Trồng màu ứng phó với hạn, mặn

Thứ năm, 10/03/2016 14:22

Một trong các giải pháp là những nơi nào thiếu nước sản xuất lúa, đất không nhiễm mặn quá 0,2 phần nghìn, nên chuyển đổi sang các cây trồng cạn như bắp (ngô), mè (vừng), đậu nành (đậu tương).

ĐBSCL chịu ảnh hưởng hạn, mặn gay gắt chuyển đổi sang trồng màu là việc cấp bách
 
Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua đang ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất lúa. Một trong các giải pháp là những nơi nào thiếu nước sản xuất lúa, đất không nhiễm mặn quá 0,2 phần nghìn, nên chuyển đổi sang các cây trồng cạn như bắp (ngô), mè (vừng), đậu nành (đậu tương).
 
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống đã và đang diễn ra ngày càng rõ rệt. Theo Tổng cục Thủy lợi, tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, từ 2014 đến nay, do hiện tượng El Nino nên mùa mưa đến trễ, kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên các lưu vực sông thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 - 50%.
 
Qua theo dõi từ 2014 đến nay, nhiều mô hình trồng bắp và đại trà đã thành công trong các vụ. Năng suất bắp vụ xuân hè, hè thu ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) và huyện An Phú (An Giang) đã đạt trên 10 tấn hạt khô/ha, lợi nhuận so với sản xuất lúa trên cùng loại đất tăng từ 20 - 30%.
 
Tại vùng đất xám ở huyện Đức Hòa (Long An), năng suất bắp ở ruộng mô hình và ruộng đại trà của nông dân đã đạt 7 - 8 tấn hạt khô/ha trong vụ xuân hè, lợi nhuận so với sản xuất lúa cùng vụ vượt 20% trên cùng loại đất.
 
Năng suất bắp ở mô hình và đại trà của nông dân đã đạt hơn 10 tấn hạt khô ở vụ xuân hè tại huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) và hơn 8 tấn/ha trong vụ xuân hè ở huyện Phong Điền (Cần Thơ), lợi nhuận vượt 20 - 30% so với lúa cùng vụ trên cùng loại đất.
 
Nghĩa là trong mô hình và ở đại trà, những nơi nông dân đã quen trồng bắp được vài ba vụ, diện tích bắp đang được mở rộng khi hạn hán nặng, thiếu nước đối với sản xuất lúa. Các giống bắp được đưa vào sản xuất gồm DK6919, DK9901, CP333, PAC339, LCH9 (giống phù hợp cho cả thu lấy hạt hoặc thu thân lá khi chín sữa làm thức ăn xanh), SSC474…
 
Nhiều tỉnh như Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang và Long An đang áp dụng các giống đậu nành của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam như HL07-15,HLĐN29 trong sản xuất đại trà và một số giống mới, thích ứng cơ giới hóa như HLĐN910, HLĐN908, HLĐN904, HLĐN7940. Các giống này đều đạt năng suất hơn 2 tấn hạt khô/ha ở những loại đất chuyển đổi, góp phần cải tạo đất, tiết kiệm chi phí đạm.
 Nông dân các tỉnh đều sẵn sàng chuyển đổi, với điều kiện có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra và dịch vụ cơ giới hóa từ làm đất, lên luống, chăm sóc, thu hoạch, tách hạt. Hiện chi phí sản xuất bắp tới 15 -16 triệu đồng tiền công lao động, chiếm hơn 50% giá thành sản xuất. Chi phí lao động sản xuất bắp của Mỹ, Brazil, Argentina thấp hơn ta rất nhiều, chỉ 5 - 10%. Thậm chí tại Mỹ nhiều diện tích bắp đã tự động hóa gần như toàn bộ. Vì vậy giá thành bắp, đậu nành của họ thấp, bán rẻ cho chúng ta được.
 
Các giống mè của Viện như ĐH1, NA2 cũng đang được phát triển mạnh tại các tỉnh trên. Một số giống triển vọng khác như V6, TQ36 đều có thời gian sinh trưởng ngắn (65 - 70 ngày), thích hợp vùng bị hạn, năng suất đạt khá (hơn 1,5 tấn hạt khô/ha), mang lại lợi nhuận vượt 30% so với lúa.
 
Tuy nhiên qua số liệu điều tra tại các tỉnh Long An, Hậu Giang, Đồng Tháp những nơi nào đạt năng suất bắp xuân hè thấp hơn 7 tấn/ha ở đất phù sa, hoặc thấp hơn 6 tấn/ha ở đất xám hoặc thấp hơn 5 tấn/ha ở đất thịt nặng (như huyện Phong Điền, Cần Thơ) thì nông dân không có lời, thậm chí một số hộ bị lỗ.
 
Nhưng, cũng tại cùng địa điểm, nhiều nông dân khác vẫn có lời, do họ tuân thủ tốt quy trình canh tác đạt năng suất cao, biết áp dụng các máy cơ giới bán thủ công (như máy gieo hạt cầm tay), có áp dụng máy lên luống và máy tách hạt nên tiết kiệm chi phí.
 
Bên cạnh công tác nghiên cứu giống và biện pháp kỹ thuật canh tác, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, 2 năm qua Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã kết nối với Công ty TNHH Vinamach (Thủ Đức, TPHCM). Doanh nghiệp này làm dịch vụ và cung cấp các loại máy làm đất, lên luống, chăm sóc cho bắp, đậu nành, mè tại các vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Ngoài ra, Viện còn kết nối với Xưởng cơ khí Tiến Thành, TX Long Khánh (Đồng Nai) chuyên chế tạo và cung cấp các loại máy tách hạt bắp cả vỏ. Các doanh nghiệp trên đã cấp máy và có hợp đồng dịch vụ tại một số tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Việc bao tiêu đầu ra, luôn là mối quan tâm của nông dân và các nhà quản lý, Viện cũng kết nối với Công ty CP Hiệp Quang (TPHCM) bao tiêu sản phẩm bắp, đậu nành, mè. Mỗi năm Công ty nhập hàng triệu tấn bắp và đậu nành từ nước ngoài về nên rất muốn xây dựng vùng nguyên liệu tại các vùng của Việt Nam, với điều kiện quy mô đủ lớn và nông dân dùng ít chủng loại giống.
 
Hiệp Quang có thể hợp đồng mua bắp tại đồng ruộng, tách hạt bằng máy, mang về xưởng sấy tại Công ty. Nếu các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trên vào cuộc thì nông dân mới an tâm sản xuất và phấn khởi có lời. Đề nghị Nhà nước có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp cơ giới, đầu tư sản xuất các cây màu tại Đồng bằng sông Cửu Long.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top