Lịch sử phát triển

LỊCH SỬ NGÀNH THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG VIỆT NAM
 
Lịch sử ngành Thông tin Truyền thông Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, gắn liền với sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng tổ quốc.
 
I. Giai đoạn 1945-1954
* Lĩnh vực Bưu điện
- Thời kỳ 1930-1945: Đảng thành lập và lãnh đạo đội quân giao thông cách mạng làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, công văn, tài liệu, chỉ thị của Đảng tới các cấp ủy và chính quyền địa phương trong cả nước.
- Ngày 14-15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương ra Nghị quyết thành lập “Ban giao thông chuyên môn”. Từ đó ngày 15/8 được lấy làm ngày truyền thống của ngành Bưu điện.
- Năm 1945, cách mạng Tháng Tám thành công. Ngành Bưu điện phục vụ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để hoàn thành hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc.
- Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp 1945-1954, BĐVN đã trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng mạng lưới thông tin liên lạc luôn được giữ vững với ba phương thức thông tin điện thoại, vô tuyến điện, đường thư. Thời kỳ này tồn tại 2 hệ thống: Giao thông liên lạc của Đảng và hệ thống Bưu điện.
- Ngày 28/6/1947, Bộ Giao thông công chính đã ban hành Nghị định số 335/NĐ tổ chức lại ngành Bưu điện thành 3 Nha Bưu điện trong cả nước.
- Ngày 02/4/1948, Bộ Giao thông - Công chính ra Nghị định số 33/NĐ về tổ chức bộ máy Bưu điện Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.
- Ngày 12/6/1951, Chính phủ quyết định sáp nhập ngành Vô tuyến điện hành chính vào ngành Bưu điện. Nha Bưu điện đổi thành Nha Bưu điện - Vô tuyến điện Việt Nam.
 
* Lĩnh vực Thông tin tuyên truyền
- Ngày 28/8/1945, Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có Bộ Thông tin- Tuyên truyền (Việt Nam Dân quốc Công báo số l ngày 29/9/1945).
- Ngày l/l/1946, Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Bộ Tuyên truyền và Cổ động (Việt Nam Dân Quốc Công báo số l ngày 5/l/1946).
- Ngày 13/5/1946, Nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ấn định hệ thống tổ chức thông tin, tuyên truyền trong cả nước có Nha Tổng giám đốc Thông tin, Tuyên truyền, dưới quyền chỉ huy và kiểm soát trực tiếp của Bộ Nội vụ (Việt Nam Dân quốc Công báo ngày 25/5/1946).
- Ngày 27/11/1946, Sắc lệnh số 224/SL của Chủ tich nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đổi thành Nha Thông tin (Tổng mục lục luật lệ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 - 1961, trang 152).
- Ngày 22-2-1947, Nghị định số 265 NgÐ của Bộ Nội vụ, tổ chức Nha Thông tin (Việt Nam Dân quốc Công báo số 8-47, trang 50).
- Ngày 10-7-1951, Sắc lệnh số 36/SL của Chủ tich nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sáp nhập Nha Thông tin thuộc Bộ Nội vụ vào Thủ Tướng phủ (Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa số 7 ngày 15-8-1951, trang l08).
- Ngày 24-2-1952, Sắc lệnh số 83/SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hợp nhất Nha Thông tin thuộc Thủ Tướng phủ và Vụ Văn học, nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục thành Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng phủ (Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa số 2/52, trang 10).
- Tháng 8/1954, Thông cáo của Hội đồng Chính phủ họp kỳ trung tuần tháng 8/1954, quyết định lập Bộ Tuyên truyền (Công báo số 9-1954, trang 88).
 
