Bắc Giang: Nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội

Ngày 13-11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.

20191114-l2.jpg
 
Ông Thạch Văn Chung, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang phát biểu
 
Dự hội thảo có các đồng chí đại diện lãnh đạo cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) 35 của tỉnh, lãnh đạo BCĐ 35 của các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; Tổ Thư ký giúp việc BCĐ 35 của tỉnh.
 
Đề dẫn hội thảo nêu rõ, những năm qua, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội chống phá nhà nước. 
 
Đặc biệt, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35 về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Ban Tuyên giáo T.Ư, các cơ quan bộ, ngành T.Ư tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý báo chí, xuất bản, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối tượng lợi dụng internet, mạng xã hội vi phạm pháp luật.
 
Đối với tỉnh Bắc Giang, trên cơ sở Nghị quyết, Kế hoạch, Hướng dẫn của T.Ư, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - cơ quan thường trực BCĐ 35 của tỉnh đã tham mưu kiện toàn BCĐ, xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ, hướng dẫn các đảng bộ kiện toàn BCĐ. Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng lực lượng phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các trang web, blog, tài khoản mạng xã hội phát tán thông tin xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước…
 
Tại hội thảo, trên cơ sở gợi ý của các đồng chí chủ trì, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ kết quả và những mặt còn tồn tại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 35. Phân tích thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng lực lượng đấu tranh ngăn chặn, phản bác thông tin sai sự thật…
 
Ở phương diện công tác quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, ông Ngô Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho rằng, công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin luôn là vấn đề cấp thiết, không chỉ ở cấp quốc gia mà mỗi cấp, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đều phải bảo đảm nhằm ngăn chặn, giảm thiểu sự thiệt hại do các sự cố thông tin gây ra. 
 
Chính vì vậy, cần tập trung nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước về tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Các cơ quan, đơn vị chỉ đạo cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kịp thời xử lý sự cố, lỗ hổng, ngăn chặn, bóc gỡ mã độc tấn công hệ thống mạng.
 
20191114-l3.jpg
 
Ông Ngô Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang phát biểu tham luận
  
Với góc độ công tác tuyên truyền, bà Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang chia sẻ, phương châm trong chỉ đạo công tác tuyên truyền là thường xuyên phát hiện, biểu dương, cổ vũ, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu nổi bật về phát triển KT-XH, chăm lo đời sống nhân dân… 
 
20191114-l1.jpg
Bà Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang phát biểu tham luận tại hội thảo
 
Tích cực đấu tranh, phê phán hành vi tiêu cực trong đời sống xã hội; chủ động tuyên truyền những vấn đề phát sinh trong thực tiễn mà các thế lực thù địch thường tranh thủ, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ để phục vụ ý đồ chống phá Nhà nước như: Quá trình triển khai các dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng; giải quyết chế độ, chính sách…
 
Ngoài ra, nhiều ý kiến chia sẻ phương thức, cách làm trong công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc như: Tăng cường lực lượng nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tình hình tư tưởng dư luận xã hội. Nâng cấp hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, mạng máy tính tại các cơ quan, đơn vị. Trang bị thông tin kịp thời cho cán bộ, đảng viên, quần chúng về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch…
 
Phát biểu tại hội thảo, ông Thạch Văn Chung, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh, Bắc Giang là một trong những tỉnh chủ động, tích cực và thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh trên không gian mạng. Tuy nhiên, những quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội vẫn diễn biến phức tạp, vì vậy các cấp, ngành cần xác định, nhận diện rõ ràng bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước và trong tỉnh để chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các giải pháp đấu tranh hiệu quả. 
 
Ông đề nghị, sau hội thảo, bộ phận chuyên môn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp thu, phân tích, tổng hợp, làm rõ những kết quả đạt được, khó khăn vướng mắc và các ý kiến tham gia đóng góp tại hội thảo làm cơ sở tham mưu giúp BCĐ 35 các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội. 
 
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và hệ thống tuyên giáo các cấp cần xác định công tác tư tưởng phải đi trước một bước, mở đường đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; đấu tranh làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình của thế lực thù địch; nắm chắc tình hình dư luận, kịp thời báo cáo đề xuất với cấp ủy chính quyền và tham gia định hướng dư luận xã hội một cách hiệu quả. 
 
BCĐ 35 cấp huyện và các đại biểu chủ động, tích cực đưa tinh thần, thông tin từ hội thảo vào thực tế công việc, tạo sự lan tỏa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương./.