Lọc những thông tin thật - giả về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp

Trong những ngày qua, thông tin về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra luôn được cơ quan chức năng cập nhật. Nhưng trên mạng đã có rất nhiều thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận.

Xử lý nghiêm việc tung tin giả

Gần đây, mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều thông tin giả mạo, thông tin không có kiểm chứng về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) gây ra.  Những thông tin này phần nào tạo tâm lý hoang mang, lo lắng về dịch bệnh này.
 virus-corona-28120.jpg
 
Công an Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc với đối tượng Trần Văn Tùng đưa thông tin sai lệch về dịch nCoV.
Ảnh: TTXVN phát
 
Tại một số địa phương, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính một số đối tượng tung tin sai sự thật về dịch bệnh nCoV trên mạng xã hội. Đơn cử, ngày 28/1, sau khi xác minh thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc 2 du khách Trung Quốc nghi bị nhiễm virus nCoV nhập viện tại Bệnh viện Lê Lợi (thành phố Vũng Tàu), Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xử phạt hành chính đối tượng Trần Văn Tùng (sinh năm 1998, trú tại phường Thắng Nhất, thành phố Vũng Tàu) với số tiền 30 triệu đồng vì đã có hành vi đăng thông tin sai sự thật.
 
Tiếp đó, ngày 30/1, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã mời chủ tài khoản facebook Nhàn Lê đến làm việc khi đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội về dịch bệnh nCoV. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính và phạt 12,5 triệu đồng theo quy định điểm a, khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
 
Ngày 30 và 31/1, Phòng An ninh chính trị nội bộ đã phối hợp với Sở TT&TT Đà Nẵng mời 2 người là bà Đ.T.Q (trú tại Quận Hải Châu) và bà H.T.L (trú tại Quận Liên Chiểu) đến trụ sở công an làm việc về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về dịch bệnh nCoV.
 
Theo đó, ngày 27/1 (mồng 3 Tết Canh Tý 2020), bà Đ.T.Q sử dụng tài khoản facebook ĐQ chia sẻ bài viết có nội dung: “Tại Nha Trang đã có rất nhiều người bị nhiễm virus Corona từ khách du lịch Trung Quốc. Bộ Y tế Việt Nam vẫn giấu kín thông tin này”. Nội dung trên được Đ.T.Q chia sẻ vào fanpage hội, nhóm Hội mua bán nhà và đất tại Đà Nẵng và nhóm Bất động sản Đà Nẵng. Hai trang hội nhóm trên có hơn 200.000 lượt theo dõi, tương tác mỗi ngày nên đã góp phần lan tỏa thông tin tiêu cực, tạo tâm lý hoang mang cho người dân.
 
Đối với trường hợp bà H.T.L, vào ngày 23/1/2020 đã đăng tải bài viết lên tài khoản facebook cá nhân HTL với nội dung: “Đà Nẵng phát hiện 2 ca nhiễm virus Corona - Vũ Hán”. Mặc dù đã có 1 tài khoản facebook vào bình luận nội dung H.T.L viết là sai sự thật nhưng H.T.L vẫn không chỉnh sửa, để gây hiểu nhầm, tạo tâm lý hoang mang cho dư luận trên địa bàn.
 
Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an thành phố Đà Nẵng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Đ.T.Q và bà H.T.L với mức khung phạt từ 10 - 15 triệu đồng vì đã vi phạm Điểm a, Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013.
 
corona-xu-phat.jpg
 
Công an tỉnh Phú Thọ đọc quyết định xử phạt hành chính với người vi phạm. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN.
 
Ngày 31/1, Sở TT-TT tỉnh Phú Thọ phối hợp với Phòng An ninh văn hóa (Công an tỉnh Phú Thọ) đã làm việc với bà Phạm Thị T. vì có hành vi đăng thông tin sai sự thật về việc tại Phú Thọ xuất hiện bệnh nhân nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra. Đồng thời, Thanh tra Sở TT&TT Phú Thọ đã ra quyết định xử phạt bà T. với số tiền 10 triệu đồng. Trước đó, vào lúc 16 giờ 45 phút ngày 30/1, bà Phạm Thị T đã đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Zalo (vào nhóm kín) với nội dung: “Bệnh viện tỉnh Phú Thọ có 1 trường hợp bị dịch Corona rồi nhé. Cháu này du học ở Vũ Hán về nên cả nhà mình chú ý đeo khẩu trang vào. Cháu này người Tam Nông. Giờ đang cách ly tại bệnh viện”.
 
Ngày 31/1, Cơ quan chức năng thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Đình Vân, sinh năm 1991, trú tại khu 4, phường Hải Hòa (thành phố Móng Cái) về hành vi tung tin sai sự thật với số tiền 7,5 triệu đồng. Cùng ngày, Sở TT&TT Quảng Ninh cũng mời 2 chủ tài khoản facebook để làm rõ việc thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh nCoV.
 
Còn đại diện Sở TT&TT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tuần tới, Sở sẽ mời 3 nghệ sĩ: Cát Phượng, Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng đến làm việc vì thông tin sai về bệnh do virus Corona trên mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng. Sở TT&TT đã trực tiếp liên lạc với 3 nghệ sĩ trên để mời đến làm việc.
 
Tuy nhiên, diễn viên Cát Phượng cho biết đang ở quê, vì vậy, Sở mời lên làm việc vào ngày 5/2 và yêu cầu gỡ các thông tin sai sự thật liên quan đến dịch viêm phổi cấp. Hiện tại, facebook của Cát Phượng đã không còn chia sẻ các bài viết và bình luận liên quan. Còn diễn viên Ngô Thanh Vân, đang ở Nhật Bản và sẽ làm việc vào chiều 3/2. Riêng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tắt máy, không liên lạc được, Sở sẽ tiếp tục liên lạc và gửi giấy mời đến Sở làm việc về nơi cư trú của ca sĩ. Sở TT&TT Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân đưa thông tin không chính xác về bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng, xã hội.
 