II. Giai đoạn 1954-1975
 
* Lĩnh vực Bưu điện
- Từ năm 1954-1975, ngành Bưu điện đã phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc, phục vụ thông tin cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào và Cămpuchia.
* Tại miền Bắc
- Ngày 8/3/1955, Nha Bưu điện-Vô tuyến điện Việt Nam được đổi tên thành Tổng cục Bưu điện Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Bưu điện.
- Ngày 13/5/1961 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 63/CP tách Tổng cục Bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông và Bưu điện, đặt thành cơ quan trực thuộc Chính phủ
- Ngày 09/2/1962, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 12/CP giao thêm nhiệm vụ quản lý các cơ sở kỹ thuật truyền thanh, phát thanh và sự nghiệp phát triển truyền thanh, phát thanh sang cho Tổng cục Bưu điện.
- Ngày 18/2/1962, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra thông báo về việc đổi tên Tổng cục Bưu điện Việt Nam thành Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh Việt Nam.
- Ngày 17/6/1965, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 101/CP thành lập Cục Bưu điện Trung ương thuộc Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh.
- Ngày 21/12/ 1967 Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 219/TTgCN tách phần phát thanh và truyền thanh ra khỏi Tổng Cục Bưu điện.
- Ngày 21/1/1968 Hội đồng Chính phủ quyết định đổi tên Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh thành Tổng cục Bưu điện.
 
* Tại miền Nam
Bưu điện Nam Trung Bộ
- Năm 1965-1968 là thời kỳ mạng thông tin vô tuyến điện phát triển đều khắp miền Trung
- Đầu năm 1975, Khu ủy khu V chủ trương thành lập Ban Bưu điện khu V để thống nhất hai lực lượng giao bưu và thông tin trong toàn khu.
Bưu điện Nam Bộ
Do nét đặc thù của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Nam Bộ, Bưu điện Nam Bộ đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương cục miền Nam, được phân ra hai ngành có quan hệ mật thiết với nhau là: “Giao bưu” và “Thông tin vô tuyến” để dễ chỉ đạo và hoạt động.
- Tháng 7/1975, Tổng cục Bưu điện miền Nam được thành lập theo Quyết định số 024/QĐ-75 của Thường vụ Trung ương Cục.
- Ngày 19/8/1975, Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện chính thức đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ cho phép ngành Bưu điện được thống nhất quản lý toàn diện theo ngành dọc trong phạm vi cả nước.
 
* Lĩnh vực Thông tin tuyên truyền
- Ngày 20/9/1955, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa thứ V đã thông qua việc đổi tên Bộ Tuyên truyền thành Bộ Văn hóa (Công báo số 14/55, trang 192).
- Ngày 11/10/1965, ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định phê chuẩn thành lập một cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ lấy tên là Tổng cục Thông tin (Công báo số 14/65, trang 205).
- Ngày 6/6/1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thành lập Bộ Thông tin - Văn hóa.
 
III. Giai đoạn 1976 đến tháng 8/2007
* Lĩnh vực Bưu điện
- Năm 1976, Tổng cục Bưu điện đã tham gia: Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) .
- Ngày 2/11/1979, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định 390/CP xác định: “Ngành Bưu điện là cơ quan thông tin liên lạc của Đảng và chính quyền các cấp, đồng thời là một ngành kinh tế-kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân, hoạt động theo phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa và chế độ hạch toán kinh tế”.
- Ngày 15/8/1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 121-HĐBT ban hành Điều lệ Bưu chính và Viễn thông.
- Ngày 31/3/1990, Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam ra Quyết định số 224/NQ-HĐNN giao cho Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện đảm nhận chức năng quản lý nhà nước đối với ngành Bưu điện.
- Ngày 7/4/1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 115/HĐBT chuyển Tổng cục Bưu điện thành Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, nằm trong Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện.
- Ngày 26/10/1992, Chính phủ ra Nghị định số 03/CP về việc thành lập Tổng cục Bưu điện là cơ quan trực thuộc Chính phủ, có chức năng quản lý nhà nước về Bưu chính Viễn thông, kỹ thuật truyền dẫn tín hiệu Phát thanh Truyền hình và công nghiệp Bưu điện trong cả nước.
- Ngày 7/5/1994, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 91/TTg chuyển Tổng công ty Bưu chính-Viễn thông thành tập đoàn kinh doanh của Nhà nước.
- Năm 1993-2000, thực hiện thành công chiến lược tăng tốc và chuyển sang Chiến lược Hội nhập và Phát triển.
Các giai đoạn từ 1994-1998, 1998-2002 và 2002 đến nay, Ngành Bưu điện là thành viên của Hội đồng điều hành Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Từ 1999 đến nay là thành viên của Hội đồng điều hành Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), tái cử nhiệm kỳ 2 tại Đại hội lần thứ 23 (15/9-5/10/2004).
Năm 1995, khởi động cạnh tranh với việc thành lập Công ty cổ phần dịch vụ BCVT Sài Gòn  và Công ty Viễn thông Quân Đội.
Ngày 29/4/1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 249/TTg về việc thành lập Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam trực thuộc Chính phủ.
Ngày 11/3/1996, Chính phủ ra Nghị định số 12/CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện.
- Ngày 11/11/2002, Chính phủ ra Nghị định số 90/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông.  Bộ Bưu chính, Viễn thông là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia trong phạm vi cả nước.
- Năm 2003, ngành Bưu chính, Viễn thông thực sự chuyển từ độc quyền công ty sang cạnh tranh tất cả các loại dịch vụ.
 
