Chuyện về đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ ba, 18/02/2014 15:47

Bài 1: Chất chưa đi đôi với lượng Ra đời cách đây 3 năm, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, thực tế sau 3 năm triển khai chương trình tại các địa phương còn nhiều khó khăn, bất cập. Tỷ lệ lao động "sống khỏe" bằng nghề sau đào tạo vẫn khiêm tốn.

img
Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Kết quả bước đầu…

Theo Kế hoạch số 1609 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Phú Thọ phấn đấu đến năm 2015, dạy nghề cho 160.000 lao động nông thôn trong đó 50%-55% là dạy nghề nông nghiệp, còn lại là phi nông nghiệp. Tính đến hết năm 2012, số lao động nông thôn được học nghề (trong 3 năm) là 14.114 người, bằng 29,7% kế hoạch; trong đó: nghề phi nông nghiệp 3.800 người chiếm 26,9%, nghề nông nghiệp 10.314 người chiếm 73,1%. Số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 11.425 người đạt 80,9%; nghề phi nông nghiệp 2.807 người đạt 73,9%, nghề nông nghiệp 8.618 người đạt 83,6%. Giai đoạn 2010 - 2012, đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho 09 cơ sở dạy nghề, gồm có: trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Phú Thọ, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Phú Thọ và 07 trung tâm dạy nghề cấp huyện.

Năm 2010, Tổng cục Dạy nghề phối hợp với tỉnh thí điểm mô hình đào tạo nghề ở xã Gia Điền, huyện Hạ Hoà, gồm 2 nghề: Nuôi lợn thương phẩm, trồng nấm cho 70 lao động. Năm 2011, tỉnh tổ chức thực hiện thí điểm 13 mô hình, đào tạo 9 nghề cho 419 lao động tại 11 huyện, thành, trong đó có những nghề đặc thù, nghề thuộc làng nghề: Nuôi rắn thương phẩm, chăm sóc, cắt tỉa, uốn cây cảnh, trồng rau an toàn, trồng dưa bao tử. Năm 2012, tỉnh tổ chức 28 mô hình, đào tạo 16 nghề cho 896 lao động; trong đó: so với năm 2010, 2011 có 09 nghề mới, 07 nghề tiếp tục thí điểm để khẳng đinh khả năng nhân rộng. Các nghề thuộc nhóm nghề trồng trọt, chăn nuôi mang tính phổ biến (07/16 nghề) đều có khả năng nhân rộng: Trồng lúa năng suất cao, trồng ngô, trồng chè, nuôi và phòng trị bệnh cho gà (trâu, bò, lợn), nuôi cá nước ngọt. Các nghề trồng cây chuyên canh, nghề đặc thù, nghề thuộc làng nghề nếu nhân rộng, tập trung đầu tư có thể hình thành làng nghề hoặc vùng sản xuất theo hướng hàng hóa: Trồng hoa đào; trồng rau an toàn; trồng dưa bao tử; trồng chè; trồng và nhân giống nấm; nuôi rắn thương phẩm.

Qua 3 năm triển khai Đề án, mạng lưới cơ sở dạy nghề được phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được tăng cường đầu tư; chương trình, giáo trình dạy nghề được phát triển, chỉnh sửa bổ sung phù hợp nhu cầu thực tiễn; đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề các cấp và của cơ sở dạy nghề, giáo viên dạy nghề được tăng cường về số lượng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cơ bản đáp ứng yêu cầu. Ban đầu, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động sang phi nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn, thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đa số lao động nông thôn sau đào tạo nghề đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, tìm được việc làm mới, nâng cao chất lượng cuộc sống.

