Cục Tin học hóa: Đột phá trong xây Chính phủ điện tử

Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ TT&TT quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử .

 Trong thời gian qua, Cục đã nghiên cứu, đề xuất và thực hiện việc xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành hoặc để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử; Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện việc xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành hoặc để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), thuê, mua sắm đối với dịch vụ CNTT, phát triển phần mềm ứng dụng và chuyển đổi số...

Về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử: Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về Chính phủ điện tử; xây dựng, duy trì, cập nhật, tổ chức thực hiện Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam; hướng dẫn xây dựng, thẩm định đề án, dự án ứng dụng CNTT, dự án, đề án xây dựng Chính phủ điện tử theo thẩm quyền, kiến trúc CPĐT cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh. Hướng dẫn xây dựng mô hình ứng dụng CNTT các cấp, cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước; Tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, chủ trì triển khai nội dung ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc Chương trình tổng thể, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước; Tổ chức xây dựng, quản lý và vận hành hạ tầng ứng dụng CNTT, hạ tầng khung kiến trúc CPĐT Việt Nam;...
 
Về chuyển đổi số: xây dựng và hướng dẫn khung tham chiếu chuyển đổi số; Nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ các rào cản pháp lý cho chuyển đổi số; Đề xuất các chính sách, giải pháp thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu mở, công nghệ số, dịch vụ số tại Việt Nam; Đề xuất chính sách về tài sản số, về quyền của tổ chức, cá nhân được tiếp cận dữ liệu số của Chính phủ; Chủ trì, phối hợp đề xuất các chính sách, chương trình, hoạt động phát triển xã hội số, chuyển đổi số doanh nghiệp; chính sách khuyến khích, hỗ trợ các sáng kiến, đề án, dự án chuyển đổi số... các nền tảng số, công nghệ số, dịch vụ số được sử dụng rộng rãi trong doanh nghiệp và cộng đồng;
 
Về phát triển đô thị thông minh: Xây dựng và triển khai áp dụng Khung tham chiếu CNTT và truyền thông (ICT) phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; Xây dựng quy định chung về phân cấp quản lý cơ sở dữ liệu đô thị, quy định về chia sẻ dữ liệu công cộng, điện toán đám mây và dùng chung hạ tầng CNTT và truyền thông trong đô thị thông minh; Đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm và dịch vụ đô thị thông minh, thí điểm triển khai và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ đô thị thông minh do các doanh nghiệp trong nước phát triển; phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện thí điểm phát triển đô thị thông minh; hướng dẫn các địa phương triển khai ứng dụng CNTT để phát triển và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đô thị thông minh... Ngoài ra, Cục còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; xây dựng, ban hành, công nhận, tổ chức triển khai áp dụng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT, các quy định về sát hạch, cấp chứng chỉ đạt chuẩn kỹ năng, chứng nhận chuyên môn về sử dụng CNTT....
 
20190527-l2.jpg
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng và Thứ trưởng Phan Tâm thừa ủy quyền của Thủ tướng trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Cục Tinh học hóa
tại buổi lễ biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2018 của Bộ TT&TT 
 
Trong năm 2018, Cục Tin học hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng trong thời gian rất ngắn: Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Bộ Thông tin và Truyền thông phải ban hành văn bản hướng dẫn các tiêu chí, quy định thống nhất về chức năng, tính năng kỹ thuật trong xây dựng Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; hướng dẫn kết nối các hệ thống thông tin một cửa điện tử trên phạm vi cả nước trong quý IV/2018.
 
Cục đã hoàn thành xuất sắc việc xây dựng và trình lãnh đạo Bộ ký ban hành 02 văn bản có ý nghĩa quan trọng trong thời gian ngắn, đúng tiến độ: Quyết định số 1705/QĐ-BTTTT ngày 23/10/2018 và Quyết định số 1697/QĐ-BTTTT ngày 23/10/2018 của Bộ trưởng Bộ TT&TT được xây dựng trong vòng 02 tháng kể từ ngày được giao nhiệm vụ, từ tháng 8 đến tháng 10/2018, trong khi những văn bản cùng loại cần xây dựng trong thời gian khoảng một năm. Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam, phiên bản 2.0 đã hoàn thành và trình trong vòng 3 tháng , từ tháng 9 đến tháng 11/2018 trong khi thời gian xây dựng một Khung Kiến trúc CPĐT quốc gia thông thường mất 2-3 năm.
 
Thực hiện thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CPĐT tại Phiên họp lần thứ nhất, Ủy ban quốc gia về CPĐT tại Văn bản số 379/TB-VPCP ngày 27/9/2018 của Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam (phiên bản 2.0) phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam, phiên bản 2.0 là căn cứ để các Bộ, ngành xây dựng, cập nhật Kiến trúc CPĐT cấp bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, cập nhật Kiến trúc CQĐT cấp tỉnh đảm bảo triển khai CPĐT có hiệu quả, tránh đầu tư trùng lặp và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, hoàn thành trong tháng 10/2018.
 
Năm 2018, Cục đã có cách tiếp cận đột phá trong quá trình xây dựng văn bản, Cục Tin học hóa đã mời các doanh nghiệp, hội, hiệp hội về CNTT như FPT, VNPT, CMC, Viettel; Bkav Hội tin học Việt Nam; Hiệp hội phần mềm tự do nguồn mở; Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA); Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam (VNISA) … tham gia mạnh mẽ, tích cực, chủ động vào quá trình xây dựng văn bản: mời các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia hội thảo và làm việc trực tiếp nhiều lần về các nội dung của dự thảo; ngoài gửi văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Cục còn gửi văn bản xin ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, hiệp hội. Qua đó thể hiện sự hợp tác tích cực, gắn kết, đồng thuận cao giữa Cục, Bộ với các doanh nghiệp, hiệp hội.
 
Ngoài ra, cũng trong năm 2018, Cục thực hiện 02 đề tài và đã trình hồ sơ đề nghị nghiệm thu cấp Bộ gồm: Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về kết nối liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương, địa phương (NGSP) và nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp Bộ, tỉnh (LGSP)”; Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ của Bộ, tỉnh thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP)” ...
 
Bên cạnh sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ công chức của Cục, một nguyên nhân quan trọng Cục Tin học hóa có thể hoàn thành vượt tiến độ nhiều văn bản quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng rộng trong năm 2018 là do Cục đã có cách tiếp cận đột phá trong quá trình xây dựng văn bản. Thay vì quy trình tự nghiên cứu, tìm hiểu, xây dựng dự thảo và xin ý kiến góp ý như thông thường, Cục Tin học hóa đã mời các đơn vị có liên quan, các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tham gia vào quá trình xây dựng văn bản ngay từ những bước đầu tiên.
 
Ghi nhận những thành tích đã đạt được, liên tục trong hai năm (2017-2018), Cục Tin học hóa đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu thi đua: Cờ Thi đua của Bộ TT&TT (năm 2017); Bằng khen của Bộ trưởng giai đoạn 2016-2017; Bằng khen của Bộ trưởng vì Thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính Bộ TT&TT năm 2017; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp vì thành tích xuất sắc đóng góp và quá trình xây dựng và phát triển của Cục CNTT (Bộ Tư pháp năm 2018)... Đặc biệt, năm 2018, Cục Tin học hóa vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ.