Đào tạo kỹ năng cho lao động trong hội nhập

Thứ tư, 13/04/2016 10:03

Việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN, ký kết TPP… đã mở ra một cơ hội mới đối với Việt Nam, đây được nhìn nhận là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, muốn tận dụng cơ hội này lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực. Khi phần đông lao động nước ta chưa qua đào tạo hoặc đã qua đào tạo nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp thì đây thực sự lại là một thách thức lớn. Đặc biệt là các rào cản về ngôn ngữ vì phần đông lao động của Việt Nam vẫn chưa thành thạo ngoại ngữ để giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp
 
Hội nhập đã mở ra những cơ hội cho đất nước chúng ta nói chung và lực lượng lao động nói riêng. Trong đó, việc cho phép lao động thuộc 8 ngành: du lịch, kiểm toán, kiến trúc, nha sỹ, bác sỹ, bác sỹ, y tá, điều tra viên được quyền tự do di chuyển tìm việc làm mà Cộng đồng ASEAN cho phép là một cơ hội cho các lao động chất lượng cao của Việt Nam. Điều này sẽ giúp mở rộng thị trường lao động. Lao động Việt Nam hoàn toàn có thể có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các thị trường phát triển như Singapore, Thái Lan… Cùng với đó, thị trường Việt Nam cũng sẽ “mở cửa” để đón nhận nguồn lao động chất lượng cao từ các nước phát triển này đến làm việc. Và việc dịch chuyển lao động này là một tất yếu trong tình hình mới.
 
Việc tự do dịch chuyển lao động này cũng chính là một cuộc cạnh tranh trong chất lượng lao động của mỗi quốc gia. Lao động của Việt Nam sẽ đối mặt với việc phải cạnh tranh với lao động của các nước trong khối liên kết ngay trên sân nhà. Trong khi đó, với 8 lĩnh vực mở này, cơ hội cho lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc để có nguồn thu nhập cao là rất lớn. Muốn vậy, chính bản thân lao động của Việt Nam sẽ phải “cạnh tranh” lẫn nhau. Lúc này, đòi hỏi mỗi lao động phải nâng cao tay nghề, kỹ năng và tác phong làm việc thật sự chuyên nghiệp.
 
Trong khi đó, năng suất lao động, kỹ năng của lao động nước ta lại chỉ ở mức trung bình. Về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Việt Nam vẫn đang đứng trước thách thức khi mà chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thời gian qua có tăng nhưng không đáng kể, tính đến nay số lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng cấp chứng chỉ chỉ mới đạt hơn 20%.
 
Một trong những điểm yếu của lao động của chúng ta hiện nay chính là rào cản ngôn ngữ. Đây chính là thách thức lớn của lao động Việt Nam trong quá trình cạnh tranh với lao động các nước trong khu vực. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, kỹ năng ngoại ngữ là một trở ngại khi Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
 
Theo khảo sát của Vụ Giáo dục Đại học năm 2015 về việc sinh viên sau khi ra trường đáp ứng yêu cầu kỹ năng tiếng Anh, chỉ có khoảng 49,3% sinh viên đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, 18,9% sinh viên không đáp ứng được và 31,8% sinh viên cần đào tạo thêm. Như vậy, có thể nói vẫn còn rất nhiều sinh viên sau khi ra trường khó đáp ứng được nhu cầu giao lưu bằng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
 
Khi đánh giá về nguyên nhân dẫn đến chất lượng lao động chưa cao, ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đã từng chỉ ra rằng, hệ thống giáo dục, đào tạo của chúng ta thiên về lý thuyết, thiếu đào tạo kỹ năng. Sự chưa nhịp nhàng về cung của đào tạo và cầu của thị trường và những bất cập của hệ thống đào tạo hàng năm khiến nhiều sinh viên ra trường không có việc làm và đã xảy ra tình trạng “thủ khoa đi làm thợ mộc, kỹ sư làm xe ôm, cử nhân làm giúp việc”… Thực trạng mà ông Thường chỉ ra đã phản ánh được tình trạng bất cập giữa đầu vào và đầu ra của thị trường lao động. Việc thiếu định hướng từ chính sách đào tạo cùng với tư duy bằng cấp đã tạo nên tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, thất nghiệp cả những nguồn lao động đã được đào tạo, tạo nên một sự lãng phí rất lớn.
 
