Nâng cao nhận thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng hơn 1,4 tỷ người (trong đó Việt Nam có 15,3 triệu người) hút thuốc lá, hơn 600 nghìn người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2015. Sau hơn 3 năm đi vào cuộc sống, việc triển khai luật phải đối mặt với nhiều khó khăn do người dân chưa có ý thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá và chưa biết nhiều thông tin về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; các hãng sản xuất và phân phối thuốc lá tìm mọi cách để quảng cáo sản phẩm tới người tiêu dùng. Ngoài ra, ngành y tế chưa có đơn vị thanh tra chuyên trách đảm bảo việc xử phạt diễn ra triệt để, kịp thời. Vì vậy, việc hút thuốc tại những nơi công cộng vẫn diễn ra thường xuyên.
 
Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cơ sở y tế là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và cả khuôn viên, nhưng thực tế, tại các trung tâm y tế, bệnh viện vẫn có rất nhiều người “tự nhiên” hút thuốc… Còn đối với các điểm công cộng như bến xe, nhà ga thì tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra. Tuy nhiên, việc xử phạt người vi phạm vẫn chưa thực hiện được. Trong trường hợp có người hút thuốc, nhân viên tại bến xe, nhà ga chỉ có thể nhắc nhở, tuyên truyền chứ không có quyền xử phạt.
 
20181212-TL10.jpg
Diễu hành tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá.
 
Chị Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ UBND xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội cho biết: Mặc dù hiện nay việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đã được tăng cường nhưng khi đến các điểm công cộng, vào các nhà hàng, quán nước, tôi vẫn gặp rất nhiều người hút thuốc lá. Điều này chứng tỏ người dân vẫn chưa ý thức được tác hại của thuốc lá cũng như những quy định về việc không hút thuốc lá tại nơi công cộng.
 
Mặc dù đã được hiện thực hóa thành luật nhưng để triển khai được luật trong đời sống vẫn còn nhiều bất cập vì việc vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn rất phổ biến, việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và bất chợt. Người có thẩm quyền xử phạt ít trong khi người vi phạm đông, diễn ra trên địa bàn rộng. Lực lượng xử lý theo luật chỉ có một số chức danh như Thanh tra Sở Y tế, công an, quản lý thị trường. Về phía địa phương, chỉ có chủ tịch UBND các cấp, thanh tra, công an mới có thẩm quyền xử phạt.
 
Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người không hút thuốc nhưng hít phải khói (gọi là hút thuốc lá thụ động). Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc thụ động là đặt con người vào mức không “an toàn”, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai. Ngoài bệnh tật và tử vong, thuốc lá còn ảnh hưởng đến sự phát triển giống nòi, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, kinh tế của gia đình, xã hội. Mặc dù việc hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng hiện nay, nhiều người vẫn còn xem nhẹ, coi thường hiểm họa từ thuốc lá.
 
Là người nghiện thuốc lâu năm, anh Nguyễn Đức Huy (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết: Ban đầu chỉ hút thuốc cho vui, dần thành thói quen và mắc nghiện. Dù biết hút thuốc lá có thể dẫn tới ung thư phổi, mắc các bệnh tim mạch... nhưng chẳng mấy khi nghĩ mình sẽ bỏ hút thuốc. Việc từ bỏ thuốc lá rất khó do môi trường xung quanh tác động tới, khi giao lưu bạn bè, quán bán thuốc lá tràn lan và giá thuốc lá lại rẻ nên cũng không thấy ảnh hưởng đến kinh tế gia đình (!?).
 
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các công sở, trường học và cơ sở y tế đã đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ; hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn quản lý. Trong Tuần lễ quốc gia không thuốc lá, các địa phương, sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức. Nội dung tuyên truyền tập trung vào quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, khách sạn, các nơi làm việc trong nhà của nhà hàng, bến tàu, bến xe, nhà ga, trên các phương tiện giao thông công cộng; quy định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; nghĩa vụ của người hút thuốc lá.
 
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, các cấp, các ngành, các đoàn thể và địa phương tiếp tục phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên ký cam kết không hút thuốc lá. Tại các khu dân cư lồng ghép phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa gắn với việc không có người hút thuốc; các cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá./.