Việt Nam được quốc tế ghi nhận trong việc bảo vệ quyền con người

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, đạt những thành tích được quốc tế ghi nhận trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, nhất là thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ trước đây và các Mục tiêu Phát triển bền vững hiện nay.

Sức sống của Tuyên ngôn Nhân quyền

Thông tin trên được ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ vào ngày 6/12, trong khuôn khổ Hội nghị Chuyên đề Kỷ niệm 70 năm ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948 – 10/12/2018).
 
20181207-l1.jpg
 
Ông Đoàn Công Huynh cho biết, dù Tuyên ngôn có hạn chế mang tính lịch sử nhưng vẫn là lý tưởng phấn đấu và chỗ dựa trong cuộc đấu tranh chống bất công, xung đột, áp bức vì mục tiêu bảo đảm quyền con người. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Ông Huynh cho hay, 70 năm trước, Liên Hợp quốc đã công bố Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Đây là văn kiện quan trọng có ý nghĩa tiến bộ lịch sử và giá trị to lớn về mặt đạo đức, chính trị, được các quốc gia trên thế giới thừa nhận và tôn trọng. 

Dù không có ràng buộc pháp lý, nhưng Tuyên ngôn này là nguồn cơ bản và cơ sở tư tưởng để xây dựng nên các văn kiện, tổ chức và thủ tục giám sát quốc tế về quyền con người trên quy mô toàn thế giới.

Trên tinh thần của Tuyên ngôn, khoảng hơn 80 công ước, tuyên bố quốc tế về quyền con người đã được soạn thảo và ban hành. Trong đó, có những văn bản quan trọng như: Công ước về các quyền dân sự, chính trị; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Công ước về chống phân biệt chủng tộc; Công ước chống tra tấn, các công ước về quyền trẻ em, phụ nữ, người tàn tật, người di cư, các dân tộc thiểu số...

Phó giáo sư, tiến sỹ Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định, dù trải qua 70 năm nhưng bản Tuyên ngôn còn nguyên giá trị bởi sức sống trường tồn của nó.

"Đây là một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế kỷ 20, được dịch ra trên 360 thứ tiếng và trở thành hòn đá tảng cho mọi hành động của các chính phủ, người dân và các tổ chức phi chính phủ, được phê chuẩn bởi các quốc gia trên thế giới," ông Kiên nói.

Theo ông Kiên, nội dung, tư tưởng xuyên suốt của Tuyên ngôn mang giá trị đạo đức. Đó là sự răn dạy thế hệ mai sau có trách nhiệm cùng nhau hợp tác, ngăn chặn bạo tàn, kìm chế và loại trừ chiến tranh vì đó là thủ phạm xâm hại quyền con người lớn nhất.

Trên cơ sở nền tảng đạo đức, chính trị và pháp lý của Tuyên ngôn, bên cạnh hệ thống cơ chế bảo đảm quyền con người của Liên hợp quốc, hầu hết các khu vực đã xây dựng quy chuẩn, nguyên tắc và cơ chế chung về quyền con người như hình thành các chuẩn mực và các cơ chế bảo vệ quyền con người ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, ASEAN.

Nhiều thành tựu quan trọng

Vẫn theo người đứng đầu Viện Nghiên cứu quyền con người, các nguyên tắc về quyền con người, tự do, dân chủ của Việt Nam được quy định và thể hiện trong Hiến pháp năm 1946. Trong các bản hiến pháp sau này và đặc biệt là Hiến pháp 2013 đã quy định và thể hiện rõ nét hơn các nguyên tắc và giá trị phổ quát về quyền con người, được cộng đồng quốc tế thừa nhận. 

Hiện nay, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền con người.

Theo ông Đoàn Công Huynh, từ một nước nghèo kém phát triển, người dân thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên, đạt tăng trưởng GDP cao trên 6% trong hơn 20 năm qua; là nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới; từ năm 2010 trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, đời sống của gần 100 triệu người dân được nâng cao.
 
20181207-l2.jpg
 
Các em học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Lao Chải, Sa Pa, Lào Cai trong lớp học. (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)
 
Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực và đạt nhiều thành tựu trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Chúng ta đã thực hiện tốt các khuyến nghị quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam chấp thuận thông qua các cơ chế của Liên Hợp quốc như Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát UPR; cơ chế báo cáo định kỳ các Công ước mà Việt Nam là thành viên; xây dựng các chương trình hành động quốc gia về thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; nỗ lực trong việc triển khai các chương trình phát triển, đặc biệt là việc hỗ trợ người dân ở các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai.

“Dù còn nhiều thách thức, Việt Nam sẽ nỗ lực để người dân ngày càng được thụ hưởng tốt hơn quyền con người và thành quả của công cuộc phát triển đất nước,” ông Huynh khẳng định.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục là thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cưc vào hoạt động của các cơ quan Liên Hợp Quốc về quyền con người, trong đó có Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (Việt Nam là thành viên nhiệm kỳ 2014- 2016); Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) và hiện đang ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.../.