Cân nhắc cho doanh nghiệp phát sóng khu vực mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ

Thứ hai, 20/02/2017 10:51

Hiện có nhiều ý kiến đề nghị Bộ TT&TT xem xét mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình khu vực, vì giới hạn về khu vực được cung cấp dịch vụ tạo khó khăn cho các doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh.

Khi triển khai số hóa truyền hình, nhà nước đặt mục tiêu sẽ hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng truyền hình cạnh tranh, các đài phát thanh truyền hình sẽ tập trung phát triển nội dung, còn phần truyền dẫn phát sóng sẽ do các công ty được nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ đảm nhận, thông qua hợp đồng kinh tế với các đơn vị sản xuất nội dung.
 
Tính đến thời điểm này, đã có 3 doanh nghiệp được cấp giấy phép thiết lập hạ tầng mạng và mỗi đơn vị được cấp 3 kênh tần số để cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng. Trong đó, Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) được cấp phép cung cấp dịch vụ trên toàn quốc, còn hai công ty là Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV) được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ ở khu vực Nam Bộ, Công ty Cổ phần truyền dẫn, phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
 
Hai đài truyền hình lớn là VTV và VTC được quy hoạch cho 3 kênh tần số để phát sóng truyền hình số, tuy nhiên VTV và VTC chưa hình thành được doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng theo đúng quy định của Luật Viễn thông nên các kênh tần số này chỉ dùng để phát sóng các kênh của các đài này, còn hai đơn vị này chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các đơn vị khác.
 
Tại phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình mới đây,  đặt ra vấn đề có nên tiếp tục phân biệt giữa doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực với doanh nghiệp phát sóng toàn quốc hay không, khi mà giới hạn này đã bắt đầu tạo ra những rào cản cho hai doanh nghiệp khu vực là SDTV và RTB trong thời gian qua.
 
Cụ thể, RTB được quy hoạch tần số cung cấp dịch vụ cho 14 đài PT-TH khu vực Bắc Bộ, trong giấy phép Bộ TT&TT yêu cầu RTB phải hình thành hệ thống truyền dẫn phát sóng tại các tỉnh này. Nhưng hiện nay RTB gặp khó khăn vì có 3 tỉnh đã từ chối chưa thỏa thuận sử dụng dịch vụ của RTB là Hải Dương, Nam Định và Bắc Giang với lý do kênh truyền hình của các địa phương này đang được VTV hỗ trợ phát sóng trên hệ thống của VTV. Một số địa phương khác đang cân nhắc chuyện thuê RTB hay thuê VTV, hoặc AVG để phát sóng kênh truyền hình địa phương.  Dịch vụ truyền dẫn phát sóng được hoạt động theo cơ chế thị trường, các đài địa phương có quyền chọn lựa nhưng giới hạn về phạm vi cung cấp dịch vụ đã tạo là những cái khó cho doanh nghiệp khu vực khi triển khai đầu tư và cung cấp dịch vụ.
 
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình không thể cấm VTV hỗ trợ phát sóng cho địa phương, việc VTV hỗ trợ là tốt. Tuy nhiên, VTV đã xác định sẽ không thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng, cho nên khi chưa thành lập doanh nghiệp thì VTV không được cung cấp dịch vụ. Nếu VTV hỗ trợ hợp tác với các đài địa phương thì nhà nước không có cơ sở ngăn cấm, còn nếu VTV phát sóng cho các đơn vị khác mà có hợp đồng kinh tế và thu tiền thì sẽ bị “tuýt còi” ngay.
20170220-shth1.jpg
Vùng phủ sóng số DVB-T2 được SDTV tích cực triển khai.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc công ty SDTV đã chính thức kiến nghị Bộ TT&TT xem xét cho phép mở rộng vùng phát sóng thay vì giới hạn trong khu vực như hiện nay.
 
“SDTV không mong muốn mở rộng cung cấp dịch vụ trên cả nước, nhưng khi hình thành thị trường thì cần tạo sự bình đẳng trong kinh doanh. Nếu một khách hàng xem xét lựa chọn thì doanh nghiệp khu vực như SDTV hay RTB sẽ ít lợi thế hơn một doanh nghiệp toàn quốc như AVG”, ông Hòa cho hay.
 
Cũng theo ông Hòa, truyền dẫn phát sóng cần đầu tư 8 năm mới thu hồi vốn, nếu không mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ thì SDTV sẽ mất khách hàng rất nhiều. Hiện nay thị trường của SDTV là 20 tỉnh, chỉ cần 1/3 trong số 20 tỉnh này từ chối sử dụng dịch vụ là SDTV sẽ không thể cân đối thu chi.
 
Ông Đoàn Quang Hoan cũng cho rằng, phần phát sóng khi triển khai Đề án Số hóa truyền hình có phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc, nguyên nhân chính là cách hình thành và quản lý thị trường của nhà nước. Một địa bàn Bắc Bộ có 14 khách hàng, có 3 đơn vị đang cung cấp dịch vụ, địa phương có quyền lựa chọn trong số 3 đơn vị này. Việc giới hạn phạm vi cung cấp dịch vụ đang đẩy khó khăn cho doanh nghiệp khu vực khi phải tính toán cung cấp dịch vụ đảm bảo thu bù chi, trong khi nhà nước không hỗ trợ gì hết.
 
“Theo cơ chế thị trường hạn chế về địa bàn cung cấp dịch vụ với các doanh nghiệp khu vực là không hợp lý”, ông Hoan nhấn mạnh.
 
Bà Lại Thị Bích, Ủy viên HĐQT công ty RTB, mới đây cũng kiến nghị Bộ TT&TT cho phép RTB không lắp đặt máy phát sóng truyền hình số DVB-T2 tại các tỉnh không ký hợp đồng với RTB để cung cấp dịch vụ phát sóng.
 
Trước các kiến nghị này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo Viện Chiến lược TT&TT chủ trì nghiên cứu để sửa đổi một số quy định trong Quyết định 2451 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có xem xét việc có sửa đổi quy định hạn chế cung cấp dịch vụ theo vùng địa lý cho doanh nghiệp khu vực nữa hay không.
 

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top