Không để người nghèo bị thiệt thòi khi số hóa truyền hình

Thứ tư, 15/02/2017 15:32

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: "Bộ TT&TT quyết tâm sẽ triển khai số hóa truyền hình giai đoạn 2 đúng kế hoạch. Làm gì thì làm không được để ảnh hưởng tới người dân vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc, hộ nghèo, cận nghèo khi số hóa truyền hình".

Tại phiên họp thứ 13, Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình vào ngày 14/2/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu Ban quản lý Chương trình Viễn thông công ích và Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích phải sớm trình Dự án Hỗ trợ đầu thu truyền hình mặt đất cho các tỉnh bị ảnh hưởng khi tắt sóng truyền hình analog vào ngày 1/7/2017 tới đây.
 
Theo tính toán của Cục Tần số Vô tuyến điện, trong số các tỉnh sẽ tắt sóng truyền hình analog đợt này có gần 590.000 hộ nghèo, cận nghèo, lớn hơn tổng số đầu thu đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo của giai đoạn 1 và đợt 1 của giai đoạn 2. Số lượng đầu thu lớn, địa bàn hỗ trợ cũng trải rộng nên việc hỗ trợ đầu thu phải được làm khẩn trương.
 
Cũng liên quan đến hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo khi số hóa truyền hình, tại phiên họp này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã giao cho Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông chủ trì nghiên cứu sửa đổi Quyết định 2451 của Thủ tướng Chính phủ để xác định rõ lại phạm vi triển khai Đề án số hóa truyền hình là những địa bàn trước kia người dân thu xem được truyền hình analog hay bao gồm cả những địa bàn khác.
 
Trên thực tế khi triển khai Đề án số hóa truyền hình đã phát sinh ra một số bất cập trong việc xác định phạm vi triển khai đề án để thực hiện hỗ trợ đầu thu cho hộ gia đình trong vùng bị ảnh hưởng khi tắt sóng truyền hình analog. Hiện tại nhiều địa phương vùng phủ sóng truyền hình số rộng hơn vùng phủ sóng truyền hình analog trước kia, do đó một số vùng lõm sóng trước kia người dân không xem được truyền hình analog, nay cũng đã xem được truyền hình số.
 
Vậy câu hỏi đặt ra cho các cơ quan quản lý là: Những hộ gia đình ở vùng lõm nay đã xem được truyền hình số có thuộc diện được hỗ trợ đầu thu hay không?
 
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nêu rõ: "Vùng lõm sóng là những khu vực vùng sâu, vùng xa, không ít nơi là vùng đồng bào dân tộc, có nhiều khó khăn. Trước đây đồng bào đã thiệt thòi vì không được xem truyền hình, giờ có truyền hình số sẽ không để người dân ở vùng lõm sóng trước kia tiếp tục bị thiệt thòi vì không có thiết bị thu xem truyền hình số". 
 
Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ TT&TT quyết tâm sẽ triển khai số hóa truyền hình giai đoạn 2 đúng kế hoạch. Làm gì thì làm không được để ảnh hưởng tới người dân vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc, hộ nghèo, cận nghèo khi số hóa truyền hình.
 
20170215-shth1.jpg
Hộ nghèo được nhận hỗ trợ đầu thu của nhà nước khi số hóa truyền hình. Ảnh: Việt Hải
Hiện tại, Cục Tần số Vô tuyến điện đã tính toán xác định vùng thực hiện số hóa và hỗ trợ đầu thu DVB-T2 gửi Ban Quản lý Chương trình Viễn thông công ích để làm cơ sở phối hợp với địa phương trong việc xác định địa bàn, số lượng hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ đầu thu DVB-T2 tại các tỉnh nhóm II sẽ thực hiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 01/7/2017. Số lượng hộ nghèo, cận nghèo dự kiến hỗ trợ đầu thu truyền hình số 584.789 hộ.
 
Theo tiến độ thực hiện dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tại 15 tỉnh như sau: Từ tháng 3/2017 - 15/5/2017 sẽ thực hiện các công việc lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật hiện hành. Từ 16/5/2017 - 30/6/2017, nhà thầu tiến hành triển khai lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất ở địa phương.
 
Trong năm 2016, Bộ TT&TT đã thực hiện hỗ trợ cho 516.030 hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện hỗ trợ trong vùng ảnh hưởng của việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Liên quan đến vai trò và vị trí của chính quyền địa phương khi triển khai số hóa truyền hình, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích cho hay, UBND tỉnh, Sở TT&TT, Sở LĐ và TBXH có vai trò chính trong triển khai hỗ trợ đầu thu cho người nghèo, bởi vì các đối tượng nhận hoàn toàn nằm ở địa phương, danh sách do địa phương quản lý. Do đó, khi lắp đặt cho các hộ dân có vai trò rất lớn của địa phương các cấp. Để công tác lắp đặt đầu thu cho người dân được thuận lợi thì UBND tỉnh cần có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương các cấp vào cuộc, phối hợp với nhà thầu thì mới hạn chế được những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt.
 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng khẳng định, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm chính, chủ động trong việc tổ chức tuyên truyền tới người dân, trong quá trình thực hiện hỗ trợ đầu thu cho người dân. Không nên có quan điểm đây là việc của Bộ TT&TT, việc của Trung ương.
 
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top