Xử lý thông tin xấu độc - Những vấn đề đặt ra

Tình trạng thông tin xấu độc… phát tán tràn lan trên mạng xã hội trong thời gian gần đây đã trở thành vấn đề nóng, gây bức xúc, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với chính quyền đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường công tác kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm. Đứng trước vấn đề nóng bỏng trên, thời gian qua, Sở TT&TT Bắc Giang đã chủ động và thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng thông tin xuyên tạc, nói xấu, phản động trên mạng xã hội, đề nghị Công an tỉnh xác minh, xử lý.

Sự phát triển mạnh mẽ internet, mạng xã hội đã mang đến cho người đọc lượng thông tin khổng lồ, làm phong phú thêm kho kiến thức của nhân loại, cho phép tìm kiếm thông tin dễ dàng; gặp gỡ, giao lưu, gắn kết cộng đồng, trao nhận, chia sẻ tình cảm; tìm kiếm việc làm, quảng cáo, kinh doanh và giải trí. Mạng xã hội là mối quan hệ giữa con người với xã hội trên nền tảng internet, mang lại những tiện ích giúp cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống, nhu cầu hưởng thụ, trao đổi thông tin trong cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì mạng xã hội cũng để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm, nguy cơ khó lường, đó là vấn nạn tin giả, tin có nội dung thiếu lành mạnh, phản giáo dục, bôi xấu, vu cáo, phản động, kích động bạo lực, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chống phá công công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc của chúng ta.

Vấn đề là chúng ta phải làm gì để ngăn chặn thực trạng thông tin xấu độc ngày càng có diễn biến phức tạp. Chúng ta biết: trong đời sống thực có không gian sống, môi trường sống, cư dân… thì trên  mạng xã hội cũng có không gian mạng, môi trường mạng và người tham gia mạng xã hội gọi là cư dân mạng. Ở đời sống thực có cái gì thì trên mạng xã hội cũng tồn tại những việc như thế (ở đời sống thực có hành vi tệ nạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì trên không gian mạng cũng có lừa đảo, chiếm đoạt tài sản… Trong đời sống thực có thải rác ra môi trường và chúng ta phải xử lý rác thì trên mạng xã hội cùng có rác, chúng ta phải xử lý đó là những tin xấu, tin lừa đảo phát tán mã độc, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ, phản động, kích động bạo lực…).
 
20190812-l1.jpg
 
Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang Trần Minh Chiêu quán triệt tại hội nghị tập huấn xử lý thông tin xấu, độc trên môi trường mạng
 
Thông tin xấu độc phát tán trên môi trường  mạng là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật xuyên tác các vấn đề “đổi trắng thay đen”lẫn lộn, đúng sai, thật giả;  hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng những luận điệu sai trái, thù địch. Một số thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; một số thông tin có những ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, thậm chí soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân gây bức xúc trong dự luận xã hội; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; kích động đồi trụy, bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống; thông tin xuyên tạc lịch sử chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.  
 
Tình trạng thông tin xấu độc… phát tán tràn lan trên mạng xã hội trong thời gian gần đây đã trở thành vấn đề nóng, gây bức xúc, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với chính quyền đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường công tác kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý mạng xã hội chính là xử lý thông tin xấu độc để mạng xã hội phát triển phục vụ lợi ích của con người, mạng xã hội không có lỗi mà lỗi là do người dùng mạng xả rác ra môi trường mạng.
 
