Nghề gốm cạnh tranh bằng sự khác biệt

Thứ ba, 20/05/2014 15:17

Có một giải pháp nhiều nước trên thế giới đang hướng tới là cạnh tranh bằng sự khác biệt. Khi đó, sự sáng tạo và tính mới lạ mới là yếu tố định hình giá trị sản phẩm.

img

Khách tham quan thích thú với những sản phẩm gốm Chu Đậu (Nam Sách, Hải Dương).

“Tôi thấy sản phẩm gốm của các làng nghề giống nhau quá. DN đua nhau giảm giá để cạnh tranh đến mức độ không thể SX được nữa, hoặc giá nhân công thấp lẹt đẹt. Trong khi đó, có một giải pháp nhiều nước trên thế giới đang hướng tới là cạnh tranh bằng sự khác biệt. Khi đó, sự sáng tạo và tính mới lạ mới là yếu tố định hình giá trị sản phẩm”.

Đó là chia sẻ của chuyên gia thủ công mỹ nghệ, họa sỹ thiết kế Vũ Huy Thiều về vấn đề phát triển nghề gốm VN trong thời kỳ hiện đại.

Đừng “ăn mày dĩ vãng”

Trong các làng nghề truyền thống của nước ta, gốm sứ đã nổi lên như một ngành có giá trị tuyệt mỹ, được vun đắp bằng bàn tay, trí tuệ của các thế hệ nghệ nhân. Đến nay, nhiều trung tâm gốm sứ đã hình thành trên cả nước, từ gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Hương Canh đến Bàu Trúc, Bình Dương, Vĩnh Long…

Tuy nhiên, sức cạnh tranh của sản phẩm gốm sứ đang còn quá yếu, kể cả mẫu mã, giá cả, thương hiệu đến SX, tiêu thụ và tìm kiếm thị trường. Vậy nguyên nhân do đâu? Và nghề gốm cần làm gì để bứt phá trong kỷ nguyên mới?

Theo chuyên gia Vũ Huy Thiều, những người làm gốm hôm nay đang sa đà vào câu chuyện phục cổ. Có nghệ nhân bỏ ra 15 - 20 năm để phục chế một sản phẩm gốm cổ, trong khi về mặt giá trị thị trường của nó không lớn.

Nhiều gia đình vẫn SX theo thói quen “ăn mày dĩ vãng”, nghĩa là đời ông, đời cha, đến đời con cháu chút chít chỉ làm một vài sản phẩm truyền thống. Gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) từ lâu đã nổi tiếng gần xa, nhưng bây giờ vẫn cứ làm mãi những con tò he cho trẻ con thổi với giá 2.000 đồng/con. Các nghệ nhân bỏ nghề gần hết vì không sống nổi với nghề.

Bên cạnh đó, nhược điểm rất lớn của gốm Việt hiện đại là quá chú trọng đến trang trí mà không quan tâm đến hình dáng sản phẩm. Bình hoa của Cty A với Cty B cứ nhang nhác giống nhau.

Và trong trang trí, sản phẩm gốm nào cũng vẽ kín mít họa tiết hoa văn, vừa mất rất nhiều công vừa không đem lại thẩm mỹ hiện đại. Cũng từ việc chưa quan tâm đúng mức đến thiết kế, các DN hay bắt chước nhau. Người ta có cảm giá nhàm chán khi đến thăm các làng nghề vì không thấy một cái gì mới mẻ nữa cả.

Nghề gốm của VN vẫn đang gặm nhấm thị trường truyền thống, trong khi có rất nhiều thị trường mới tiềm năng lại thờ ơ, bỏ ngỏ. Đến điểm du lịch nào cũng thấy ngập tràn sản phẩm của Trung Quốc. Tại sao chúng ta không làm những bức phù điêu bằng gốm, những bức tranh gốm mang hình ảnh của khu du lịch đó, hay những quà tặng đẹp mắt khác làm từ gốm làm vật phẩm lưu niệm?

Đừng biến thành các làng nghề gia công

“Có một DN ký hợp đồng gia công 1 triệu sản phẩm gốm với một Cty nước ngoài trị giá 1 triệu USD. Nhưng, vì làm thủ công nên mẫu mã không đồng đều. DN nước ngoài lấy cớ đó hạ giá trị đơn hàng xuống chỉ còn 100.000 USD.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận hàng, họ chỉ lắp thêm cái đế và bán 5 USD/sản phẩm (tổng trị giá lô hàng là 5 triệu USD) với lý do, đây là những sản phẩm độc nhất vô nhị, không có cái thứ hai. Do đó, ngoài kỹ thuật SX, các DN cũng cần trang bị cho mình kiến thức kinh doanh bài bản”, chuyên gia cao cấp Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế, nhiều cơ sở SX gốm Việt đang biến thành xưởng gia công cho nước ngoài. Điều này bắt nguồn từ thời kỳ bao cấp, chúng ta vẫn thường có tâm lý ăn chắc.

Khi người ta mang mẫu đến đặt chúng ta mới làm. Còn người nước ngoài lại kinh doanh bằng ý tưởng thiết kế mẫu và thương hiệu sản phẩm. Họ mua hàng của ta với giá 1 USD thì bán ra thị trường với giá 20 USD.

Triết lý kinh doanh của các nước phát triển là cạnh tranh bằng sự khác biệt. Khi tạo ra sự khác biệt, chất lượng sản phẩm của anh có thể không cao bằng vẫn bán được giá cao ngất ngưởng.

Đa số DN hiện vẫn chỉ nghĩ đến chuyện nâng cao chất lượng sản phẩm gốm một cách rất thô thiển như độ bền cao, vật liệu tốt, không phai màu, chẳng cần cải tiến hình thức để khách hàng sử dụng sản phẩm đó thuận tiện hơn.

Có gia đình đầu tư một tấm khăn trải bàn thêu trị giá cả triệu đồng, nhưng mỗi lần rót trà mời khách, nước lại rớt ra ngoài làm ố màu vải. Những người làm gốm chỉ nghĩ đến xem bình ấm thế nọ, quai ấm thế kia, rồi trang trí đủ loại hoa lá lên đó mà không để ý rằng miệng vòi mới là cái quan trọng.

Điều này xuất phát từ việc chủ DN chưa hiểu được tầm quan trọng của thiết kế mẫu sản phẩm. “Có ông chủ một Cty SX gốm nhờ tôi giới thiệu một người thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Anh ta bảo có thể trả lương cao 10 triệu/tháng nhưng với điều kiện mỗi tháng phải thiết kế cho Cty 5 mẫu. Như vậy, họ nghĩ rằng thiết kế nó quá dễ dãi. Họ tưởng trả 2 triệu đồng/mẫu thiết kế là to nhưng không phải như vậy.

Ở nước ngoài mỗi tháng một nhà thiết kế chỉ cần tạo ra một mẫu. Bởi vì, họ phải nghiên cứu thị trường, khảo sát điều kiện SX thực tế, người ta phải phác thảo và làm mô hình, thử nghiệm rất nhiều, thất bại rất lắm mới tạo ra một thiết kế tốt, chứ không phải như gà đẻ trứng được đâu. Một mẫu thiết kế tốt không dưới 100 triệu đồng”, ông Thiều nói.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top