* Lĩnh vực Thông tin tuyên truyền
- Ngày 13/7/1977, Quyết định số 96 NQ/QHK6 của ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VI phê chuẩn việc hợp nhất Tổng cục Thông tin và Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin (Công báo số 13/1977, trang 153).
- Ngày 24/6/1981, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VII kỳ họp thứ nhất từ ngày 24-6 đến 4-7-1981 đổi tên Bộ Văn hóa và Thông tin là Bộ Văn hóa (Công báo số 19, tháng 10-1981, trang 393).
- Ngày 16/2/1987, Hội đồng Nhà nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định thành lập Bộ Thông tin (Phụ lục Công báo số 2/87, trang 18).
- Ngày 31/3/1990, Hội đồng Nhà nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết đinh thành lập Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch (Quyết định số 244 NQ/NN).
- Ngày 27/7/1991, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 9 đổi thành Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao
- Ngày 30/9/1992, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ nhất quyết định đổi thành Bộ Văn hóa - Thông tin.
 
IV. Giai đoạn 8/2007 đến nay
Tháng 8/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa – Thông tin. Lịch sử ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam lại bước sang một trang mới. Việc thành lập Bộ Thông Tin và Truyền Thông thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông của thế giới.
 
Các lĩnh vực bưu chính, viễn thông – Internet, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản đã tạo động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Lĩnh vực công nghệ thông tin đã có bước phát triển tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong xã hội đang ngày càng phổ biến, những lợi ích đem lại cho xã hội ngày càng lớn. Hoạt động báo chí, xuất bản và phát hành đã có bước chuyển mới theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước.
 
Với vai trò là người dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số nhằm phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chiến lược và định hướng chính sách phát triển với tầm nhìn: Ngành Thông tin và Truyền thông trong giai đoạn mới với hai sứ mạng: Tạo ra niềm tin, đồng thuận xã hội và khát vọng dân tộc; Thúc đẩy chuyển đổi số, công nghệ số vào mọi lĩnh vực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra sự tăng trưởng, tăng năng suất lao động, đưa Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, thành nước phát triển.
 