Trong thời gian qua, Sở TT&TT Bắc Giang thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng thông tin xuyên tạc, nói xấu, phản động trên mạng xã hội, đề nghị Công an tỉnh xác minh, xử lý. Tiêu biểu là việc phát hiện đối tượng đăng tải trên Youtube clip nữ sinh ở Bắc Giang lột áo, đánh và bắt bạn lội xuống hồ nước ở Trường Cao đẳng Nông lâm Bắc Giang; một số đối tượng đăng tải thông tin, bài viết, băng ghi hình, băng ghi tiếng có nội dung chống đối Đảng và Nhà nước trên mạng Internet; đối tượng đăng tải về nội dung “Việc cưỡng chế đất tại xã Trí Yên huyện Yên Dũng” trên Youtube thiếu chính xác, mang nội dung kích động gây rối an ninh trật tự; đối tượng đăng tải video clip xung quanh sự việc giải phóng mặt bằng Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ, Việt Yên kèm theo những bình luận cá nhân mang tính chất công kích, nói xấu cán bộ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm lực lượng thi hành nhiệm vụ; đối tượng đăng nhiều video clip xung quanh việc tranh chấp đất rừng giữa người dân thôn Khe Táu, xã Yên Định, Sơn Động với người dân thôn Đá Vách, xã Phú Nhuận, Lục Ngạn kèm theo những bình luận thô tục xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo; đối tượng đăng tải, chia sẻ lên facebook những thông tin liên quan đến các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có những thông tin thiếu kiểm chứng, có tính chất bôi nhọ danh dự, nhân phẩm một số đồng chí cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước... gây bức xúc trong dư luận. Những vụ việc trên đã được cơ quan chức năng tiến hành xử lý. Mặc dù vậy, số lượng các vụ việc được phát hiện xử lý chưa nhiều; lực lượng thanh tra của Sở TT&TT còn mỏng và hạn chế lại phải đảm nhiệm trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở, số cán bộ có kinh nghiệm giải quyết còn ít, thiếu kinh nghiệm xử lý. Nguồn xử lý chủ yếu căn cứ vào đơn tố cáo của cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan công an chuyển sang xử phạt hành chính, nguyên nhân chủ yếu chưa có công cụ hỗ trợ việc rà soát, phát hiện nội dung vi phạm.
 
Chúng ta đều biết, tham gia mạng xã hội là xu thế tất yếu hiện nay, nhất là trong thời đại kinh tế số. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là làm sao vừa khai thác được thông tin hữu ích phục vụ cho học tập, công tác, nghiên cứu khoa học, vừa giao lưu, học hỏi, trao đổi lẫn nhau mà không bị nhiễm thông tin xấu độc làm ảnh hưởng đến nhận thức, tâm tư, tình cảm, quan điểm lập trường, niềm tin. Với chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời gian tới Sở TT&TT cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp để xử lý thông tin xấu, độc trên môi trường mạng như sau:
 
1- Triển khai chấp hành tốt các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Trung ương về quản lý mạng xã hội, thông tin trên internet. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản Quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để quản lý mạng xã hội, từ đó đề ra các kế hoạch, nội dung, chương trình hành động cụ thể để thực hiện.
 
2- Tăng cường công thanh tra, kiểm tra giám sát thông tin trên mạng xã hội dịch vụ internet, thuê bao di động, sim, thẻ qua đó phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, nhất là lực lượng công an để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định việc xử dụng, thiết lập mạng xã hội, phát tán tin xấu độc, tin nhắn rác trên môi trường mạng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.
 
3- Muốn quét rác thì phải có công cụ quét rác, hàng ngày có rất nhiều các tin tức mà bằng sức người thì không thể kiểm duyệt và đọc để kiểm tra, phát hiện hết các tin rác. Vậy chúng ta phải xây dựng trung tâm giám sát an ninh mạng, giám sát các thông tin trên môi trường internet, xây dựng phần mềm đọc, kiểm duyệt. Đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ cao để đảm bảo triển khai các biện pháp hành chính, kỹ thuật để xử lý.
 
4- Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng đây là nhóm giải pháp có ý nghĩa then chốt lâu dài. Với các cơ quan báo chí chính thống phải định hướng thông tin dư luận, làm tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí trước các vấn đề nhạy cảm, thông tin cần phải làm rõ đúng, sai, giải thích định hướng dư luận; công khai thông tin cho báo chí (Ban Chỉ đạo 94 đã thành lập các thành viên để có ý kiến phản hồi, lập các tài khoản để đấu tranh với những quan điểm sai trên môi trường mạng; các cấp các ngành cũng phải lập các tài khoàn để công khai, giải thích làm rõ thông tin của đơn vị mình. Hiện nay Bộ TT&TT có đánh dấu tích XANH để xác thực tài khoản chính chủ tránh ảo…)
 
Mặt khác chúng ta phải nâng cao dân trí một cách toàn diện, qua đó có ý thức bảo vệ mình thành bộ lọc miễn dịch, sàng lọc những thông tin xấu, độc (Trong đời sống thực thì chúng ta phải học để thích ứng với cuộc sống, học lái xe, học bơi… vậy khi tham gia vào mạng xã hội thì chúng ta cũng phải học tập để xóa mù công nghệ, từ đó bảo vệ những tài khoản của mình, không vi phạm pháp luật, không phát tán những tin xấu…)
 
5- Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cơ quan quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình, nhà trường, xã hội vào cuộc để xây dựng văn hóa trên môi trường mạng. Qua đó cổ vũ những cái tốt, phê phán những cái xấu, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu… góp phần cho mạng xã hội phát triển toàn diện, hướng thiện…