệp, kể cả các tổ chức quốc tế, phối hợp với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phối hợp tổ chức dạy nghề.
 
Và còn có thể có nhiều các mô hình dạy nghề khác.
 
Trong quá trình kết hợp trách nhiệm của Nhà nước và cơ sở dạy nghề theo phương châm xã hội hóa, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước chỉ được phát huy khi các cơ sở đào tạo được thụ hưởng quyền tự chủ và Nhà nước giám sát một cách hiệu quả các cơ sở đào tạo nghề, ví dụ chủ yếu thông qua tiêu chí về tỷ lệ học viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp (các nước phát triển, chẳng hạn như Mỹ, hầu như chỉ tập trung vào tiêu chí này để đánh giá chất lượng và uy tín của các cơ sở đào tạo, từ đại học đến dạy nghề). Thông qua đó, trách nhiệm quản lý nhà nước không đồng nhất với trách nhiệm quản trị của cơ sở đào tạo. Việc thể chế hóa trách nhiệm quản trị tốt cho các cơ sở dạy nghề là để thúc đẩy phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, chuẩn hóa chương trình dạy nghề, chuẩn hoá, hiện đại hoá cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề, kiểm định, đánh giá và cấp chứng chỉ nghề quốc gia,…
 
Thông qua đó, phát triển mạng lưới dạy nghề theo hướng dân chủ hoá, chuẩn hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy nghề với phương châm hiệu quả và bền vững. Mạng lưới dạy nghề chủ yếu dựa vào: các trung tâm đào tạo nghề cho từng vùng; những trường chất lượng cao với những lớp đào tạo ra bàn tay vàng “nhất nghệ nhân, nhất thân vinh”; trong đó có những trường nghề đạt đẳng cấp quốc gia, khu vực, quốc tế và liên thông với khu vực, quốc tế (ví dụ bằng liên kết đào tạo và xuất khẩu lao động).
 
Thứ tư, thể chế hóa trách nhiệm của người lao động
 
Khi thể chế hóa (bằng luật pháp của Nhà nước) việc người dân có quyền thụ hưởng việc học nghề thì đương nhiên cũng phải thể chế hóa trách nhiệm của họ trong việc hành nghề theo hướng “một nghề cho chín, hơn chín mười nghề”. Điều kiện pháp lý là Nhà nước kết hợp với các thành phần kinh tế tạo ra nhiều việc làm ở mức cao nhất có thể, để người dân hành nghề theo nghề đã được học; và bản thân người dân cũng phải có trách nhiệm tự tạo việc làm cho mình và cho cộng đồng để hành nghề một cách hợp pháp; tức là phải hành nghề theo nghề đã được cấp chứng chỉ của Nhà nước.
 
Thông qua đó mới có thể gắn quyền học nghề với trách nhiệm hành nghề ở người dân; và xây dựng văn hóa nghề nghiệp một cách đại trà./.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top