Một số mốc phát triển từ khi thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông đến nay:
- Luật Công nghệ thông tin đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006.
- Từ ngày 1/1/2008, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam chính thức đi vào hoạt động
- Tháng 4/2008, vệ tinh VINASAT1 đã được phóng thành công lên vũ trụ, tiếp đó vệ tinh VINASAT2 cũng đã được phóng thành công vào năm 2012. Việc phóng thành công 2 vệ tinh đã khẳng định vững chắc chủ quyền trên không gian của Việt Nam.
- Ngày 2/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/2008/QĐ-TTg về cung ứng dịch vụ Bưu chính công ích, xác định lộ trình phấn đấu của ngành Bưu chính với quyết tâm vươn lên giảm dần bù lỗ, tiến tới cho lãi vào năm 2013.
- Tháng 10/2008, thành lập Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (nay là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử); Cục Thông tin đối ngoại.
- Ngày 16/01/2009, Chính phủ công bố lộ trình chuyển đổi công nghệ Phát thanh truyền hình tương tự sang Phát thanh truyền hình số.
- Tháng 7/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung hoàn thiện Đề án Chiến lược tăng tốc đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT&TT trước năm 2020.
- Năm 2009, dịch vụ thông tin di động thế hệ thứ 3 (3G) chính thức được cung cấp tại Việt Nam.
- Ngày 15/9/2009, Chứng thực chữ ký số đã được triển khai tại Việt Nam.
- Ngày 23/11/2009, Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010.
- Ngày 17/6/2010, Luật Bưu chính đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011.
- Ngày 20/11/2012, Luật Xuất bản đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 và thay thế Luật Xuất bản số 30/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2008/QH12.
- Ngày 19/11/2015, Luật An toàn thông tin mạng đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.
- Ngày 05/4/2016, Luật Báo chí đã được Quốc hội nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, thay thế Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/1999/QH10.
- Việt Nam 2 lần đoạt giải thưởng cao nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU vào năm 2010 và 2016 tại cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 39 và 45. Trước đó, tháng 10/2009, Việt Nam cũng đã đoạt giải Nhì cuộc thi Viết thư bưu chính thế giới lần thứ 38.
- Năm 2016, Bộ TT&TT chính thức cấp phép 4G trên băng tần 1800 MHz cho các nhà mạng VNPT, Viettel, MobiFone và Gtel. Năm 2017, mạng 4G được đồng loạt triển khai mạnh mẽ tại Việt Nam.
- Tháng 12/2017 đánh dấu mốc 20 năm Interrnet có mặt tại Việt Nam. Đến nay, sau 20 năm, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại Châu Á.
- Đổi thành công mã vùng điện thoại cố định. Từ 11/2/2017 đến 31/8/2017, 59 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã được quy hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại mới. Đây là hoạt động nhằm đảm bảo kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường, công nghệ. Đồng thời, việc chuyển đổi mã vùng sẽ giúp độ dài mã vùng được nhất quán, đáp ứng thông lệ quốc tế.
- Triển khai Đề án Số hóa truyền hình mặt đất nhằm mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ đảm bảo cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ của người dân. Đến năm 2020 đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau. Trong đó, truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình. Đến hết năm 2017, Việt Nam đã có 34 tỉnh, thành phố với tổng dân số chiếm gần 70% của cả nước, hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất.
 
Số liệu thống kê tính đến tháng 12/2017, cả nước có:
- 849 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó cơ quan báo in: 185 (Trung ương 86, địa phương 99); tạp chí in: 664 (Trung ương 530, địa phương 134).
- 196 báo điện tử và tạp chí điện tử
- 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, trong đó có 02 đài Trung ương, đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và 64 đài địa phương.
- 60 nhà xuất bản, trong đó trung ương là 49, địa phương là 11; số doanh nghiệp và cơ sở in khoảng 1.500 cơ sở; tổng số cơ sở phát hành trên toàn quốc khoảng: 13.700
- có 296 doanh nghiệp được cấp giấy phép đang cung cấp dịch vụ bưu chính
- 77 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và 52 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đang hoạt động.
- Tổng băng thông kết nối Internet quốc tế đang sử dụng (ước tính năm 2017) là: 5.370.096 Mbps.