... và những bất cập

Đó là những nhận định của nhiều đại biểu các bộ, ngành, địa phương trong Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm triển khai Đề án. Đa số các đại biểu vẫn băn khoăn về tính khả thi của đề án cũng như hiệu quả mang lại và cho rằng, qua hơn 3 năm thực hiện, nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT lớn, trong khi khả năng bố trí ngân sách trung ương còn hạn chế, ngân sách tỉnh chưa bố trí được kinh phí dạy nghề nên kết quả đào tạo chưa đạt được kế hoạch đề ra. Việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu, chưa phù hợp với tâm lý của người lao động, tuyển sinh còn chồng chéo, có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Việc hỗ trợ của các cấp chính quyền, các ngành về đất đai, vốn, tìm việc làm để phát huy kiến thức sau học nghề rất hạn chế, chưa bố trí được. Cơ sở vất chất cho các cơ  sở dạy nghề còn thiếu, đặc biệt là các trung tâm dạy nghề mới thành lập, trung tâm dạy nghề trực thuộc các đoàn thể. Đội ngũ giáo viên cơ hữu còn thiếu, chương trình, nội dung đào tạo chưa thực sự sát với thực tế địa phương, còn nặng về lý thuyết, kỹ năng thực hành của một số giáo viên hạn chế. Việc xây dựng kế hoạch dạy nghề chưa thực sự sát với nhu cầu người học, còn có hiện tượng giao chỉ tiêu dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề chưa căn cứ đúng năng lực, thực tế.

Về phía người lao động, một bộ phận không nhỏ chưa hiểu hết ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi khi học nghề. Nhiều lao động không xác định học để có nghề và kiếm tiền từ nghề đã học. Hay như, trong một gia đình, vợ - chồng - con thay phiên nhau tham gia cùng một lớp học, cùng môn học cũng là nguyên nhân tạo ra sự không hiệu quả. Vì thế, việc đầu tiên phải tăng cường tuyên truyền cho nông dân hiểu vai trò của học nghề, đồng thời đối tượng học nghề phải chọn thật kỹ ngành nghề phù hợp với năng lực cũng như yêu cầu của thị trường. Qua tìm hiểu ở một số địa phương sau khi hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Lý giải về nguyên nhân và giải pháp khắc phục thực trạng này là chuyện không dễ khi cả đào tạo và người học đều chịu ảnh hưởng từ một số yếu tố khách quan. Cơ cấu dạy nghề cho lao động nông thôn ở các ngành nghề, lĩnh vực ở địa phương chưa thực sự phù hợp, trình độ lao động đã qua đào tạo còn hạn chế, năng suất lao động thấp chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Đối với nghề nông nghiệp, hầu hết những học viên theo học đều có được việc làm, sử dụng hiệu quả thời gian nông nhàn, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, phát triển kinh tế gia đình. Còn lại ở một số ngành nghề phi nông nghiệp, học viên sau khi kết thúc khóa học rất khó tìm được việc làm theo đúng ngành nghề được đào tạo.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải – Trưởng phòng LĐ-TBXH Thanh Ba cho rằng do một số học viên không chịu phát huy nghề đã học, đi học cho có hình thức để nhận hỗ trợ chứ chưa thật sự chú tâm vào nghề. Thời gian đào tạo nghề quá ngắn nên tay nghề của người lao động chưa cao không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khiến người học phải tự tìm kiếm việc làm sau khi được đào tạo. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc phát triển nghề rất khó khăn. “Đào tạo nghề phải chú trọng chất lượng, không nên chạy theo số lượng. Mỗi chương trình đào tạo, mỗi nghề nghiệp dự định đào tạo ở một địa phương cần bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lao động nông thôn học nghề xong phải có việc làm chứ học để có nghề là chưa đi đến đích của đề án” - ông Hải nói.

Có thể thấy việc dạy nghề và giải quyết việc làm của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, kế hoạch đào tạo chưa gắn kết được với nhu cầu sử dụng lao động, ngành nghề đào tạo được mở rộng nhưng chưa đầu tư có chiều sâu, chất lượng đào tạo vẫn còn hạn chế. Có lẽ, nguyên nhân là do thiếu cái bắt tay giữa các nhà trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Kim Chi
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top