Ngành TT&TT Thanh Hóa: Đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra

Năm 2018 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tỉnh Thanh Hóa đã có bước phát triển đột phá, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; hoàn thành và vượt kế hoạch 25/26 chỉ tiêu chủ yếu; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 15,16%, vượt mục tiêu kế hoạch và là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao thứ 3 và quy mô nền kinh tế lớn thứ 8 cả nước.

20190220-m03.jpg

Đồng chí Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa
 
Nhiều dự án lớn đã được khởi công xây dựng như: Nhiệt điện Nghi Sơn II, luyện cán thép Nghi Sơn, nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu Việt Avis,… nhiều dự án lớn đã hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động như: Dầu ăn Nghi Sơn, Xi măng Long Sơn, Thủy điện Cẩm Thủy 1, Bao bì Đại Dương,… đặc biệt Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã chính thức vận hành thương mại, đóng góp cho ngân sách tỉnh năm 2018 khoảng 8.000 tỷ đồng.
 
Lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng với những đột phá mới. Giáo dục mũi nhọn của tỉnh giành 03 HCV, 02 HCB, 01 HCĐ tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế; có 64 học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia khối THPT, xếp thứ 4 cả nước. Thể thao thành tích cao tiếp tục duy trì tốp đầu, xếp thứ 4 cả nước; đã giành được 101 huy chương tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 8, trong đó có 36 HCV. Ngành y tế đã thực hiện thành công 03 ca ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
 
Đạt được kết quả nêu trên, có phần đóng góp tích cực của ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh.
 
Là một ngành có tính đặc thù, các hoạt động vừa mang tính chính trị tư tưởng nhạy cảm, vừa mang tính kinh tế kỹ thuật công nghệ cao phát triển nhanh, trên phạm vi của một tỉnh có diện tích tự nhiên rộng, địa hình phức tạp, do đó việc quản lý Thông tin và Truyền thông phải luôn đi trước một bước, nắm bắt thực tiễn, dự báo tình hình, xây dựng chiến lược triển khai đưa chủ trương định hướng đi vào cuộc sống, phát huy vai trò, thế mạnh của các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông.
 
Với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vươn lên của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của toàn Ngành, năm 2018 Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Bộ Thông tin và Truyền thông, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh giao. Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành Thông tin và Truyền thông trên các mặt trận chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế - xã hội. Kết quả trên thể hiện ở một số kết quả nổi bật của ngành sau:
 
Doanh thu các dịch vụ ngành thông tin và truyền thông năm 2018 ước đạt 3.738 tỷ đồng bằng 105,18% kế hoạch được giao;
 
Tổng số thuê bao trên toàn mạng ước đạt 2.890.000 thuê bao, bằng 110,74 % so với kế hoạch; mật độ thuê bao điện thoại đạt 80,98 máy/100 dân; 
 
Thuê bao Internet ước đạt 1.070.000 thuê bao, tăng 265.000 thuê bao so với năm 2017; đạt mật độ 29,98 thuê bao/100 dân;
 
Thời lượng phát thanh duy trì bình quân 14 giờ/01 ngày; thời lượng truyền hình duy trì bình quân 19 giờ/01 ngày; 
 
Sản lượng phát hành báo chí ước đạt 18 triệu tờ, cuốn, đạt 100% kế hoạch; tổng số báo xuất bản ước đạt trên 5 triệu tờ, đạt 100% kế hoạch;
 
Hạ tầng Bưu chính, Viễn thông, Phát thanh - Truyền hình tiếp tục được đầu tư nâng cấp với công nghệ hiện đại có độ bao phủ rộng, thông lượng lớn, đồng bộ với cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của tỉnh; chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của nhân dân;
 
Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả phục vụ tốt hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, nổi bật như: đã đưa vào quản lý, vận hành có hiệu quả Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện và đang từng bước mở rộng đến UBND cấp xã; đồng thời gắn kết chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh;
 
Công tác quản lý hoạt động báo chí được tăng cường, hoạt động tác nghiệp của phóng viên báo chí được quản lý chặt chẽ, công tác tổ chức họp báo và giao ban được duy trì, việc theo dõi và đôn đốc xử lý thông tin trên báo chí được đẩy mạnh; công tác hướng dẫn phát ngôn và cung cấp thông tin trên báo chí được chú trọng;
 
Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thành công các sự kiện, các hoạt động quan trọng của tỉnh diễn ra trong năm 2018, như: Hội nghị quốc tế về Đô thị thông minh tại Thanh Hóa; Hội nghị diễn tập về an ninh mạng và an toàn thông tin,... 
 
Để thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh Thanh Hóa về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2019, hoàn thành các chỉ tiêu của ngành Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đặt ra là: Tổng doanh thu toàn ngành đạt 3.795 tỷ đồng, sản lượng phát hành báo chí đạt trên 18 triệu tờ (cuốn); phát triển mới 280.000 thuê bao điện thoại, đạt 80,42 máy/100 dân; phát triển 330.000 thuê bao Internet băng thông rộng nâng tổng số thuê bao Internet băng thông rộng đến hết năm 2019 đạt 1.130.000 thuê bao, đạt mật độ 31,25 thuê bao/100 dân, ngành Thông tin và Truyền thông cần có sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
Một là, chủ động tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020 và Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử trên địa bàn tỉnh; vận hành có hiệu quả hệ thống giao ban trực tuyến; nghiên cứu triển khai mở rộng đến cấp xã, phường, thị trấn; khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo kế hoạch đã đề ra tại Quyết định số 5235/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính có hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới.
 
Hai là, Tiếp tục tăng cường và thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình, thông tin đối ngoại, bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; đặc biệt là công tác quản lý Nhà nước về Báo chí, nâng cao hiệu lực công tác QLNN về Báo chí, tham mưu tổ chức tốt các cuộc họp báo và duy trì nâng cao hiệu quả các cuộc giao ban báo chí; theo dõi chặt chẽ việc đăng tải thông tin của cơ quan báo chí và việc xử lý thông tin báo chí của các đơn vị, địa phương; làm tốt công tác phân tích, dự báo thông tin. Chủ động nắm bắt và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh; đồng thời tổ chức tốt công tác tuyên truyền các ngày lễ lớn, các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh.
 
Ba là, tập trung tháo gỡ khó khăn trong đầu tư hạ tầng, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin; thực hiện tốt Quyết định 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; thúc đẩy phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và các chương trình trọng tâm của tỉnh; đặc biệt là ở các khu đô thị, khu công nghiệp, Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, Khu công nghệ thông tin tập trung (phần mềm, nội dung số) của tỉnh.
 
Bốn là, đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, hỗ trợ các sở, ban, ngành, địa phương ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua mạng internet, bảo đảm chủ quyền quốc gia về không gian mạng.
 
Năm là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước về thông tin và Truyền thông giữa Sở Thông tin và Truyền thông với các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông, CNTT để vừa đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh vừa tạo điều kiện thuận lợi giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dịch vụ mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp, đóng góp cho ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin, liên lạc của doanh nghiệp và người dân; đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa để tham gia các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT-TT xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển các dịch vụ thành phố thông minh đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
 
Sáu là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ của ngành; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị cho cán bộ, công chức; kiểm tra giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân./.