Kết quả ước thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh năm 2017
a)    Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội:
-    Tỷ lệ đường dây thuê bao cố định đạt 5 thuê bao/100 dân.
-    Tỷ lệ thuê bao di động đạt khoảng 116 thuê bao/100 dân.
-    Tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 11,90 thuê bao/100 dân.
-    Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động đạt 52,8 thuê bao/100 dân.
-    Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định đạt 9,30%.
-    Tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet đạt 28,35%.
-    Tỷ lệ người sử dụng Internet là 54,19 % dân số.
-    Tỷ lệ phủ sóng di động đạt 95% diện tích cả nước.
-    Tỷ lệ số xã có máy điện thoại đạt 100%.
-    Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính đạt 100%.
-    Sản lượng báo xuất bản đạt 1.000 triệu bản.
-    Mức hưởng thụ báo chí bình quân đạt trên 10,8 bản báo/người/năm.
-    Tỷ lệ phủ sóng phát thanh duy trì ở mức khoảng 98% trên diện tích cả nước và 99,5% trong dân cư.
-    Tỷ lệ phủ sóng truyền hình mặt đất đạt khoảng 90% diện tích cả nước.
b)    Các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh:
-    Tổng doanh thu phát sinh toàn Ngành năm 2017 ước đạt: 2.136191 tỷ đồng (ước tốc độ tăng trưởng đạt 9,34% so với năm 2016, cao hơn so với mục tiêu tăng GDP cả nước năm 2016 là 6,7%), trong đó:
+ Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực báo chí ước đạt: 13.912 tỷ đồng.
+ Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực xuất bản, in và phát hành ước đạt: 18.933 tỷ đồng.
+ Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền, ước đạt: 7.500 tỷ đồng.
+ Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực bưu chính ước đạt: 20.148 tỷ đồng.
+ Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực viễn thông ước đạt: 352.198 tỷ đồng.
+ Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực CNTT ước đạt: 1.723.500 tỷ đồng.
-    Tổng nộp ngân sách nhà nước toàn Ngành ước đạt: 94.994 tỷ đồng (ước đạt: 104,3706% so với kế hoạch năm)
+ Tổng nộp NSNN lĩnh vực báo chí ước đạt: 973 tỷ đồng.
+ Tổng nộp NSNN lĩnh vực xuất bản ước đạt: 1.852 tỷ đồng.
+ Tổng nộp NSNN lĩnh vực bưu chính ước đạt: 1.801 tỷ đồng.
+ Tổng nộp NSNN lĩnh vực viễn thông ước đạt: 53.368 tỷ đồng.
+ Tổng nộp NSNN lĩnh vực CNTT ước đạt: 37.000 tỷ đồng.
 
* Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018:
+ Tổng doanh thu toàn Ngành đạt khoảng 2,65 triệu tỷ đồng, tăng 112,6% so với 2017.
+ Tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT ước đạt 98,9 tỉ USD, xuất khẩu ước đạt 94 tỷ USD.
+ Tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông năm 2018 đạt hơn 5,6 tỷ USD.
+ Tổng doanh thu lĩnh vực báo chí là 4.900 tỷ đồng. Doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền đạt 7.775 tỷ đồng.
+ Tổng doanh thu lĩnh vực bưu chính đạt 1,691 tỷ USD, tăng trưởng 28,1% so với năm 2017.
 
* Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019:
+ Tổng doanh thu toàn Ngành đạt 3.100.000 tỷ đồng (gần 135 tỷ USD), tăng 8,8% so với năm 2018; nộp ngân sách đạt 99.820 tỷ đồng (hơn 43 tỷ USD), tăng 23,4% so với năm 2018.
+ Tổng doanh thu lĩnh vực bưu chính ước đạt 34.311 tỷ đồng, tăng 22.65% so với năm 2018. Tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 1.230 tỷ đồng tăng 5,63% so với năm 2018.
+ Tổng doanh thu toàn ngành viễn thông đạt 472.321 tỷ đồng, tăng 118,06% so với năm 2018. Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước tính: 390.137 tỷ đồng, tăng 8,06% so với năm 2018. Tổng nộp ngân sách nhà nước ước tính: 39.712 tỷ đồng, tăng 15,48% so với năm 2018).
+ Doanh thu  lĩnh vực Công nghiệp ICT ước tính đạt 110 tỷ USD, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018, nộp ngân sách nhà nước trên 53 nghìn tỷ đồng.
 
* Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020:
+ Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020
+ Tổng doanh thu toàn ngành TT&TT:  3.063.606 tỷ đồng.
+ Tổng nộp ngân sách nhà nước toàn ngành TT&TT: 105.876 tỷ đồng.
+ Tổng lao động toàn ngành TT&TT:  1.324.606
+ Tổng doanh nghiệp toàn ngành TT&TT :  64.074
 
Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Bưu điện, ngành Thông tin và Truyền thông qua các thời kỳ; với truyền thống Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình” và phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó; góp phần cùng cả nước sớm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển.