Hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành nhằm đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0”

Sáng ngày ngày 9/10 tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam chủ trì phối hợp với Vụ Báo chí Xuất bản (Ban Tuyên Giáo Trung ương); Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT); Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệ 4.0”.

Tới dự và chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và và Phát hành (Bộ TT&TT); ông Nguyễn An Tiêm - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cùng đông đảo đại diện các NXB, công ty sách liên kết, đơn vị phát hành.
 
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, ông Nguyễn An Tiêm - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhấn mạnh: Sau hơn 10 năm quán triệt, thực hiện đưa Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản, công tác thể chế hóa, xây dựng pháp luật không ngừng được đẩy mạnh. Cùng với việc xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản cũng từng bước đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, xây dựng được nhiều mô hình mới, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính để giảm tối đa thời gian, chi phí của các nhà xuất bản, doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm và các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản.
 
20191009-l1.jpg
 
Toàn cảnh buổi Hội thảo
 
Tuy vậy, trước những yêu cầu, đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất bản và kinh doanh xuất bản phẩm tiếp tục cần được cải cách, chuyển đổi sâu sắc hơn nữa nhằm đưa ngành Xuất bản Việt Nam phát triển bền vững, đặc biệt đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệ 4.0.
 
Cũng theo ông Nguyễn An Tiêm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam: Thông qua Hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệ 4.0” nhằm cung cấp những luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn của hoạt động xuất bản, phát hành cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp với tính đặc thù của ngành và yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để giúp ngành Xuất bản không ngừng phát triển mạnh mẽ theo kịp sự phát triển của khu vực và thế giới.
 
Cũng tại Hội thảo, đã có nhiều tham luận, ý kiến đóng góp thẳng thắn về những nội dung còn bất cập trong các điều khoản của Nghị định, Thông tư, của Luật Xuất bản và các Luật có liên quan…; và những thủ tục hành chính đang tồn tại, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị xuất bản, phát hành…
 
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và và Phát hành đánh giá: Hội thảo là dịp để những người làm xuất bản, phát hành chia sẻ, đề xuất những giải pháp giúp cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý có giải pháp từng bước điều chỉnh những vướng mắc, bất cập trong thủ tục hành chính, trong Thông tư, Nghị định và cao hơn là sửa đổi luật hiện hành, hướng đến mục tiêu tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản Việt Nam hội nhập, phát triển, xứng đáng là vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
 
Trên thực tế, thủ tục hành chính trong hoạt động xuất bản thời gian qua đã có nhiều thay đổi, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã cắt giảm nhiều thủ tục. Cụ thể, đối với hoạt động in đã cắt giảm 17 thủ tục, hoạt động xuất bản, phát hành sửa đổi 4 thủ tục kinh doanh, đơn giản 6 thủ tục kinh doanh, cắt giảm 1 và đơn giản 6 thủ tục hành chính.
 
Đối với những ý kiến đề xuất xóa bỏ quyết định phát hành, điều này không thể cắt bỏ được và cấp quyết định phát hành là yêu cầu cần thiết. Bởi, Quyết định phát hành để biết sau thời gian lưu chiểu có thể đảm bảo nội dung xuất bản phẩm. Nếu không thực hiện khâu này, chúng ta thả nổi chất lượng sách. Và trong thời gian tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành tập trung cải thiện thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian cấp quyết.
 
Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề ISBN, thời gian tới cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, đã đến lúc cần nghiêm túc đánh giá, tránh lãng phí, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này. Về căn cứ pháp lý cho xuất bản, sang năm 2020 sẽ sơ kết đánh giá quá trình làm luật Xuất bản mới. Về đầu tư hỗ trợ xuất bản nên xem xét theo phương pháp Nhà nước và nhân dân cùng làm. Các nhà xuất bản, công ty sách liên kết, đơn vị phát hành cần tập trung triển khai xuất bản điện tử trong thời gian tới. Các cơ quan có thẩm quyền phải tạo sân chơi, tạo điều kiện để các nhà xuất bản tham gia sân chơi này. Hiện nay với sự phát triển của các công cụ như smart phone, máy tính bảng… thì chúng ta phải triển khai thế nào để chỉ cần mỗi smart phone có một cuốn sách, thì chúng ta đã có 60 triệu sách. Đặc biệt, các nhà xuất bản, công ty sách liên kết, đơn vị phát hành cần phải có khát vọng đưa sách của Việt Nam vươn tầm thế giới, ông Nguyễn Nguyên mong muốn.