Chưa kể, ngay cả đội ngũ được coi là đã được qua đào tạo ấy cũng chưa bảo đảm được chất lượng theo yêu cầu thị trường. Có rất nhiều doanh nghiệp cho rằng, sau khi tuyển dụng đầu vào, doanh nghiệp phải mất thời gian cho chi phí đào tạo lại cho những đối tượng này mất từ 3 đến 6 tháng, mà chi phí đào tạo này của doanh nghiệp không phải là nhỏ.
 
Để khắc phục được điểm “vênh” giữa đào tạo và yêu cầu của thị trường, đồng thời nâng cao chất lượng lao động, nhất là trong điều kiện hội nhập sâu rộng như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, cần phải thay đổi tư duy đào tạo. Tư duy ấy là chuyển từ đào tạo những gì mà thị trường yêu cầu chứ không phải là đào tạo những gì mình đã có. Điều này, đòi hỏi các cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập phải quán triệt để xây dựng chương trình đào tạo khung chuẩn cũng như đội ngũ giáo viên cho phù hợp.
 
Nhìn nhận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, chương trình đào tạo của chúng ta cần tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến nơi mà thị trường lao động ở các nước đòi hỏi. Khi người lao động của Việt Nam không đáp ứng được chuẩn đó thì sẽ rất khó kiếm được việc làm tại các thị trường đó.
 
Khi có sự dịch chuyển tự do nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi, ngoài kỹ năng nghề nghiệp để có thể cạnh tranh với lao động các nước khác, lao động Việt Nam nhất thiết phải có trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Như vậy, ngoài năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, trong đó Tiếng Anh là một trong những “vé sáng” để lao động Việt Nam đủ tự tin để tìm kiếm việc làm ở thị trường cho thu nhập cao cũng như đủ sức cạnh tranh ngay trong nước khi thị thường lao động thực sự mở. Muốn vậy, các cơ sở đào tạo cần phải chú ý đến yêu cầu này, tạo điều kiện để học viên, sinh viên phát huy được thế mạnh này ngay từ khi còn đang học tập ở các cơ sở đào tạo.
 
Về vấn đề này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, phải vượt qua được rào cản ngôn ngữ thì người lao động của chúng ta hội nhập thành công vào các thị trường lao động các nước.  
 
Ngoài trình độ chuyên môn, yêu cầu ngoại ngữ thì một trong những vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng lao động đó là kỹ năng mềm. Đây là vấn đề mà theo các chuyên gia đánh giá là lao động của chúng ta đang rất thiếu. Đó là khả năng giao tiếp, làm việc nhóm. Từ thực tế hoạt động, nhiều doanh nghiệp cho rằng, sinh viên mới ra trường gần như chưa quen với xã hội công nghiệp, làm việc còn rời rạc, thiếu tính kỷ luật…Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động. Vì vậy, trong quá trình đào tạo, cũng cần có phương pháp tạo điều kiện để các học viên, sinh viên được tham gia hoạt động thực tiễn, hoạt động nhóm nhiều hơn để khi ra trường các em không phải bỡ ngỡ, các nhà tuyển dụng không phải mất chi phí cho việc phải đào tạo lại số lao động mới được tuyển dụng.
 
Lao động Việt Nam có thể sẽ giành thế chủ động ngoài việc học tốt chương trình đại học, cao đẳng và chứng chỉ nghề ở Việt Nam, nếu như có thêm được các bằng cấp quốc tế được công nhận rộng rãi ở khu vực hay trên toàn cầu. Các bằng cấp quốc tế này sẽ là “hộ chiếu” để giúp lao động Việt Nam làm việc ở các nước trên thế giới.
 
Sự thay đổi trong tư duy đào tạo, sự chủ động trang bị cho mình những điều kiện cần và đủ này của chính mỗi lao động Việt Nam sẽ giúp người lao động Việt Nam thực sự chủ động trước sân chơi hội nhập nhiều cơ hội nhưng khắt khe về luật chơi này. Nếu người lao động Việt Nam không chủ động chuẩn bị hành trang để tham “ngôi nhà lao động chung” thì việc thất bại ngay trên sân nhà không chỉ là lời cảnh báo.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top