Bài học từ một mô hình chuyển đổi nghề không thành công

Thứ năm, 28/03/2013 08:49

Nhằm chuyển đổi nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn ở xã Vạn Phú (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), năm 2011, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức dạy nghề trồng nấm bào ngư trên rơm cho người dân. Thế nhưng, sau hơn 2 năm áp dụng, mô hình đã không đạt hiệu quả như mong đợi.

img

Xã Vạn Phú có hơn 70% dân số làm nông nghiệp. Trong đó, lúa nước là cây trồng chủ lực nên lượng rơm, rạ ở đây khá dồi dào. Tuy trong xã đã có khoảng 15 gia đình phát triển nghề trồng nấm rơm nhưng vẫn không sử dụng hết lượng rơm, rạ vốn có. Sau mỗi vụ thu hoạch, phần lớn rơm, rạ được người dân đem đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Thấy nguồn nguyên liệu dồi dào chưa được tận dụng, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã lập phương án dạy nghề trồng nấm bào ngư trên rơm cho nông dân với mong muốn tạo việc làm, chuyển đổi phương thức sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Đây cũng là một trong những mô hình dạy nghề thuộc Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã được các ngành chức năng và địa phương lựa chọn.

Công tác tổ chức đã được tổ chức, tính toán rất chu đáo. Khi tổ chức dạy nghề trồng nấm bào ngư trên rơm, đã có hơn 30 gia đình đăng ký học nghề. Trung tâm Dạy nghề Định Quán (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Qua lớp học, nông dân được truyền đạt những kỹ thuật cơ bản và được thực hành trực tiếp ngay trên vườn. Thế nhưng, trái với mong đợi, khi đưa vào sản xuất lại không có hiệu quả. Đến nay, trong xã không có hộ nào phát triển được mô hình trồng nấm bào ngư trên rơm.

Nguyên nhân dẫn đến mô hình trồng nấm bào ngư bị thất bại là do mô hình này đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, chi phí đầu tư lớn, nhiều công đoạn khó như: băm nhỏ nguyên liệu, hấp nguyên liệu, đóng bịch, cây giống, làm phòng kín... Trong khi đó, vì thời gian học ngắn, thực hành chưa được nhuần nhuyễn nên phần lớn nông dân chưa nắm vững kiến thức, kỹ thuật trồng nấm bào ngư.

Chính vì vậy mà mặc dù định hướng của mô hình trồng nấm bào ngư trên rơm rất hấp dẫn nên đã thu hút được nhiều người dân trong xã tham gia học nghề nhưng sau khi đem áp dụng vào sản xuất hai vụ liên tiếp năng suất lại quá thấp nên người dân không còn mặn mà.

Do không đem lại kết quả như mong đợi nên hầu hết các hộ học nghề trồng nấm bào ngư đã  quay lại với nghề trồng nấm rơm ngoài trời.

Thất bại mô hình trồng nấm bào ngư tại xã Vạn Phú sẽ là bài học kinh nghiệm trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Để công tác này phát huy được hiệu quả, tạo được lòng tin cho người học, các ngành chức năng cần nghiên cứu dạy những nghề hữu ích, phù hợp; chất lượng giảng dạy phải đảm bảo sau khi học xong, học viên có thể thực hành tốt, làm ra sản phẩm chất lượng; đồng thời phải có đánh giá đúng thực chất về ngành nghề đã dạy sau khi đem áp dụng vào sản xuất để xem có thực sự hiệu quả và phù hợp với nông dân hay không. Nếu phát huy hiệu quả thì sớm nhân rộng, còn nếu không thì sớm có định hướng chuyển đổi ngành nghề khác cho người dân.
 

Tiến Thắng
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top