Lợi nhuận của ngành thuốc lá và những tổn thất do thuốc lá gây ra: Cuộc chiến dai dẳng

Thứ năm, 16/02/2017 15:27

Theo tính toán, việc sử dụng thuốc lá gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD cho nền kinh tế thế giới mỗi năm. Chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm từ 6-15% tổng chi phí y tế. Chi phí xã hội cho việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá tại Mỹ chiếm 1,6 GDP, tại Canada là 2,2%, tại Trung Quốc là 1,7%. Còn tại Việt Nam, tổng số tiền người dân bỏ ra mua thuốc hút năm 1998 hơn 5.000 tỷ đồng, đến năm 2002 số tiền này đã tăng gấp đôi là 10.400 tỷ đồng và năm 2007 là 14.000 tỷ đồng.

20170315-n5.jpg
Một người nông dân trồng thuốc lá Indonesia đang hút một điếu thuốc khổng lồ
 
Không những thế, ở các nước đang phát triển hiện nay, đặc biệt tập trung nhiều ở khu vực châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam,… thuốc lá đang là nguyên nhân khiến cho người dân nghèo thêm nghèo bởi chi phí bỏ ra để sử dụng thuốc lá của họ hàng năm quá lớn. Tuy ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp nhất định cho ngân sách nhiều quốc gia, nhưng các quốc gia bên cạnh gánh nặng về chi trả phí cho người dân chữa bệnh tật do sử dụng thuốc lá còn phải gánh chịu những tổn thất nặng nề từ chính thuốc lá gây ra.
 
Sử dụng thuốc lá đã được Tổ chức Y tế Thế giới xếp là yếu tố nguy cơ thứ hai trong số 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển. Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới, đến năm 2020 số người chết vì sử dụng thuốc lá trên thế giới sẽ nhiều hơn tổng số người chết vì HIV/AIDS, bệnh lao và tai nạn giao thông đường bộ cộng lại.
 
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, từ lâu ngành công nghiệp thuốc lá đã nhắm vào giới trẻ để tạo ra một lớp người nghiện thuốc lá mới thay cho những người đã bỏ thuốc lá hoặc đã qua đời. Ở phương Tây, do tỷ lệ người hút thuốc lá suy giảm nên ngành công nghiệp này đã chuyển mục tiêu sang các nước đang phát triển.
 
Qua các tài liệu của các tổ chức chuyên nghiên cứu về tác hại của thuốc lá thì gần nửa số người hút thuốc lá trên thế giới chủ yếu tập trung ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, trong đó có rất nhiều người hút thuốc lá từ khi còn rất trẻ.
 
Ở Trung Quốc, cứ 10 thiếu niên 14 tuổi thì có một người nghiện thuốc lá. Ở Indonesia, 1/3 học sinh cho biết các em bắt đầu hút thuốc trước khi lên 10 tuổi.
 
Bà Susan Lawrence – người đứng đầu Chiến dịch Trẻ em Không hút thuốc lá ở Trung Quốc cho biết, có rất nhiều lí do khiến trẻ em Trung Quốc hút thuốc và một trong số đó là do Trung Quốc có tỉ lệ người hút thuốc lá rất cao khiến cho trẻ em bắt chước. Một nguyên nhân khác là do các em chịu ảnh hưởng quan niệm xã hội cho rằng hút thuốc lá là chuyện bình thường và thể hiện nam tính. Do đó, vì có nhiều đàn ông hút thuốc nên những đứa trẻ muốn trông giống người lớn cũng tập hút theo.
 
Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm quảng cáo thuốc lá thế nhưng rõ ràng những chiến dịch khuyến mại và tài trợ đang hướng mục tiêu vào giới trẻ. Bà nói: “Rất nhiều trường học ở nông thôn mang tên các hãng thuốc lá. Họ tổ chức chiến dịch khuyến mại ở các khu siêu thị lớn, những buổi nhảy breakdance hoặc ca nhạc với sự tham gia của các ca sỹ nổi tiếng để thu hút đám đông, trong đó có rất nhiều trẻ em”.
 
Theo bà Lawrence, ở Trung Quốc, thuế thuốc lá là 40% giá bán lẻ trong khi tiêu chuẩn thế giới là 65%. “Một trong những vấn đề Trung Quốc đang phải đối mặt là để duy trì mức thuế thấp đối với mặt hàng thuốc lá, ngành công nghiệp nội địa đã bao cấp cho việc sản xuất thuốc lá giá rẻ. Họ cho rằng nó sẽ đóng góp cho đất nước vì nó có thể đáp ứng nhu cầu của những người dân có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này lại rất nguy hiểm và có hại vì nó đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều thuốc lá giá rẻ xuất hiện ở nông thôn. Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm với vấn đề giá cả hàng hoá. Chúng thường không có nhiều tiền và vì vậy, việc duy trì giá thuốc lá cao thực sự là một biện pháp hữu hiệu để giảm tỉ lệ trẻ em hút thuốc nhằm giúp chúng tránh được việc nghiện thuốc trong suốt cuộc đời”, bà cho biết.
 
