(Mic.gov.vn) -
Nguyên nhân và cách khắc phục bệnh xoăn lá vi rút ở cây ớt và cây ớt đang thu hoạch thì bị chết.
Bệnh xoăn lá vi rút ở cây ớt
Hỏi: Vườn ớt đang trong giai đoạn đẻ nhánh nhưng đọt và lá không xòe ra mà thun lại như bị rầy, lá bị vàng, chậm phát triển, trên lá ớt có chấm đen nhỏ sau đó lây lan và vết đen trở thành vết trắng, lá trắng tất cả. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? (Khán giả Nguyễn Thị Loan – Gia Viễn, Ninh Bình)
Trả lời: Tiến sỹ Nguyễn Thị Nhung – Viện Bảo vệ Thực vật tư vấn: có thể cây ớt đã bị bệnh xoăn lá vi rút, vườn ớt bị nặng là do có thể có hạt giống, cây con đã tiềm ẩn bệnh, hoặc là khi trồng ra đồng ruộng thì bị các côn trùng chích hút như rệp, bọ phấn, bọ trĩ chuyền từ cây bệnh sang cây khỏe. Các cây đã bị bệnh nặng thì nên nhổ bỏ và mang đi tiêu hủy. Cần phải kiểm tra xem nếu có các côn trùng này thì phải phòng trừ chúng bằng một trong những loại thuốc sau: KURABA 3.6 EC; KURABA WP; SUSUPES 1.9EC; BATAS 25EC; OSHIN 20 WP. Sử dụng theo liều lượng in trên bao bì.
Cây ớt đang thu hoạch thì bị chết
Hỏi: Cây ớt đang thu hoạch thì bị chết xanh, thân, lá và quả thì không có biểu hiện gì, xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục. (Chị Nguyễn Thị Hường - Phú Tân, Cà Mau)
Trả lời: Rất có thể ớt đã mắc bệnh héo xanh vi khuẩn. Cây nhiễm bệnh, biểu hiện ban đầu là các lá ngọn héo xanh gục xuống về sau thì các phía gốc tiếp tục héo xanh gục xuống dẫn đến toàn cây héo rũ gẫy gục xuống và chết. Đây là loại bệnh rất khó phòng trừ, sử dụng chất hóa học cũng không có hiệu quả cao do vậy sử dụng các cách phòng trừ như sau: Cần luân canh cây trồng, không trồng cây ớt trên đất đã trồng vụ trước là cây ớt hoặc là cây họ cà. Tốt nhất nên luân canh với cây lúa nước. Sử dụng nguồn giống kháng được bệnh, xử lý hạt giống bằng nước nóng 50 độ trong 25 phút rồi mới ươm. Sử dụng cây giống ở vườn không bị bệnh. Vệ sinh đồng ruộng dọn sạch cỏ dại. Không trồng cây trên phân hữu cơ chưa hoại mục. Bón phân cân đối, không bón nhiều đạm, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm, độ ẩm đất 70 – 80%, không để ruộng quá ướt, quá khô. Nhổ bỏ cây bị bệnh, đem đi đốt. Tránh việc tiếp xúc giữa cây bệnh và cây khỏe, lưu ý khi tưới nước, tỉa cành, thu hái trái. Khi phát hiện bệnh có thể phun phòng trừ bằng một số thuốc như: STREPTOMYCINE 50 – 200PPM hoặc KASAMIN hoặc STARNER theo hướng dẫn của nhà sản xuất.