Theo PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội), bên cạnh thông tin chính thống, nhiều thông tin “thêm mắm, thêm muối” tạo thành tin giả, thông tin không được kiểm chứng về dịch bệnh nCoV lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội trong thời gian qua. Từ một sự lo ngại có thật về một dịch bệnh nCoV, những thông tin giả trên mạng xã hội tác động ngược gây hoang mang trên tại cuộc sống thực. Tâm lý đám đông thái quá gây sự mất bình tĩnh.
 
Chia sẻ thông tin có trách nhiệm
Tin giả lan truyền là mặt trái của mạng xã hội. Không chỉ ở Việt Nam mà thông tin về dịch bệnh nCoV cũng tràn lan trên mạng tại nhiều nước qua các nền tảng xuyên biên giới như facebook, youtube…
 
Tại những nước xác nhận có những ca dương tính với nCoV, nhiều hình ảnh chế, thông tin không đúng sự thật cũng được lan truyền chóng mặt. Đơn cử như hình ảnh cô gái người Trung Quốc ăn thịt súp dơi lan truyền trên mạng xã hội gần đây được gắn với nguyên nhân gây ra dịch bệnh được các chuyên gia hình ảnh xác định phim này có từ năm 2016 gắn với quảng cáo du lịch tại một quần đảo Nam Thái Bình Dương được chế lại. Cùng với đó rất nhiều thông tin về số người nhiễm, số người chết vì dịch bệnh nCoV tạo nên luồng thông tin hỗn loạn trên mạng xã hội và tác động ngược tới đời sống thật.
 
 
Luật sư Bùi Minh Anh chia sẻ: Cuối tuần qua, trong nhóm phụ huynh xuất hiện thông tin chia sẻ về phun thuốc khử trùng trên bầu trời Hà Nội. Khi hỏi trực tiếp phụ huynh chia sẻ về nguồn thì được biết chia sẻ từ một cô giáo mầm non, cô giáo này cũng chia sẻ từ một cán bộ phường… Có thể thấy, nhiều thông tin mọi người quan tâm được chia sẻ nhưng không được kiểm chứng. Trong khi thực tế cuối tuần qua, Hà Nội thực hiện phun khử trùng tất cả trường học trên địa bàn”.
 
Có thể thấy, khi có vấn đề gì xảy ra thì người dùng sẽ tìm đến kho dữ liệu trên internet. Tuy nhiên, có những người vì muốn câu like, câu view mà viết status những thông tin chưa kiểm chứng và những thông tin kiểu “tam sao thất bản” lan truyền chóng mặt, một mặt trái của báo chí công dân.
 
Để đối phó với vấn nạn tin giả về dịch bệnh nCoV, mới đây Google và Tổ chức y tế thế giới (WHO) thêm tính năng SOS để loại bỏ thông tin sai lệch. Theo đó, khi tìm kiếm Google với từ khoá coronavirus, người dùng sẽ nhận được cảnh báo SOS và kết quả tìm kiếm đầu tiên là từ website của WHO. Động thái trên,  mỗi người dùng mạng xã hội cần tập thói quen đọc tin có kiểm chứng, chia sẻ có trách nhiệm trên mạng xã hộ để không gây hoang mang dư luận, tạo hậu quả xấu.
 
Theo PGS,TS Trần Thành Nam, từ cơn bão thông tin giả về dịch tả lợn châu Phi năm 2019 đến dịch bệnh nCoV năm nay, càng thấy mọi người cần bình tĩnh và có trách nhiệm trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Thông tin trên mạng xã hội có đặc điểm là không được kiểm soát, không được đánh giá, chất lượng thông tin khác nhau. 
 
“Do đó khi đọc thông tin, người dùng phải luôn kiểm chứng. Một mô hình đang được các chuyên gia nghiên cứu về mạng xã hội đưa ra theo chữ cái tiếng Anh: REAL(sự thật), gồm: Đọc - kiểm tra - xem tác giả - liên hệ thực tế link dẫn. Cụ thể là xem trang web đó có được cập nhật thông tin, tác giả bài viết, đuôi của trang web (là .gov, .org hay .com); đồng thời đối chiếu nguồn báo chí thống bởi đây là nguồn có kiểm duyệt”, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.
 
Với những vấn đề nhạy cảm như dịch bệnh nCoV đang được cả xã hội quan tâm, cơ quan chức năng cần xử phạt thật nghiêm khắc tránh tạo tâm lý hoang mang cho cộng đồng. Đồng thời, người dụng mạng xã hội không chia sẻ khi chưa kiểm định thông tin; kết hợp tuyên truyền hiểu đúng về bản chất dịch bệnh.
 
Về phía cơ quan Nhà nước, Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các Sở TT&TT phải tăng cường việc kiểm tra, giám sát, theo dõi thông tin liên tục trên mạng xã hội để phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền chủ động đấu tranh ngăn chặn những thông tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận xã hội về tình hình dịch bệnh và xử lý nghiêm các vi phạm về thông tin phòng, chống dịch bệnh.
 

 

Theo một số luật sư, trường hợp loan tin sai sự thật, câu like, phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng... người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013, mức phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân.
 
Nếu hành vi tung tin thất thiệt gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet, với mức phạt tù lên đến 3 năm và phạt tiền đến 200 triệu đồng.

 

 
 
Nguồn: XC/Báo Tin tức