Còn ở Indonesia, khoảng gần một nửa các hộ gia đình chi tiền để mua thuốc lá nhiều hơn so với bất kỳ mục đích nào khác ngoài lương thực thực phẩm – con số thống kê này cũng giống với nhiều vùng khác ở Đông Nam Á. Bà Dina Kania – tình nguyện viên thuộc Tổ chức Quốc gia Bảo vệ Trẻ em của Indonesia (Indonesia’s National Commission for Child Protection) cho rằng ngành công nghiệp thuốc lá đã hướng thẳng mục tiêu vào giới trẻ thông qua các chương trình tài trợ.
 
“Chúng tôi đã để ý họ từ năm 2008 và chúng tôi nhận thấy rõ họ đang hướng mục tiêu vào giới trẻ. Chúng tôi đã xem xét 1350 sự kiện được ngành công nghiệp thuốc lá tài trợ và nhận thấy hầu hết những sự kiện trên đều có trẻ em và thiếu niên tham gia”, bà cho biết.
 
Hiệp định khung kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO’s Framework Convention on Tobacco Control) năm 2003 đã đề ra biện pháp để các nước kiểm soát ngành công nghiệp thuốc lá, bao gồm các chính sách về thuế, quảng cáo và phân phối thuốc lá. Nhưng một điều đáng nói là hiện nay, Indonesia hiện chưa phải là một thành viên ký kết Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá. Tiến sĩ Surin Pitsuwan đã từng là Ngoại trưởng Thái Lan và nay là Tổng thư ký ASEAN cho biết công chúng nước này vẫn còn rất ít nhận thức về tác hại của thuốc lá. Chính phủ Indonesia hiện tại không hoạt động tích cực lắm trong lĩnh vực này do đây không phải là vấn đề ưu tiên. Các cuộc phản biện xã hội ở Indonesia cũng ít đề cập đến nội dung này. “Hi vọng rằng khi chống thuốc lá trở thành một trong những vấn đề trọng tâm của ASEAN thì tình hình ở Indonesia có thể được cải thiện” tiến sĩ Surin Pitsuwan nói thêm.
 
Bà Kania cho biết, chính phủ Indonesia đang lưỡng lự trong việc đề ra những quy định mới cho ngành công nghiệp thuốc lá bởi đã từ lâu, thu nhập của chính phủ chủ yếu dựa trên số thuế thu được từ ngành này. Bà phát biểu: “Đó là lý do tại sao chính phủ không tán thành những đề nghị của chúng tôi muốn việc kiểm soát ngành công nghiệp thuốc lá mặc dù đó là những lời đề nghị mang tính xây dựng. Chính phủ tin họ hơn tin chúng tôi.”
 
Tại Ấn Độ, Venkat Regunathan là một nhà hoạt động đã một mình vận động để có được không gian trường học và công sở không thuốc lá. Ấn Độ là nước tiêu thụ thuốc lá nhiều thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và Indonesia. Regunathan nói: “Có rất nhiều quy tắc và quy định nhưng không được thực thi. Nếu chính phủ quyết tâm thực hiện thì chắc chắn sẽ có thể làm rất nhiều điều nữa.”
 
Các ý kiến của chuyên gia đều cho rằng, người nghèo là nhóm người nhạy cảm với giá cả nhất, vì vậy nếu tăng thuế thuốc lá, sẽ có rất nhiều người bỏ thuốc lá hoặc hút ít hơn rất nhiều. Hơn nữa, nó không chỉ tác động tích cực tới thu nhập của các gia đình vì có rất nhiều người nghèo tiêu tốn 12-15% thu nhập để mua thuốc, mà nó còn giúp giảm tỷ lệ người mắc bệnh liên quan đến thuốc lá. Bệnh tật có thể nhanh chóng đẩy con người vào tình trạng đói nghèo do phúc lợi xã hội không thể chi trả nổi những khoản chi phí quá cao cho họ để điều trị bệnh. Việc tăng thuế thuốc lá và giảm bao cấp với ngành công nghiệp này sẽ không tác động tiêu cực tới người nghèo mà ngược lại, nó còn thực sự hữu ích cho họ về mọi mặt.
 
Tại Hội nghị về thuốc lá và sức khỏe Châu Á-Thái Bình Dương diễn ra gần đây, Tiến sĩ Pitsuwan đã chỉ ra rằng nếu ASEAN thực sự mong muốn xây dựng một cộng đồng thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2015, các nước thành viên cần phải nỗ lực hơn trong việc tấn công vào ngành sản xuất thuốc lá, bao gồm giải quyết các vấn đề liên quan đến người nông dân.
 
Về nguyên nhân dẫn đến việc khó giảm lượng sản xuất thuốc ở một số nước, là do nhiều chính phủ có phần phụ thuộc vào nguồn thu thuế từ kinh doanh thuốc lá và tình trạng hối lộ không phải là hiếm gặp.
 
Tiến sĩ Pitsuwan nói: “Tôi nghĩ rằng người dân phải được biết rằng sức khỏe của mình đang có nguy cơ bị ảnh hưởng do một số công chức đang trở thành con rối. Trớ trêu là những người này hiểu biết hơn, họ không hút thuốc, cả gia đình họ không hút thuốc. Thế nhưng họ gần như sẵn lòng trở thành công cụ và đối tác trong chiến lược của các công ty thuốc lá. Đây là điều cần phải thay đổi nhưng đó là một cuộc chiến gian nan”.
 
T.Bình
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top